Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lâm Đồng và mục tiêu phát triển sản phẩm hồ tiêu toàn cầu

Lâm Đồng đang chuyển biến mạnh mẽ từ sản xuất hồ tiêu đại trà sang phát triển sản phẩm bền vững, chất lượng cao để hội nhập sâu thị trường quốc tế.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng09/07/2025

t14a2-img_0220-1-.jpg
Vườn hồ tiêu hữu cơ của thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên, xã Thuận Hạnh.

Khẳng định chất lượng

Cây hồ tiêu hiện được trồng tại hơn 70 quốc gia, với tổng diện tích khoảng 670.000 ha, sản lượng 558.000 tấn mỗi năm. Trong số đó, Việt Nam là cường quốc hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu.

Đến hết năm 2024, Việt Nam có khoảng 110.500 ha hồ tiêu, tập trung chủ yếu tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, sản lượng khoảng 200.000 tấn, chiếm 35% sản lượng và gần 55% kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu.

Điều đáng chú ý, mặc dù diện tích hồ tiêu không lớn so với các cây trồng khác như cà phê, cao su, điều… nhưng giá trị kinh tế lại vượt trội. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đạt 1,32 tỷ USD - một con số ấn tượng được ví “vàng đen” phản ánh vai trò đặc biệt của loại cây này trong xuất khẩu nông nghiệp.

Trước những áp lực từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh và chi phí sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã xây dựng đề án Phát triển cây hồ tiêu bền vững đến năm 2030. Theo đó, diện tích sẽ được điều chỉnh về mức 80.000 - 100.000 ha, nhưng tập trung nâng cao năng suất đạt khoảng 25 tạ/ha, chất lượng và khả năng truy xuất nguồn gốc. Mục tiêu của đề án là đến năm 2030, có ít nhất 40% diện tích hồ tiêu đạt tiêu chuẩn GAP hoặc tương đương và khoảng 50% diện tích được cấp mã số vùng trồng.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, chi phí đầu vào gia tăng và các rào cản kỹ thuật từ thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe, ngành hồ tiêu Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ lớn. Đó là, chuyển từ sản xuất đại trà sang phát triển bền vững, chất lượng cao.

Trong tiến trình đó, tỉnh Lâm Đồng đang chứng minh là điểm sáng với chiến lược phát triển hồ tiêu sạch, gắn với tiêu chuẩn quốc tế và bảo vệ môi trường sinh thái. Lâm Đồng đang ưu tiên áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.

Thủ phủ hồ tiêu sạch

Hiện nay, Lâm Đồng có khoảng 36.000 ha hồ tiêu, đứng đầu về diện tích cây trồng này trong cả nước. Lâm Đồng cũng là vùng có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, đặc biệt là các vùng đất đỏ bazan, thích hợp để phát triển hồ tiêu chất lượng cao.

Tỉnh đã có khoảng 30 cơ sở sản xuất hồ tiêu theo các tiêu chuẩn chứng nhận, với diện tích trên 3.100 ha. Tỉnh công nhận 2 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận Hạnh với tổng diện tích trên 1.549 ha.

Tại 2 vùng hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao này, người dân sản xuất, liên kết và được bao tiêu sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ, Rainforest, được chứng nhận nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Ðắk Song, Chỉ dẫn địa lý hồ tiêu Ðắk Nông.

Trước những lợi thế trên, từ đầu năm 2025, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) đã phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu tổ chức các lớp chuỗi tập huấn sản xuất hồ tiêu sạch cho người dân, tổ nhóm, hợp tác xã và doanh nghiệp thu mua tại Lâm Đồng. Mục tiêu xuyên suốt là đảm bảo sản phẩm hồ tiêu đạt chất lượng cao, đủ điều kiện thâm nhập vào các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản và giữ vững thương hiệu hồ tiêu Việt Nam trên trường quốc tế.

t14a3-img_6048-1-.jpg
Ông Hà Công Xã - Giám đốc Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông chia sẻ kinh nghiệm sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ của đơn vị.

Ông Hà Công Xã - Giám đốc Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông, xã Trường Xuân, cho biết, đầu tháng 6 vừa qua VPSA tập huấn cho 100 nông dân trong vùng.

Nội dung tập huấn tập trung vào canh tác bền vững theo tiêu chuẩn GAP và hữu cơ; kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRLs), tránh nhiễm chất sudan đỏ; kỹ thuật thu hái, phơi và bảo quản hồ tiêu để hạn chế tối đa tạp chất và vi sinh vật gây hại; nhận diện nguy cơ từ các vật dụng truyền thống như bao bì, bạt màu có thể gây phơi nhiễm độc chất...

t14a4img_6070-1-.jpg
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPSA chia sẻ kiến thức sản xuất hồ tiêu sạch cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tại Lâm Đồng.

Theo bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPSA, một trong những rủi ro lớn nhất hiện nay là đến từ quá trình canh tác hồ tiêu và khâu sau thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ. Bà Liên khuyến cáo, người trồng hồ tiêu cần chủ động trong việc bảo quản sản phẩm, nếu không cần bán ngay thì nông dân nên giữ tiêu ở nơi sạch sẽ, thoáng mát, tránh nhiễm khuẩn.

Nông dân không ký gửi đại lý nếu không rõ ràng hợp đồng để tránh rủi ro về giá và chất lượng sản phẩm. Người dân cần tận dụng cơ hội thị trường hiện tại, khi giá tiêu đang ở mức cao, để tối đa hóa lợi nhuận và bù đắp cho các giai đoạn giá thấp trước đây, trong đó có 2018 - 2020.

Ông Nguyễn Đình Quyết, đối tác của Hợp tác xã Bechamp Đắk Nông cho biết: “Thực tế nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy cỏ dại là “vàng” duy trì sự đa dạng sinh học. Nếu bà con dùng thuốc diệt cỏ sẽ mất lượng phân hữu cơ đó. Với đặc tính đất bô xít như vùng đất Lâm Đồng thì việc để cỏ dại rồi phát sẽ giúp cây hồ tiêu phòng trừ sâu bệnh và làm phân bón rất tốt”.

Ông Quyết chia sẻ, việc sử dụng phân bón sinh học, cây che bóng và bảo vệ lớp phủ thực vật tự nhiên sẽ giúp cây tiêu phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh và cho sản phẩm chất lượng cao hơn hẳn so với canh tác hóa học truyền thống.

Các cơ quan chuyên môn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật với hơn 25 loại thuốc trừ sâu, 29 hoạt chất trừ bệnh và các chế phẩm sinh học được khuyến cáo.

Đặc biệt, việc kiểm tra các mẫu tiêu xuất khẩu trước khi đưa ra thị trường là bước quan trọng để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

Trong bối cảnh sản lượng hồ tiêu toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm vào năm 2025, Việt Nam có cơ hội củng cố vị thế trên bản đồ xuất khẩu nếu biết tận dụng lợi thế về chất lượng, uy tín và sản phẩm sạch. Các doanh nghiệp lớn đang hướng đến đầu tư vào nhà máy chế biến, xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ tại địa phương đang tạo động lực mạnh mẽ cho chuỗi giá trị hồ tiêu sạch.

Lâm Đồng đang đi đúng hướng trong phát triển hồ tiêu sạch không chỉ để duy trì sản lượng mà quan trọng hơn là tạo dựng giá trị bền vững, thân thiện môi trường và phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Nguồn: https://baolamdong.vn/lam-dong-va-muc-tieu-phat-trien-san-pham-ho-tieu-toan-cau-381762.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm