Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Điều đặc biệt về nữ tiến sĩ Khmer đầu tiên của một tỉnh miền Tây

Là nữ tiến sĩ Khmer đầu tiên của tỉnh Trà Vinh (cũ), nay là tỉnh Vĩnh Long, bà Ngô Sô Phe tận tụy cống hiến cho việc bảo tồn bản sắc dân tộc và truyền cảm hứng học tập cho giới trẻ đồng bào dân tộc Khmer.

VietNamNetVietNamNet09/07/2025

Tiến sĩ Ngô Sô Phe (sinh năm 1981) là nữ hiệu trưởng đầu tiên của Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn, trực thuộc Trường Đại học Trà Vinh.

ngo-so-phe-100098.jpgNgô sô phe.jpg

Tiến sĩ Ngô Sô Phe. Ảnh: NVCC

Bà sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Kim Sơn, huyện Trà Cú (cũ) - vùng quê đặc biệt khó khăn với hơn 90% dân số là người Khmer. 

Cha bà nguyên là Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam huyện Trà Cú (cũ). Từ nhỏ, Ngô Sô Phe đã sớm được cha giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý chí vươn lên. Bà được cha dạy dỗ, khích lệ tinh thần học tập, xem trọng tri thức.

"Ông luôn căn dặn 4 anh em chúng tôi: Cha không có gì để lại cho các con ngoài cái chữ. Đó là tài sản lớn nhất trong cuộc sống, các con phải cố gắng học tập để thành tài", bà kể. Lời cha dạy chính là “kim chỉ nam” dẫn lối cho bà theo đuổi hành trình học tập. 

Do gia đình nhiều khó khăn nên anh em bà đều nghe lời cha, cố gắng vươn lên.

“Tuổi thơ của anh em tôi rất vất vả. Dù ngày mưa hay nắng, tôi vẫn chạy xe đạp gần 10km để đến trường nuôi con chữ”, nữ tiến sĩ nhớ lại và cho biết, những khó khăn càng làm bà mạnh mẽ.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, bà và anh trai quyết định chọn học trung cấp để tiết kiệm chi phí, sớm đi làm phụ giúp cha mẹ.

Ngô Sô Phe.jpgngo-so-phe-100099.jpg

Tiến sĩ Ngô Sô Phe là một trong 6 cá nhân tiêu biểu trên toàn quốc được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2025. Ảnh: NVCC

Năm 2001, sau khi tốt nghiệp trung cấp, bà được tuyển dụng vào Trường Cao đẳng Cộng đồng Trà Vinh - tiền thân của Trường Đại học Trà Vinh.

Yêu văn hóa nghệ thuật của dân tộc mình nên Ngô Sô Phe luôn mong ước công tác trong ngành giáo dục để góp phần bồi đắp tâm hồn cho bạn trẻ ở quê hương. Với sự kiên trì, bền bỉ, Ngô Sô Phe từng bước vươn lên trong học tập, từ trung cấp đến đại học, rồi thạc sĩ, tiến sĩ.

Là phụ nữ người Khmer đầu tiên của tỉnh Trà Vinh (cũ) được đào tạo tiến sĩ bằng nguồn ngân sách nhà nước, bà Ngô Sô Phe lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn cuộc sống, nhu cầu phát triển tri thức cộng đồng dân tộc thiểu số.

Bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế phát triển, với đề tài “Phát triển nguồn nhân lực nữ, người dân tộc Khmer tại tỉnh Trà Vinh”. 

Luận án tiến sĩ của bà tập trung vào nội dung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho giới nữ người dân tộc Khmer. Luận án đã thu hút sự quan tâm từ cộng đồng, đặc biệt là đồng bào Khmer và các cấp lãnh đạo.

Với tấm lòng tận tụy với văn hóa dân tộc, tiến sĩ Ngô Sô Phe dành trọn tâm huyết cho công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Khmer. Các nghiên cứu của bà được xem là nền tảng phát triển nguồn nhân lực nữ dân tộc Khmer, góp phần nâng cao vị thế xã hội, đảm bảo bình đẳng giới, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ Khmer Nam Bộ.

Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ

Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn do bà làm Hiệu trưởng đã đào tạo hơn 2.500 học viên từ bậc cao đẳng đến tiến sĩ. Ngoài đào tạo chính quy, trường còn mở các lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang ở nhiều địa phương có đông đồng bào Khmer.

Các khóa học giúp nâng cao khả năng giao tiếp, hiểu biết văn hóa, tăng hiệu quả quản lý, tuyên truyền chính sách, gắn kết cộng đồng, đồng thời góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc và phát triển du lịch, sinh kế bền vững.

1-ngo-so-phe-100100.jpg1 Ngô Sô Phe.jpg

Tiến sĩ Ngô Sô Phe là Hiệu trưởng Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn. Ảnh: NVCC

Dưới sự dẫn dắt của tiến sĩ Ngô Sô Phe, Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia trong đào tạo nguồn lực ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer. Trường góp phần nâng cao dân trí và phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều nghiên cứu của tiến sĩ Ngô Sô Phe về bảo tồn văn hoá, đặc biệt là vai trò của phụ nữ Khmer, đã tạo nền tảng cho các chính sách bình đẳng và bảo tồn bản sắc dân tộc. 

Bà Ngô Sô Phe là tấm gương vượt khó tiêu biểu, truyền cảm hứng học tập, đặc biệt trong giới trẻ đồng bào dân tộc Khmer. Bà có đóng góp tích cực vào chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số. 

Tiến sĩ Ngô Sô Phe được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba cùng nhiều danh hiệu thi đua cấp tỉnh... Đặc biệt, bà là một trong 6 cá nhân tiêu biểu trên toàn quốc được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2025. 

Nguồn:https://vietnamnet.vn/dieu-dac-biet-ve-nu-tien-si-khmer-dau-tien-cua-mot-tinh-o-mien-tay-2418984.html




Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm