Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thúc đẩy liên kết vùng, tạo xung lực phát triển mới

Việc sáp nhập, hợp nhất hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên thành tỉnh Đắk Lắk (mới) đã mở ra không gian phát triển mới khi vừa kết hợp, vừa thúc đẩy liên kết kinh tế giữa Tây...

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng10/07/2025

Việc sáp nhập, hợp nhất hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên thành tỉnh Đắk Lắk (mới) đã mở ra không gian phát triển mới khi vừa kết hợp, vừa thúc đẩy liên kết kinh tế giữa Tây Nguyên đại ngàn và duyên hải Nam Trung Bộ. Từ đó, tạo điều kiện và xung lực phát triển để tỉnh Đắk Lắk vươn xa.

Sau hợp nhất, tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên 18.096,40 km2, đứng thứ ba trong 34 tỉnh, thành phố; có 102 đơn vị hành chính cấp xã, phường với dân số hơn 3,3 triệu người ; có đường biên giới dài hơn 71 km và bờ biển dài 189 km. Đồng thời, Đắk Lắk nằm giữa khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp với giá trị cao; phát triển kinh tế biển, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, giao thương và hợp tác quốc tế thuận lợi. Tỉnh có hệ thống giao thông liên vùng đã và đang được đầu tư đồng bộ, đường sắt bắc-nam và đường sắt tốc độ cao sẽ được đầu tư trong thời gian tới… hình thành mạng lưới logistics liên tỉnh, liên vùng.

Tỉnh Đắk Lắk sẽ định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp mới có cửa khẩu quốc tế và cảng biển, trọng tâm là phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao như: luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng tái tạo, trung tâm dữ liệu lớn, logistics… Tại khu vực phía đông tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế nam Phú Yên trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là các loại hình công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển và liên kết phát triển giữa các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ tạo thành một thể thống nhất. Tại khu vực phía tây tập trung phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, hướng tới thị trường xuất khẩu, trong đó tập trung phát huy thế mạnh về cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cà-phê, hồ tiêu, cao su, sầu riêng…

“Đắk Lắk được mệnh danh là “thủ phủ cà-phê” cùng với vùng đất bazan màu mỡ trải dài, trong khi đó Phú Yên (trước đây) có lợi thế là “cửa ngõ Biển Đông”, với các vịnh, bãi biển, phong cảnh đẹp, đặc sắc, hải sản phong phú và hạ tầng cảng biển giàu tiềm năng. Sự kết hợp này tạo nền tảng để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực từ nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến sâu, logistics gắn với cảng biển đến du lịch, dịch vụ… để tỉnh Đắk Lắk vươn xa”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Tạ Anh Tuấn kỳ vọng.

Theo các chuyên gia, việc sáp nhập, hợp nhất hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên thành tỉnh Đắk Lắk (mới) sẽ mở ra không gian mới để phát huy tối đa lợi thế so sánh và sự bổ trợ lẫn nhau giữa các địa phương, thúc đẩy liên kết kinh tế, liên kết vùng, tạo không gian, điều kiện và tiềm lực phát triển mới của tỉnh. Bởi hai tỉnh đều là những địa phương có vị trí địa lý đặc biệt trong vùng Tây Nguyên và duyên hải miền trung.

Đồng bào các dân tộc hai tỉnh có bề dày truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên. Nay hợp nhất lại tạo ra sự liên thông về dòng chảy kinh tế, văn hóa và lịch sử, mở rộng không gian phát triển đa dạng cả về tự nhiên, kinh tế, văn hóa một cách bền vững, hiệu quả.

Tại lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh tại Đắk Lắk mới đây, đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng kỳ vọng: “Với sự hội tụ hài hòa giữa thiên thờiđịa lợi-nhân hòa, chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng rằng: tỉnh Đắk Lắk mới sẽ vươn lên trở thành cực tăng trưởng mới của vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, là trung tâm đa chiều về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch và logistics; là hình mẫu sinh động về sự phát triển hài hòa, bền vững và mang đậm bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của vùng và của cả nước”.

Còn Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung khẳng định: “Việc hợp nhất giữa tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên thành tỉnh Đắk Lắk (mới) và vận hành chính quyền hai cấp là một quyết sách chiến lược, tạo động lực đột phá cho địa phương khai thác hiệu quả hơn các tiềm năng về đất đai, tài nguyên và lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, thúc đẩy tăng trưởng để vươn lên cùng cả nước”.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Tạ Anh Tuấn, với khát vọng đổi mới và phát triển, trên nền tảng thế và lực sẵn có, cùng với sự quan tâm ủng hộ của Trung ương và sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, trong giai đoạn 2026-2030, tỉnh Đắk Lắk mới phấn đấu tăng trưởng GRDP bình quân tăng 11-11,5%/năm, đưa nền kinh tế, xã hội phát triển nhanh và bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức trung bình khá của cả nước trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa bản sắc văn hóa của các dân tộc, các tiềm năng, lợi thế và dư địa của không gian phát triển mới.

Theo đồng chí Lê Hoài Trung, “Phía trước là một chặng đường với nhiều việc lớn cần triển khai, nhiều nhiệm vụ mới rất quan trọng và đầy triển vọng. Với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh kiên cường và tinh thần đổi mới, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk; cùng với sự lãnh đạo sâu sát, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, chắc chắn rằng, những tiềm năng và lợi thế của Đắk Lắk sẽ được hiện thực hóa bằng những bước phát triển mạnh mẽ, đưa Đắk Lắk vươn lên trở thành một cực tăng trưởng năng động, có vai trò dẫn dắt của khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới”.

Nguồn: https://baolamdong.vn/thuc-day-lien-ket-vung-tao-xung-luc-phat-trien-moi-381860.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm