
Cùng đi về thành phố mới
10 ngày sau hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng, nhiều người đã dần quen với hình ảnh những chuyến xe vội vã đi từ sáng sớm rồi trở về phía tây thành phố vào tối muộn.
Những bước chân trở nên vội vã, gấp rút hơn vì thời gian một ngày dần thu hẹp lại do di chuyển xa xôi. Một ngày làm việc ở TP Hải Phòng mới bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều nhưng không phải ai cũng làm hết việc trong thời gian đó để về nhà đúng giờ.
.jpg)
Nhiều chị em phụ nữ đã chia sẻ với nhau phải tranh thủ cuối tuần chuẩn bị đồ ăn cho cả gia đình. Những người có chồng đi làm thì mua cặp lồng, chuẩn bị cơm cho chồng mang đi vì ăn cơm ngoài nhiều cũng chán, xung quanh Trung tâm Chính trị - Hành chính TP Hải Phòng mới cũng chưa có nhiều hàng ăn.
Sau những chuyến xe đi, về hằng ngày, có người dần quen việc ăn, ngủ, nghỉ, thậm chí là làm việc trên xe. Có người chuyển sang phương án ở lại để tiết kiệm thời gian, sức lực. Một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã thuê hoặc mua nhà để ở, chỉ về quê vào cuối tuần hoặc khi có việc phát sinh.
Hiện nay, học sinh đang nghỉ hè cũng thuận lợi để nhiều gia đình chọn trường, chọn nhà, làm thủ tục xin học cho con tại nơi ở mới. Nhiều gia đình đã ổn định khi cha mẹ thích nghi với công việc, cơ quan mới, con cái sẵn sàng vào năm học mới, trường mới.
Một số cơ quan, đơn vị của TP Hải Phòng đã chủ động phương án chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, chỗ ở cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau hợp nhất.
Tại Trường Chính trị Tô Hiệu, Ban Giám hiệu nhà trường đã khảo sát tình hình cơ sở vật chất để tính toán phương án bố trí nơi làm việc, nơi ở cho các cán bộ, giảng viên sẽ di chuyển từ Trường Chính trị tỉnh Hải Dương cũ về đây làm việc, giảng dạy.
Tạm thời, một số phòng, ban có thể sử dụng giảng đường làm nơi làm việc và cán bộ, giảng viên từ phía tây thành phố di chuyển sang có thể sử dụng nhà nghỉ học viên làm nơi lưu trú.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất của trường được xây dựng từ lâu, chưa tính đến quy mô sau hợp nhất. Dự án Đầu tư xây dựng Trường Chính trị Tô Hiệu sắp triển khai, nhiều toà nhà dự kiến phải phá dỡ để thi công.
Nhà trường đang phối hợp với chủ đầu tư để điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ, trong đó tính đến việc bố trí nơi làm việc, lưu trú phù hợp với quy mô lớn hơn sau hợp nhất.
Ông Phạm Đức Minh, Trưởng Phòng Tổ chức, Hành chính, Thông tin, Tư liệu cho biết: "Nhà trường đang cố gắng sắp xếp, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhất là nơi lưu trú. Tuy nhiên, hiện còn nhiều khó khăn nên những người đi làm xa nhà như chúng tôi phải chủ động. Chúng tôi rất mong dự án này được triển khai sớm, trường sẽ được đầu tư một cách đồng bộ, bài bản hơn nữa, phù hợp với quy mô mới, có cơ chế hỗ trợ cán bộ, viên chức đi làm xa nhà để ổn định công việc, cuộc sống".
Những cán bộ xã kiểu mới

Không chỉ cán bộ thành phố mới mà những cán bộ xã mới cũng nỗ lực rất nhiều để ổn định công việc, cuộc sống sau sáp nhập.
Trong tuần thứ hai sau khi thành phố mới, xã mới đi vào hoạt động, nhiều cán bộ, công chức xã đã có những chuyến đi đầu tiên đến với trung tâm TP Hải Phòng để làm nhiệm vụ.
12 giờ 30 trưa 9/7, nhóm cán bộ phụ trách mảng văn hoá xã hội ở một số xã thuộc địa bàn huyện Nam Sách cũ tập trung ở trụ sở UBND xã Nam Sách (trước là trụ sở UBND huyện) để cùng nhau từ xã lên trung tâm TP Hải Phòng dự tập huấn.
Chiều về đúng lúc tan tầm nên đường hơi tắc. Khoảng 18 giờ 45 phút, mấy chị em mới về tới nhà thì trời đã nhá nhem tối.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi đi dự tập huấn ở thành phố mới, cũng là lần đầu đi tập huấn với vai trò cán bộ xã. Quãng đường đi có xa hơn nhưng chúng tôi xác định tư duy tỉnh, thành phố đã sáp nhập thì cán bộ xã mới cũng phải làm việc kiểu mới, năng động hơn nên dần dần sẽ quen và ổn định thôi", chị Trịnh Thị Ngọc, Trưởng Phòng Văn hoá - Xã hội xã An Phú chia sẻ.
Trước đây, đến trung tâm TP Hải Phòng là chuyến đi ngoại tỉnh, phải có sự chuẩn bị, sắp xếp công việc kỹ lưỡng thì nay được các cán bộ, công chức xã xem như là chuyến đi trong nội thành như đi công tác bình thường trong ngày.

Trước đây, bà Diệp Thị Thư là Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Chí Linh, nay được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Đảng uỷ phường Nguyễn Trãi - một phường rộng và xa trung tâm.
"Đường đi làm bây giờ xa nhà hơn nhiều so với trước đây nên tôi cũng phải chủ động phương án di chuyển, ăn nghỉ cho phù hợp để vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, vừa chăm lo cho gia đình", chị Thư cho biết.
Dù mới ổn định bước đầu và còn nhiều khó khăn nhưng nhìn những đồng nghiệp đang đi làm xa hơn mình nhiều lần, chị Thư lại thấy mình còn thuận lợi và phải cố gắng thích nghi.
Đó cũng là tâm thế chung của nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang nỗ lực để thích ứng với những đổi thay nhanh chóng, sẵn sàng đón nhận những thử thách, nhiệm vụ mới trong tương lai.
PHONG TUYẾTNguồn: https://baohaiphongplus.vn/chu-dong-de-on-dinh-cuoc-song-o-tp-hai-phong-moi-416065.html
Bình luận (0)