Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với du lịch

Sự hợp nhất của Khánh Hòa và Ninh Thuận đã tạo nên một vùng đất giàu có về di sản văn hóa Chăm, một kho tàng kiến trúc và nghệ thuật độc đáo của khu vực.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa09/07/2025

Nổi bật trong số đó là hệ thống đền, tháp Chăm cổ kính, với những cái tên đã trở thành biểu tượng như: Tháp Bà Pô Nagar, Tháp Pô Klong Garai, Tháp Pô Rômê và Tháp Hòa Lai. Không chỉ là những công trình kiến trúc cổ xưa còn nguyên vẹn, các đền, tháp này còn có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu lẫn du khách trong nước và quốc tế.

Tháp Pô Klong Grai nằm trên đồi Trầu thuộc phường Đô Vinh - một trong những điểm đến hấp dẫn khách du lịch.
Tháp Pô Klong Grai nằm trên đồi Trầu thuộc phường Đô Vinh - một trong những điểm đến hấp dẫn khách du lịch.

Bên cạnh đó, vùng đất này còn có làng gốm Chăm Bàu Trúc, một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những sản phẩm gốm độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm mà còn có cơ hội trải nghiệm quy trình làm gốm thủ công truyền thống, một nét văn hóa đặc sắc được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Cộng đồng người Chăm nơi đây có số lượng đông nhất cả nước, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa đa dạng, đặc sắc của tỉnh.

Theo Tổng điều tra dân số năm 2019, tổng số người Chăm ở Việt Nam khoảng 178.948 người. Trong đó, tỉnh Ninh Thuận (cũ) là nơi có người Chăm đông nhất với 67.517 người, chiếm khoảng 37,73% tổng số người Chăm cả nước; tỉnh Khánh Hòa (cũ) cũng có một cộng đồng người Chăm với 325 người. Sự hiện diện của cộng đồng người Chăm tại tỉnh Khánh Hòa sau khi hợp nhất là điều kiện nổi trội của địa phương này trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm.

Không dừng lại ở đó, tỉnh Khánh Hòa mới còn là một "bảo tàng sống" với vô số di sản, di tích và danh lam thắng cảnh. Với 4 di sản văn hóa, di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận, ghi danh, bao gồm: Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa; Nghệ thuật làm gốm của người Chăm; Nghệ thuật Bài chòi và Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, cùng với hàng trăm di sản văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, là tiềm năng du lịch văn hóa, lịch sử vô cùng lớn.

Ông Vạn Quan Phú Đoan - nghệ nhân làng gốm Chăm Bàu Trúc, xã Ninh Phước cho hay: Nghề làm gốm đã gắn bó với gia đình tôi từ bao đời nay. Mỗi sản phẩm gốm ra đời không chỉ là một vật dụng mà còn là tâm hồn, là câu chuyện về văn hóa Chăm. Chúng tôi rất vui khi ngày càng có nhiều du khách đến thăm, tìm hiểu và trân trọng nghề gốm truyền thống này. Điều đó thôi thúc chúng tôi phải giữ gìn và truyền dạy nghề cho thế hệ sau.

Chị Trần Thị Mai Anh - một du khách đến từ Hà Nội, không giấu sự phấn khích khi tham quan Tháp Pô Klong Garai, chia sẻ: Kiến trúc của tháp rất độc đáo và ấn tượng. Người dân địa phương rất thân thiện và hiếu khách, khiến chuyến đi của tôi càng thêm ý nghĩa. Tôi chắc chắn sẽ giới thiệu địa điểm này cho bạn bè và người thân.

Để bảo tồn và phát huy những giá trị di sản to lớn này, đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, tỉnh Khánh Hòa đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Công tác trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, đặc biệt là các đền, tháp Chăm được chú trọng đầu tư. Các lễ hội truyền thống của người Chăm như lễ hội Katê tại các đền, tháp được khôi phục và tổ chức quy mô, thu hút đông du khách đến tham quan và tìm hiểu về văn hóa Chăm.

VB
Du khách tham quan, trải nghiệm làm gốm tại làng gốm Bàu Trúc (xã Ninh Phước).

Bên cạnh đó, việc quảng bá hình ảnh các di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh được đẩy mạnh thông qua các kênh truyền thông, các sự kiện văn hóa, du lịch. Các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn liền với di sản văn hóa như: Tour khám phá các đền, tháp Chăm; trải nghiệm làm gốm tại làng Bàu Trúc; tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật bài chòi, đờn ca tài tử cũng được xây dựng và đưa vào khai thác. Những nỗ lực này đã mang lại hiệu quả trong việc thu hút du khách. Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Khánh Hòa đã đón 6,2 triệu lượt khách, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó có hơn 2,6 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch cũng đạt mức cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa, nhìn nhận: Tỉnh Khánh Hòa đang sở hữu một "kho tàng" di sản quý giá, không chỉ về kiến trúc, nghệ thuật Chăm mà còn là sự đa dạng sinh học và các loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo. Mục tiêu của tỉnh là đưa du lịch Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch quốc tế, là một trung tâm du lịch văn hóa hàng đầu, nơi du khách có thể đắm mình vào chiều sâu lịch sử, khám phá những giá trị văn hóa đích thực và trải nghiệm sự thân thiện, mến khách của người dân. Trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn gắn với phát huy giá trị của các di sản văn hóa để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, chất lượng cao, góp phần đưa văn hóa Chăm và các di sản văn hóa của tỉnh lan tỏa, vươn xa hơn nữa trên bản đồ du lịch thế giới.

ANH TUẤN

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/du-lich/202507/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-sangan-voi-du-lich-c5f5f89/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm