
Phát triển du lịch trong xây dựng NTM là 1 trong 6 chuyên đề của giai đoạn 2021 - 2025. Du lịch nông thôn được coi là một lực đẩy mới cho xây dựng NTM Lâm Đồng.
Lâm Đồng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch trong NTM như điều kiện tự nhiên, khí hậu, rừng, biển, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp... Tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, giá trị văn hóa vật chất, tinh thần, dân cư khu vực nông thôn với những đặc điểm có tính truyền thống cao.
Phát triển du lịch NTM sẽ giúp các xã, phường thực hiện tốt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, bảo đảm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Tỉnh xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng ở những bon, buôn truyền thống; các điểm, tuyến du lịch kết nối với Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Các xã NTM như Lạc Dương, Đơn Dương ngày càng phát triển nhiều mô hình du lịch, với hệ thống khách sạn, homestay của người dân đã hình thành để phục vụ du lịch nông thôn, thu hút du khách trong và ngoài nước. Tại một số vùng chuyên canh rau, hoa công nghệ cao như phường Xuân Trường - Đà Lạt, đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước.

Cùng với du lịch vùng rừng, núi cao nguyên, Lâm Đồng còn có lợi thế du lịch biển trong xây dựng NTM tại các xã như Tân Thành, Hòa Thắng và các phường La Gi, Phước Hội, Mũi Né, đặc khu Phú Quý…
Tỉnh đã xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng “du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững”. Lâm Đồng áp dụng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các mô hình du lịch nông thôn theo hướng thân thiện với môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tỉnh hỗ trợ xây dựng một số mô hình chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch.
Theo bà Bùi Thị Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông, phường Đông Gia Nghĩa, nhiều năm nay, công ty đã xây dựng trang trại theo hướng kinh tế tuần hoàn để kết hợp phát triển thành địa điểm du lịch nông nghiệp. Các sản phẩm của công ty như dưa lưới, dâu tây, rau ăn lá... đều canh tác theo quy trình nông nghiệp tốt, đạt GlobalGAP... Công ty hàng năm đón nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho rằng, Lâm Đồng phát triển du lịch trong NTM gắn với các chuỗi giá trị nông nghiệp, nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm là gia tăng các giá trị bền vững cho du lịch và nông nghiệp. Việc thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp xanh, bền vững, gắn với sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn là một trong những hướng đi mà ngành Nông nghiệp tỉnh, các địa phương đang tập trung.
Về một số định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Nhà nông, doanh nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng dân cư cần nâng cao giá trị sản phẩm du lịch bằng cách xây dựng chuỗi từ sản xuất, canh tác, chế biến sâu, tạo dựng thương hiệu gắn với chất lượng. Các doanh nghiệp cần đa dạng hoá, tối ưu sản phẩm và khai thác giá trị phi vật thể như du lịch nông thôn nông nghiệp gắn chặt với câu chuyện các sản phẩm OCOP, văn hóa vật chất, tinh thần các dân tộc bản địa...
Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2025 - 2030 được Lâm Đồng kỳ vọng thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí NTM, đưa xây dựng NTM đi vào chiều sâu và thực chất hơn.
Đến tháng 7/ 2025, toàn tỉnh có 80 xã nông thôn mới (đạt 77,7%); 9 xã nông thôn mới nâng cao (đạt 8,7%); 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 2,9%).
Nguồn: https://baolamdong.vn/du-lich-nong-thon-luc-day-cho-nong-thon-moi-381881.html
Bình luận (0)