Biến khó khăn thành động lực vươn lên
Nguyễn Công Minh lớn lên trong vòng tay của một người cha mang trên mình những vết thương không chỉ ở cơ thể mà còn hằn sâu trong ký ức. Cha anh là thương binh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông trở về từ chiến trường Trị Thiên khói lửa với một phần thân thể gửi lại nơi chiến tuyến. Tuổi thơ của Minh gắn liền với hình ảnh người cha chịu đựng những cơn đau dai dẳng, đi lại khó khăn, nhiều đêm trằn trọc trắng giấc vì vết thương tái phát. Những lần theo cha đến bệnh viện, chứng kiến các y, bác sĩ chăm sóc cha, Minh đã âm thầm nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ. Không chỉ để chữa lành cho người cha thân yêu mà còn để được giúp đỡ những con người từng hy sinh vì Tổ quốc như ông. Chính nỗi đau của cha và sự tảo tần, vất vả của mẹ đã trở thành động lực để Minh bước tiếp, không ngừng vươn lên.
|
Thiếu tá QNCN, bác sĩ Nguyễn Công Minh siêu âm cho dân bản tại xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tháng 11-2024. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Năm 1996, sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Công Minh nhập ngũ tại Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4. Nhận thấy nguyện vọng và năng lực, đơn vị đã tạo điều kiện để anh theo học lớp y tá tại Bệnh viện Quân y 268, Cục Hậu cần Quân khu 4. Sau khi tốt nghiệp, anh được biên chế về công tác tại Sư đoàn 324, Quân khu 4. Môi trường làm việc thực tế cùng với sự dìu dắt từ đồng đội và cấp trên giúp tay nghề của anh ngày càng vững vàng. Ở bất kỳ nhiệm vụ nào, Minh cũng hoàn thành xuất sắc và được thủ trưởng các cấp tin tưởng, tạo điều kiện cho anh theo học lớp trung cấp quân y. Hoàn thành khóa học, anh quay trở lại công tác tại Sư đoàn 324.
Năm 2005, khi Đoàn KT-QP4 có nhu cầu tuyển cán bộ quân y cho Bệnh xá Quân dân y, Minh đã xung phong tình nguyện. Đoàn KT-QP 4 đóng quân trên địa bàn gồm 8 xã vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa tỉnh Nghệ An. Đây là khu vực đặc biệt khó khăn, địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, dễ phát sinh các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sốt virus, sốt mò, tiêu chảy cấp...; dân trí còn thấp, tảo hôn và tự tử bằng lá ngón vẫn xảy ra; tập quán sinh hoạt còn nhiều hủ tục, như tin vào việc thuê thầy mo cúng để chữa bệnh. Trong khi đó, hệ thống y tế tại chỗ lại thiếu thốn cả về nhân lực, cơ sở vật chất và thuốc men.
Giữa vô vàn thách thức ấy, anh cùng tập thể chi bộ từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa Bệnh xá đi vào hoạt động nền nếp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhu cầu khám, chữa bệnh của bộ đội và bà con nơi đây vượt xa khả năng đáp ứng của Bệnh xá. Trăn trở trước thực trạng ấy, anh mạnh dạn đề xuất với chỉ huy đơn vị cho phép tiếp tục theo học đại học để nâng cao trình độ. Với anh, chỉ có học mới có thể mang kiến thức trở về để giúp đỡ đồng đội và bà con bớt đi nỗi đau do bệnh tật.
Thế nhưng, khi mọi kế hoạch học tập đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, biến cố bất ngờ ập đến: Vợ anh lâm trọng bệnh. Sau khi đưa về xuôi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán vợ anh mắc bệnh máu khó đông (bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu). Cùng thời điểm ấy, vết thương chiến tranh của bố vợ anh, thương binh hạng 3/4 tái phát. Bố đẻ, bố vợ và vợ đều đau nặng, hai bà mẹ đã già yếu, con còn thơ dại... khó khăn chất chồng.
|
Thiếu tá QNCN, bác sĩ Nguyễn Công Minh khám tại nhà cho người cao tuổi tại bản Bủng, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn (tháng 12-2024). Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nhưng chính trong những ngày tháng tưởng chừng như kiệt quệ ấy, Minh lại càng thêm quyết tâm. Anh nghĩ, chỉ có học mới giúp mình đủ sức che chở cho những người thân yêu, cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhờ sự động viên của gia đình và đồng đội, năm 2009, anh lên đường tiếp tục hành trình học tập. Bốn năm sau, năm 2013, Minh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, rồi trở lại với bản làng nơi miền Tây Nghệ An, tiếp tục nhiệm vụ chữa bệnh-cứu người, gắn bó với đồng bào như ngày đầu anh từng ước hẹn.
Bác sĩ của bản làng
20 năm gắn bó với vùng biên viễn, bác sĩ Nguyễn Công Minh không nhớ nổi đã bao nhiêu lần băng rừng, lội suối để kịp thời cứu người. Giọng anh trầm lại khi kể về những chuyến công tác trong đêm mưa lạnh, khi đường rừng trơn trượt, nước từ khe núi đổ về ngập kín những đường mòn, lối mở vốn là con đường dân sinh duy nhất của bà con. Trong bóng tối mịt mùng, tổ công tác dắt tay nhau vượt từng đoạn đường nguy hiểm, vừa đi vừa quan sát để đề phòng sạt lở đất. Có những hôm, họ phải mất gần 4 giờ đồng hồ mới đến được nơi có người bệnh cần cấp cứu.
Vất vả là thế, hiểm nguy là thế, nhưng suốt chừng ấy năm, anh và đồng đội chưa từng bỏ rơi một ai trong cơn đau ốm, bệnh tật. Khi nhắc lại những trường hợp cấp cứu, anh chỉ khiêm tốn kể đôi ba câu chuyện gần đây, như một minh chứng cho sự tận tâm không ngơi nghỉ.
Đầu tháng 9-2024, chị Và Y Dở ở bản Thăm Hín, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn được người nhà đưa đến Bệnh xá Quân dân y, Đoàn KT-QP 4 trong tình trạng đau bụng dữ dội, nguy kịch. Gia đình biết nếu chuyển xuống tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh sẽ không kịp vì đường sá quá xa và hiểm trở. Trước tình huống ấy, anh Minh cùng các y, bác sĩ nhanh chóng tiếp nhận và thăm khám. Chẩn đoán sản phụ mang thai ngôi ngang, một ca sinh rất nguy hiểm, anh cùng ê kíp đã áp dụng các biện pháp chuyên môn kết hợp kinh nghiệm nhiều năm giúp sản phụ “mẹ tròn con vuông” trong sự vỡ òa vui mừng của gia đình và bà con bản làng.
Hay như vào hồi 2 giờ ngày 27-12-2024, chị Lầu Y Mỹ ở bản Phù Khả 2, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn nhập viện trong tình trạng trụy tim mạch do ngộ độc thực phẩm. Một ca bệnh cực kỳ nguy hiểm, nếu chuyển tuyến sẽ mất nhiều thời gian, rất dễ xảy ra biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng. Sau khi báo cáo chỉ huy và nhận trách nhiệm chuyên môn, anh Minh cùng tập thể y, bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa. Sau 5 ngày cấp cứu, chị Mỹ hồi phục hoàn toàn trong niềm biết ơn sâu sắc của gia đình và người dân. Gần đây nhất, ngày 10-5-2025, các anh đã cứu sống một bệnh nhân ăn lá ngón, bệnh nhân Già Y Vừ (40 tuổi) ở xã Na Ngoi... Còn nhiều bệnh nhân khác bệnh rất nặng, nếu không có tuyến cấp cứu ban đầu của Bệnh xá Quân dân y, Đoàn KT-QP 4 thì bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong cao.
|
Thiếu tá QNCN, bác sĩ Nguyễn Công Minh đỡ đẻ cho sản phụ Già Y Chi, bản Phù Khả 1, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tháng 6-2024. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Những năm qua, Bệnh xá Quân dân y, Đoàn KT-QP 4 không chỉ khám, chữa bệnh, cấp cứu, chăm sóc sức khỏe cho bà con mà còn chủ động phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ y tế cho các đơn vị đóng quân trên địa bàn 11 xã (nay là 8 xã) thuộc khu KT-QP và các vùng lân cận. Mỗi năm, Bệnh xá tổ chức 3-4 đợt khám, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí tại 4-6 bản trong tổng số 34 xã. Ngoài ra, cán bộ Bệnh xá còn đến tận từng hộ dân thăm khám, cấp thuốc cho người già yếu, người tàn tật, những người không thể đi lại. Song song với hoạt động chuyên môn, Bệnh xá còn tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng, bài trừ hủ tục như cúng ma, làm vía để chữa bệnh; vận động bà con thực hiện nếp sống vệ sinh khoa học, vệ sinh môi trường, không tảo hôn, không di cư tự do, không truyền đạo trái phép và phòng, chống tệ nạn ma túy.
Không chỉ là một bác sĩ giỏi, Nguyễn Công Minh còn là người luôn trăn trở, tìm tòi những sáng kiến thiết thực. Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát (2020-2021), anh cùng cán bộ Bệnh xá nghiên cứu, chế tạo thành công “máy rửa tay sát khuẩn tự động” phục vụ công tác phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Anh còn là người tiên phong trong nhiều phong trào của đơn vị, như: Mô hình “Nâng bước em đến trường”, hỗ trợ học sinh nghèo học tập; mô hình “Xây dựng bản làng xanh-sạch-đẹp”, tạo cảnh quan môi trường trong lành... Đặc biệt, cùng tập thể chi bộ bệnh xá tham mưu với Đảng ủy Đoàn trích quỹ tăng gia sản xuất để hỗ trợ bữa ăn cho bệnh nhân và người nhà trong suốt thời gian điều trị-một nghĩa cử đầy nhân văn, giúp đồng bào trong lúc khó khăn, hoạn nạn, qua đó góp phần tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.
LÊ ANH TẦN
Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/viet-tiep-cau-chuyen-nhan-ai-noi-reo-cao-837080
Comment (0)