Ngày 9/7/2025, Hội nghị Đầu tư Techcombank 2025 (Techcombank Investment Summit 2025) với chủ đề "Việt Nam mới: Tầm nhìn kiến tạo giá trị" đã diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, cùng các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, quỹ đầu tư, chuyên gia toàn cầu.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ Việt Nam đang triển khai các biện pháp quyết liệt để đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực cải cách thể chế nhằm thúc đẩy các động lực phát triển. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết về hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng thể chế…
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, các nghị quyết này tạo thành nền tảng quan trọng và là kim chỉ nam cho bứt phá, thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, với khả năng ứng phó linh hoạt, hiệu quả, nửa đầu năm 2025, Việt Nam đã đạt tăng trưởng 7,52%; phấn đấu cả năm tăng trưởng 8%; tạo cơ sở để hướng đến mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới.
Song song với đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, xây đường cao tốc, sân bay, bến cảng; chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao… để tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, học máy và dữ liệu
Tại hội nghị, ông Danny Le, Tổng Giám Đốc Masan Group cho biết, từ góc nhìn của các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực, không chỉ bởi nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định mà còn nhờ lực lượng nhân sự công nghệ trẻ, tài năng và sẵn sàng thích nghi với tốc độ phát triển toàn cầu.
Ông Danny Le, Tổng Giám Đốc Masan Group phát biểu tại Hội nghị
"Việt Nam có nhân lực, có khát vọng và đang trên đà tăng trưởng mạnh. Đây là thời điểm tốt để thu hút dòng vốn mới", Tổng Giám đốc Masan Group nói.
Nói về tiềm năng của bán lẻ hiện đại, ông Danny Le cho biết hiện nay kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam chỉ mới chiếm tỷ lệ 12%. Trong khi đó, tỉ lệ này ở các thị trường lân cận như Thái Lan hay Indonesia là từ 30 - 50%.
Để tăng tốc hiện đại hóa bán lẻ, việc xây dựng chuỗi cung ứng tích hợp đầu cuối (end-to-end supply chain) và phát triển nền tảng dữ liệu là các yếu tố then chốt.
"Đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, học máy và các nền tảng dữ liệu sẽ mở ra cơ hội rất lớn để nâng cao trải nghiệm khách hàng, tối ưu chi phí và nâng cao hiệu quả vận hành. Đây là những yếu tố cốt lõi giúp tăng năng suất và giảm giá thành sản phẩm - điều mà người tiêu dùng hiện đại rất quan tâm", ông Danny Le cho biết.
Trước đó, tại Đại hội cổ đông diễn ra vào tháng 4/2025, Masan cho biết đang triển khai công nghệ Digital Twin (bản sao số) để mô phỏng và tối ưu hóa toàn bộ chuỗi giá trị - từ thương hiệu, bán lẻ cho đến người tiêu dùng. Công nghệ Digital Twin được kỳ vọng sẽ khai thác tối đa các lợi thế cộng hưởng, tiết giảm chi phí và hiện thực hóa chiến lược tích hợp từ offline đến online của Masan. Trên nền tảng Digital Twin, WinCommerce (công ty con của Masan và là đơn vị vận hành chuỗi bán lẻ WinMart, WinMart+) sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng mới, mở rộng mô hình minimart hiệu quả hơn, thông minh hơn và đặc biệt là sinh lời tốt hơn.
Khách hàng mua sắm tại hệ thống siêu thị WinMart
Chuỗi giá trị tiêu dùng - bán lẻ khép kín
Sở hữu chuỗi giá trị tiêu dùng - bán lẻ khép kín từ sản xuất đến phân phối, Masan đang từng bước hiện thực hóa chiến lược trở thành nền tảng tiêu dùng - bán lẻ tích hợp công nghệ phục vụ cho 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Từ khâu lập kế hoạch, sản xuất, logistics đến phân phối đa kênh, toàn bộ hành trình sản phẩm đều được doanh nghiệp này kiểm soát chặt chẽ, yếu tố cốt lõi tạo nên tăng trưởng bền vững và biên lợi nhuận vượt trội.
Masan sở hữu nền tảng sản xuất hàng tiêu dùng thông qua các công ty thành viên như Masan Consumer, Masan MEATLife, WinEco và tích hợp sản phẩm, dịch vụ tài chính với Techcombank. Khâu vận hành và hậu cần do công ty logicstic nội bộ SUPRA đảm nhiệm, giúp tối ưu tồn kho, tự động bổ sung hàng hóa và tăng tốc độ phủ sóng thị trường. Ở mảng bán lẻ, Tập đoàn này tiếp cận trực tiếp đến người tiêu dùng thông qua mạng lưới bán lẻ hiện đại gồm hơn 4.000 cửa hàng, siêu thị WinMart/WinMart+/WiN.
Chuỗi cung ứng tiêu dùng - bán lẻ hoàn chỉnh của Masan
Với lợi thế sở hữu chuỗi tiêu dùng - bán lẻ khép kín, Masan đặt mục tiêu cải thiện hiệu suất trong quản lý chuỗi cung ứng và giảm chi phí sản xuất từ 15-20%, thông qua việc số hóa quy trình và tối ưu hóa hoạt động vận hành. Không chỉ ứng dụng số hóa vào chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+ với hơn 4.000 điểm bán của mình, Masan còn có kế hoạch hợp tác với các cửa hàng bán lẻ truyền thống nhằm tăng tốc đưa trải nghiệm tiêu dùng bán lẻ hiện đại đến từng khu nhà, từng góc phố trên khắp Việt Nam.
Tất cả những điều này không chỉ là cơ hội chuyển đổi cho Masan, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành bán lẻ và rộng hơn là nền kinh tế Việt Nam.
Vĩnh Hoàng
Nguồn: https://baochinhphu.vn/tang-toc-hien-dai-hoa-ban-le-masan-dau-tu-manh-vao-cong-nghe-va-chuoi-cung-ung-tich-hop-102250710173037365.htm
Bình luận (0)