Năm 2011, gia đình ông Nguyễn Chí Hải ở xã Gia Bình (trước sắp xếp đơn vị hành chính là thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình) nhận chuyển nhượng 3,4 ha đất ngoài bãi đê hữu Đuống. Đây vốn là khu vực khai thác đất của các chủ lò gạch ở 2 thôn: Chính Thượng và Cao Thọ, xã Cao Đức (trước sắp xếp là xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình). Để có thể sản xuất trên vùng đất này, ông Hải đầu tư cả chục tỷ đồng san lấp tạo mặt bằng. Từ năm 2013, ông bắt đầu trồng các loại cây ngắn ngày như: Cà rốt, đậu tương, ngô, măng tây, đồng thời xây dựng chuồng trại chăn nuôi.
Gia đình ông Nguyễn Văn Linh trồng nhiều loại rau màu hiệu quả cao. |
Khi mới bắt tay phát triển chăn nuôi, ông gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, chưa nắm chắc kiến thức khoa học kỹ thuật. Trải qua nhiều khó khăn với sự cố gắng của bản thân cũng như sự hỗ trợ, hướng dẫn của các đơn vị, ngành chuyên môn, địa phương, đến nay gia đình ông Hải xây dựng được 2 khu chuồng trại quy mô 14.000 m2, mỗi năm chăn nuôi khoảng 10.000 con lợn. Trang trại giải quyết việc làm cho 30-35 lao động, trong đó chủ yếu là người địa phương, người không đủ điều kiện làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp với thu nhập ổn định 8-10 triệu đồng/người/tháng. Nhờ nỗ lực phát triển kinh tế trang trại, đóng góp tích cực cho các phong trào ở cơ sở, ông Nguyễn Chí Hải vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, UBND tỉnh khen thưởng.
Năm 2008, gia đình ông Nguyễn Văn Linh ở xã Cao Đức nhận chuyển nhượng 40 ha đất khu vực bãi Nguyệt Bàn ven sông Đuống. Những năm trước, toàn bộ bãi Nguyệt Bàn rộng khoảng 150 ha được khai thác để sản xuất gạch thủ công. Sau khi ngừng khai thác, nhiều diện tích trở thành thùng vũng khó canh tác. Với tư duy tích tụ đất đai để sản xuất nông sản hàng hóa, ông Nguyễn Văn Linh đã biến 40 ha đất bãi trở thành trang trại sản xuất cà rốt, dưa lê, dưa hấu mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm.
Sau khi các lò sản xuất gạch thủ công ngừng hoạt động, người dân Cao Đức tập trung cải tạo, hoàn trả mặt bằng, tận dụng lớp phù sa màu mỡ để trồng cây ăn quả, cây rau màu, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Theo thống kê, toàn xã Cao Đức có khoảng 900 ha đất canh tác, trong đó 450 ha là bãi ven sông Đuống. Toàn bộ diện tích đất bãi được người dân khai thác hiệu quả, tại đây hình thành các trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả, rau màu. Hàng chục hộ sử dụng từ 5-40 ha để trồng cà rốt, củ cải, dưa lê, dưa hấu… bởi đây là những cây trồng phù hợp thổ nhưỡng và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với các cây trồng khác.
Để tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, ngoài chính sách của tỉnh về hỗ trợ quy hoạch vùng, đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, đường giao thông phục vụ thu mua sản phẩm, UBND xã đứng ra hỗ trợ các hộ thực hiện thủ tục cần thiết để tích tụ đất đai. Ông Nguyễn Kim Thành, Chủ tịch UBND xã Cao Đức cho biết: “Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, thực hiện công thức luân canh tăng vụ, đất bãi ven sông trở thành vùng kinh tế nông nghiệp chủ lực, đa dạng về cơ cấu cây trồng và loại hình sản xuất, góp phần phát triển kinh tế và giải quyết việc làm. Không chỉ hướng đến những cây trồng mới như củ cải, dưa hấu, dưa lê, vùng đất bãi ven sông Đuống xã Cao Đức còn được biết đến là vùng chuyên canh sản xuất cà rốt xuất khẩu giá trị kinh tế cao".
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/khai-thac-vung-dat-bai-ven-song-duong-postid421547.bbg
Bình luận (0)