Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tận dụng lợi thế, khai thác tiềm năng du lịch bền vững

Tỉnh Lâm Đồng hội tụ ba vùng sinh thái, gồm cao nguyên, trung du và duyên hải tạo nên không gian phát triển rộng lớn. Cung bậc rừng và biển, phong cảnh thiên nhiên tươi...

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng10/07/2025

Tỉnh Lâm Đồng hội tụ ba vùng sinh thái, gồm cao nguyên, trung du và duyên hải tạo nên không gian phát triển rộng lớn. Cung bậc rừng và biển, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, cùng sắc mầu văn hóa của các dân tộc… đã kiến tạo nên tài nguyên du lịch đa dạng, độc đáo.

Du lịch được xác định là một trong những “trụ cột” phát triển kinh tế-xã hội của Lâm Đồng trên hành trình mới.

Hành trình kết nối hấp dẫn

Khi hạ tầng giao thông được nâng cấp, mở rộng sẽ giảm thời gian di chuyển của du khách trên hành trình biển xanh Phan Thiết đến xứ hoa Đà Lạt, qua hồ Tà Đùng, công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông khám phá thiên nhiên hoang sơ. “Với không gian phát triển mới của tỉnh Lâm Đồng, khó nơi nào ở Việt Nam hội tụ đủ hệ sinh thái, tiềm năng phát triển du lịch như nơi này: Cao nguyên, núi rừng, đồng bằng, biển đảo; hang động, thác ghềnh, đặc sản nông nghiệp, văn hóa các dân tộc và di sản văn hóa…”, ông Dương Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng chia sẻ.

Ở phía đông nam tỉnh Lâm Đồng là vùng biển, với đường bờ biển dài hơn 190 km, hình thành nên những bãi biển đẹp, hệ sinh thái đảo phong phú, cùng nền văn hóa Chăm với lễ hội Katê nổi tiếng. Những địa danh du lịch nơi đây đã trở thành những điểm đến yêu thích của du khách, như Mũi Né, Kê Gà, Bàu Trắng, Tà Cú và đảo ngọc Phú Quý, Cù Lao Câu… Đó là những tài nguyên du lịch nhiều lợi thế để tạo nên loại hình du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, thể thao biển.

Ở phía tây tỉnh Lâm Đồng là vùng đất gắn với cao nguyên Mnông, nơi có công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, cùng các thác nước hùng vĩ Đray Sáp, Đắk G’Lun, Liêng Nung, Lưu Ly; hồ Ea Sno, khu sinh thái Nâm Nung, Tà Đùng cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể… có thể khai thác để phát triển du lịch khám phá, sinh thái, du lịch địa chất và du lịch cộng đồng.

Ở vùng cao nguyên, Đà Lạt được ví là xứ ngàn hoa, xứ ngàn thông, xứ sở mộng mơ và là miền đất thăng hoa, nơi để du khách đi tìm những giấc mơ đẹp. Tiến sĩ Phạm S, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, du khách đến Đà Lạt sẽ được trải nghiệm, khám phá khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, di sản Mộc bản triều Nguyễn, văn hóa cồng chiêng, khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang; thư thái bên hồ Xuân Hương, Tuyền Lâm thơ mộng; khám phá hệ sinh thái rừng; du ngoạn thác Datanla, Prenn và thưởng thức âm nhạc tại nhiều không gian ở phố núi.

Năm 2024, Đà Lạt đón hơn 10 triệu lượt du khách tham quan, nghỉ dưỡng; đây là dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng mới. Theo Tiến sĩ Phạm S, từ tiềm năng, thế mạnh về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, nguồn nhân lực du lịch, vùng đất cao nguyên này đã và đang hình thành các sản phẩm du lịch nổi trội là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch canh nông, khám phá văn hóa...

Hành trình kết nối rừng-biển, cao nguyên-đồng bằng đang mở ra không gian phát triển du lịch mới ở tỉnh có diện tích tự nhiên rộng nhất Việt Nam. Đến Lâm Đồng hôm nay, du khách được hòa trong “bản giao hưởng” sinh thái ba tầng của cao nguyên-trung du-duyên hải; là tài nguyên để có thể phát triển đầy đủ các loại địa hình du lịch phù hợp xu hướng, chất lượng cao và bền vững, như du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái; du lịch trải nghiệm, di sản văn hóa-lịch sử, lễ hội-sự kiện; du lịch thể thao, mạo hiểm; du lịch canh nông và du lịch cộng đồng...

Tầm nhìn phát triển mới

Tại diễn đàn kết nối “Văn hóa du lịch-thương mại” tỉnh Lâm Đồng năm 2025, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết: “Trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh Lâm Đồng xác định ba trụ cột chính là văn hóa, du lịch và thương mại, sẽ không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn, mà còn là không gian sáng tạo để hội tụ trí tuệ, bản sắc, công nghệ và nguồn lực xã hội, tạo nên sự bứt phá của tỉnh”.

Trước hết, để thúc đẩy du lịch nói riêng và kinh tế-xã hội địa phương phát triển, cần nâng cấp đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông nội tỉnh, giao thông kết nối liên vùng. Trong đó, cần đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc, nâng cấp đường hàng không, đường biển và khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt để tạo sự kết nối đa dạng với các vùng đất, điểm đến.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính chia sẻ, việc sáp nhập tỉnh không đơn thuần là tổ chức lại địa giới hành chính, mà là một bước đi chiến lược nhằm tối ưu hóa nguồn lực và khai thác tiềm năng kinh tế của các vùng, trong đó giao thông kết nối là điều kiện rất quan trọng để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực. Nhiều chuyên gia cho rằng, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những trụ cột phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tỉnh Lâm Đồng cần vượt qua thách thức trong công tác quản lý; xây dựng quy hoạch phát triển du lịch có tầm chiến lược, phát huy được tiềm năng, thế mạnh từng vùng trong bức tranh tổng thể.

Địa phương cần đẩy mạnh du lịch thông minh, dịch chuyển từ du lịch phong cảnh sang du lịch trải nghiệm văn hóa-số hóa; xây dựng hệ sinh thái du lịch bền vững, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư… Tất cả cần được triển khai đồng bộ và kết nối mạch lạc để hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững, có chiều sâu, từng bước định vị du lịch Lâm Đồng trên bản đồ du lịch khu vực và quốc tế.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng-Đà Lạt Cao Thế Anh cho rằng, để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, tỉnh Lâm Đồng mới cần xác lập “tầm nhìn phát triển mới”, với vị thế là cực tăng trưởng du lịch mới của vùng Nam Trung Bộ mang tầm quốc gia. Điều này bao gồm việc chú trọng phát triển các nhóm sản phẩm du lịch phù hợp xu hướng mới của thị trường, như du lịch chăm sóc sức khỏe, chữa lành, du lịch trải nghiệm và du lịch xanh. Đồng thời, địa phương cần định vị lại chuỗi giá trị du lịch di sản, sinh thái; du lịch canh nông, cộng đồng; du lịch sự kiện và đẩy mạnh phát triển du lịch Net Zero gắn với chuyển đổi xanh…

Nguồn: https://baolamdong.vn/tan-dung-loi-the-khai-thac-tiem-nang-du-lich-ben-vung-381856.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm