Bao gồm các dự án: Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Gia Bình; xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội và cầu Kênh Vàng đi tỉnh Hải Dương (nay là thành phố Hải Phòng).
Cùng dự có đồng chí Đào Quang Khải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số đơn vị, địa phương và đại diện 2 chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Masterrise và Tập đoàn Sun Group.
Dự án sân bay Gia Bình (xã Gia Bình) được quy hoạch là sân bay cấp 4E, có quy mô hơn 1,96 nghìn ha, có 2 đường băng cất, hạ cánh, có thể tiếp nhận các loại máy bay hiện đại như Boeing B777, B787, A350, A321.
Đồng chí Vương Quốc Tuấn phát biểu. |
Dự kiến đến năm 2030, sân bay sẽ đạt công suất đón khoảng 30 triệu hành khách và 1,6 triệu tấn hàng hóa/năm; đón 50 triệu hành khách và 2,5 triệu tấn hàng hóa/năm vào năm 2050.
Sân bay Gia Bình được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh và khu vực lân cận, đặc biệt là vùng Thủ đô. Đồng thời giúp giảm tải cho sân bay Nội Bài.
Phát biểu gợi mở, đồng chí Vương Quốc Tuấn cho biết, việc xây dựng sân bay Gia Bình tác động đến gần 70 thôn, hơn 4,5 nghìn hộ dân (với quy mô dân số khoảng 20 nghìn người); 46 nghĩa trang, 41 công trình tôn giáo…
Đường kết nối từ Thủ đô Hà Nội đến sân bay và đường từ sân bay đến cầu Kênh Vàng được xây dựng đồng thời với sân bay sẽ tạo động lực phát triển kinh tế cho cả vùng.
Cùng đó, tỉnh sẽ quy hoạch xây dựng 1 tuyến đường từ sân bay Gia Bình tới vị trí dự kiến xây dựng khu đô thị lớn của tỉnh, diện tích khoảng 4 nghìn ha, thể hiện sự vươn mình của tỉnh trong tương lai.
Tỉnh xác định đây là nhiệm vụ trong tâm, phục vụ lợi ích quốc gia trong kỷ nguyên mới. Mục tiêu đến ngày 31/12/2026 sẽ hoàn thành giai đoạn đầu dự án, sân bay Gia Bình sẽ đón những chuyến bay quốc tế đầu tiên.
Hội nghị được nghe đại diện nhà đầu tư sân bay Gia Bình là Công ty cổ phần Tập đoàn Masterrise báo cáo cơ sở, căn cứ pháp lý và đề xuất các nội dung triển khai thực hiện (dự kiến công tác quy hoạch tổng thể, di dời, tái định cư, hoàn trả hạ tầng kỹ thuật…)
Tại đây, đại diện Tập đoàn Sun Group, chủ đầu tư tuyến đường nối sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội và cầu Kênh Vàng nêu các giải pháp thực hiện dự án. Trong đó, đề nghị UBND tỉnh cho phép bố trí các mặt bằng chưa đấu giá quyền sử dụng đất để làm quỹ đất tái đầu tư. Đồng thời xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng các dự án tái định cư trên địa bàn các xã liên quan dự án nhằm bảo đảm đủ quỹ đất tái định cư và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.
Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Masterrise kiến nghị. |
Đề nghị tỉnh có văn bản gửi các tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Hải Phòng, Ninh Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang cho phép nhà đầu tư được khảo sát và có cơ chế chỉ định cho nhà đầu tư trực tiếp tổ chức khai thác các mỏ (đất, đá, cát) để phục vụ thi công xây dựng dự án đặc thù này.
Đề nghị tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung chỉ tiêu chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa giai đoạn 2025-2030 cho tỉnh Bắc Ninh để phân bổ bổ sung cho quỹ đất giải phóng mặt bằng (bao gồm cả dự án BT và dự án đối ứng).
Đại diện các Sở: Tài chính, Xây dựng và Ban Quản lý dự án giao thông và nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh số 2 báo cáo kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với thủ đô Hà Nội và cầu Kênh Vàng đi thành phố Hải phòng.
Đại diện các xã liên quan đến dự án đề nghị UBND tỉnh, lực lượng công an thành lập các tổ công tác hỗ trợ chính quyền các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình tái định cư.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đào Quang Khải yêu cầu các sở, ngành, đơn vị tư vấn tiếp tục tham mưu giải pháp, đề rõ những khâu nào, việc nào có thể thực hiện theo đặc thù. Đồng chí cho rằng, công tác quy hoạch, tái định cư, bồi thường giải phóng mặt bằng… là những nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện nhanh, sớm nhất. Các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung cao cho công tác bồi thường để có mặt bằng xây dựng giai đoạn 1 của dự án vào ngày 19/8 tới.
Lãnh đạo Sở Tài chính phát biểu ý kiến. |
Kết luận hội nghị, đồng chí Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh, dự án Cảng hàng không quốc tế Gia Bình và các công trình liên quan là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của cả hệ thống chính trị. Do đó, cần phải tập trung, nỗ lực triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Việc giải phóng mặt bằng phải đặt lên hàng đầu. Do đó, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện phải phân công chi tiết đến từng cá nhân và kiểm tra hằng ngày việc thực hiện nhiệm vụ.
Đồng chí nhận định, dự án Cảng hàng không quốc tế Gia Bình là dự án theo “luồng xanh” ưu tiên một cách tối đa về thủ tục giải quyết và thời gian thực hiện. Ưu tiên tối đa về nhân lực, vật lực; ưu tiên tối đa về thời gian để tập trung triển khai các bước theo quy trình.
Trong quá trình triển khai sẽ có cơ chế đặc thù từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của cán bộ, công chức phải vô tư, khách quan, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Để tập trung giải phóng mặt bằng toàn bộ sân bay, tỉnh giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với UBND các xã và sở, ngành trong quá trình triển kha thực hiện công việc.
Yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thành lập Ban Quản lý dự án, tập trung nhân lực tốt nhất; giao đồng chí Giám đốc Trung tâm trực tiếp chỉ đạo, điều hành toàn bộ Ban Quản lý dự án này để đạt hiệu quả cao nhất.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, từ nay đến ngày 20/7, Sở Xây dựng phải tham mưu để Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định điều chỉnh quy hoạch tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời giao Sở Xây dựng thông tin đến các sở, ban, ngành, chậm nhất đến ngày 15/7 phải hoàn thành việc xin ý kiến các ngành, địa phương… về điều chỉnh quy hoạch tỉnh. Phấn đấu đến ngày 22/7, Bộ Xây dựng có quyết định điều chỉnh quy hoạch tổng thể Cảng hàng không quốc tế Gia Bình.
Đối với quy hoạch phân khu, giao Sở Xây dựng đề xuất các bước triển khai thực hiện theo từng phân khu chức năng của sân bay.
Về chỉ tiêu sử dụng đất, giao Sở Nông nghiệp và Môi trường trực tiếp làm việc với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các nhà đầu tư tiềm năng đề xuất thực hiện các bước để Bộ sớm phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất lúa cho cả khu vực sân bay và khu vực chức năng khác.
Phối hợp với các nhà đầu tư tiềm năng khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về khối lượng vật tư xây dựng, bảo đảm nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án.
Đối với các địa phương có diện tích phải giải phóng mặt bằng, di dời các công trình, từ nay đến hết ngày 11/7 phải tham mưu thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện. Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban; đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Chủ tịch hội đồng thẩm định để phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, công chức thực hiện.
Đối với các dự án giao thông kết nối với sân bay Gia Bình sẽ triển khai xây dựng theo hình thức BT. Các nội dung dự án phải thực hiện song song. Nhà đầu tư cũng cần khảo sát các tuyến giao thông, bảo đảm người và phương tiện tham gia giao thông an toàn trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Đối với địa điểm tái định cư, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các địa phương liên quan và Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với Sở Xây dựng, trên cơ sở nguyện vọng của người dân và phù hợp với quy hoạch, chậm nhất đến ngày 25/7 phải hoàn thành đề xuất các khu vực tái định cư. Bảo đảm môi trường sống tốt hơn cho người dân bị ảnh hưởng.
Phấn đấu đến ngày 19/8/2025 sẽ khởi công các dự án, qua đó tạo khí thế phấn khởi, lan tỏa ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án trọng điểm Cảng hàng không quốc tế Gia Bình và các tuyến giao thông kết nối.
Các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, phường trong phạm vi bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Gia Bình và các công trình phụ trợ sẽ được giao nhiệm vụ đặc trách. Đồng thời được Chủ tịch UBND tỉnh kiểm điểm, đánh giá theo hiệu quả công việc.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/bac-ninh-ban-giai-phap-day-nhanh-tien-do-du-an-cang-hang-khong-quoc-te-gia-binh-postid421597.bbg
Bình luận (0)