Đi đầu về đổi mới công nghệ
Nằm giữa làng nghề gỗ lâu đời thuộc khu phố Khúc Toại, phường Kinh Bắc, Hợp tác xã Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên có 15 hộ thành viên và là đầu mối tiêu thụ cho nhiều hộ sản xuất tranh gỗ, lan can cầu thang, bàn ghế, sập gụ, tủ trong khu vực này… Với mong muốn vừa gìn giữ nét tinh hoa vừa phát triển các dòng sản phẩm gỗ phù hợp với nhu cầu thị trường, Hợp tác xã tích cực tìm tòi, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hợp tác xã Dịch vụ và Du lịch gốm Phù Lãng liên kết các hộ cùng phát triển du lịch làng nghề. |
Là một trong những người sáng lập Hợp tác xã, nghệ nhân Nguyễn Văn Hùng, “cha đẻ” của dòng tranh ghép gỗ độc đáo cho biết: “Trong bối cảnh kinh tế phát triển, nhu cầu giao thương ngày càng lớn, dù là cơ sở sản xuất chuyên dòng gỗ mỹ nghệ hay dân dụng đều cần máy móc thay thế sức người. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích các hộ sử dụng máy móc tùy theo yêu cầu mỗi công đoạn sản xuất như: Máy cưa, bào, phay, chà nhám, khoan, ép và máy cắt gỗ vi tính công nghệ cao…, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, tăng doanh thu cho các cơ sở”.
Anh Nguyễn Thành Trung, thành viên Hợp tác xã phấn khởi nói: “Nhờ tham gia Hợp tác xã, được học tập kinh nghiệm tại một số cơ sở sản xuất gỗ trong và ngoài tỉnh, chúng tôi lắp đặt hệ thống máy cắt gỗ vi tính có độ chính xác cao, rút ngắn thời gian sản xuất. Chẳng hạn, nếu đầu tư máy khắc gỗ 4-6 đầu khoan có thể khắc cùng lúc 4 đến 6 bức tranh giống nhau với tốc độ liên tục, giúp việc khắc bề mặt, chữ, chi tiết, hoa văn trang trí dễ dàng, đồng đều, trên nhiều loại vật liệu gỗ khác nhau”.
Bên cạnh hỗ trợ, định hướng cho các thành viên và hộ làm nghề trong lựa chọn công nghệ, lắp đặt thiết bị phù hợp với quy mô, nhu cầu, Hợp tác xã Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên còn đứng ra làm đầu mối, chủ trì, liên kết xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao uy tín, mở rộng danh tiếng của sản phẩm truyền thống. Năm 2024, nhãn hiệu tập thể “Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên” được cấp cho chủ thể là Hợp tác xã Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên; 20 hộ sản xuất tiêu biểu được trao chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể này, tạo thuận lợi cho việc quảng bá sản phẩm.
Đa dạng dịch vụ
Làng gốm Phù Lãng, xã Phù Lãng hiện có khoảng 250 hộ sản xuất gốm, tạo việc làm cho 500-600 lao động. Mặc dù ngày càng được biết đến rộng rãi nhưng về cơ bản, các hộ vẫn làm thủ công, chưa gắn kết làng nghề với du lịch, thiếu cơ sở vật chất để du khách có thể trải nghiệm. Một số cơ sở chỉ hoạt động vào cuối tuần, dịp lễ, Tết, chưa duy trì thường xuyên. Đầu năm 2024, Hợp tác xã Dịch vụ và Du lịch gốm Phù Lãng với 15 thành viên được thành lập mở ra cơ hội phát triển du lịch, quảng bá sản phẩm gốm, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Anh Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã bộc bạch: “Chúng tôi nhận thức được phát triển du lịch làng nghề không chỉ đem lại lợi nhuận, giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn là một cách thức để gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của làng gốm Phù Lãng. Vì vậy, kế hoạch hành động của Hợp tác xã là tập hợp các hộ, đặt ra các phương án sản xuất, làm dịch vụ hoạt động trên tinh thần tự nguyện, hợp tác phù hợp với nhu cầu thị trường”.
Chia sẻ về nguyện vọng tham gia hợp tác xã, chị Đặng Thị Tâm, chủ cơ sở gốm Minh Tâm khẳng định: “Việc được tham gia hợp tác xã giúp các cơ sở định hướng rõ nét hơn mảng dịch vụ của mình. Hiện nay, gia đình tôi và một số hộ góp vốn để xây dựng Trung tâm Bảo tồn văn hóa Việt - Làng nghề truyền thống gốm Phù Lãng. Đây là mô hình đầu tiên của làng nghề kết hợp với các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành tổ chức các tour, tuyến du lịch trải nghiệm. Ở đó có nhiều hạng mục như trưng bày sản phẩm, trải nghiệm nặn gốm thu hút nhiều du khách”.
Có thể thấy đa số hợp tác xã, doanh nghiệp được sinh ra từ làng nghề đang phát huy vai trò trong việc mở rộng liên kết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng bá, giới thiệu nét đẹp của nghề truyền thống. Nhiều hợp tác xã là đầu mối chuyển giao khoa học kỹ thuật, truyền dạy nghề truyền thống của địa phương cho các thế hệ sau. Các hợp tác xã đều mong muốn tiếp cận được với những cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp để đầu tư công nghệ, vốn, đào tạo nguồn nhân lực, mặt bằng sản xuất, xúc tiến thương mại… Qua đó tạo điều kiện thuận lợi và củng cố sức mạnh của các hợp tác xã, hướng tới sự phát triển bền vững của làng nghề.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/hop-tac-xa-dan-dat-kinh-te-lang-nghe-postid421545.bbg
Bình luận (0)