Lớp học chuyển đổi số đặc biệt giữa khu dân cư Hà Nội
Không phải trong hội trường lớn, cũng chẳng phải tại trung tâm công nghệ – lớp học chuyển đổi số dành cho người cao tuổi do Chi bộ khu dân cư số 9, phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) tổ chức lại diễn ra trong không gian thân thuộc, gần gũi. Giảng viên là thạc sĩ Đinh Ngọc Sơn – Bí thư Chi bộ, nguyên Phó Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), và học viên là những giáo sư, tiến sĩ, cựu cán bộ quản lý đại học lớn tuổi.
Thạc sĩ Đinh Ngọc Sơn, Bí thư chi bộ khu dân cư số 9, phường Dịch Vọng Hậu hướng dẫn các học viên tải và sử dụng các ứng dụng như cách tìm xe buýt trên ứng dụng Busmap, đăng ký tài khoản định danh trên VNeID, hoặc tương tác trực tuyến giữa chính quyền Hà Nội và người dân trên ứng dụng ihanoi. Ảnh: VOV
"Trước tôi quen gõ bàn phím máy tính to. Giờ điện thoại nhỏ xíu, tay run nên sợ lỡ tay. Không phải không muốn học, mà không biết bắt đầu từ đâu" – ông Phạm Ngọc Lân, 72 tuổi chia sẻ. Lớp học giúp các học viên bước từng bước nhỏ: từ lập email, tải ứng dụng VNeID, tìm xe buýt bằng Busmap, cho đến việc tạo tài khoản mạng xã hội, nhận biết lừa đảo công nghệ và… làm quen với AI.
"Trí tuệ nhân tạo không xa vời, ChatGPT hay Gemini có thể giúp các bác viết đơn, tra cứu thông tin hay tìm hiểu chính sách", thầy Sơn nhấn mạnh trong phần dạy về AI, phần được nhiều học viên đón nhận hơn cả.
Lan tỏa từ một lớp học nhỏ đến một xã hội số nhân văn
Sau 3 buổi học thí điểm, các cụ đều mong muốn được học thêm. Tổ trưởng dân phố Đỗ Mai Hương cho biết: Chi bộ sẽ tổng kết, lấy ý kiến để nhân rộng mô hình. Hiểu được công nghệ là cách để người già sống tự tin hơn, tránh bị lừa đảo, không lạc lõng trước sự thay đổi quá nhanh của xã hội.
Khi thanh niên là "cầu nối số" cho người cao tuổi
Tại phường Láng (Đống Đa), Cầu Giấy hay xã đảo Minh Châu, hàng trăm đoàn viên thanh niên áo xanh đã hóa thân thành những "trợ lý công nghệ" cho người cao tuổi. Họ giúp kê khai hồ sơ trực tuyến, lấy số thứ tự, điền mẫu biểu, thậm chí mang laptop tới tận nhà dân để hỗ trợ đăng ký dịch vụ công trực tuyến.
Tại xã đảo Minh Châu, mô hình "hai phục vụ" được triển khai linh hoạt: ban ngày hỗ trợ tại UBND, buổi tối đến từng nhà dân. Các đoàn viên thậm chí mang theo điện thoại dự phòng, hướng dẫn kê khai cho người lớn tuổi sau giờ làm việc.
Chuyển đổi số không bỏ lại người già phía sau
Đây không chỉ là những sáng kiến cộng đồng đơn lẻ – mà là minh chứng cho tinh thần của Quyết định 379/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm". Từ việc làm chủ thiết bị thông minh, tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, đến việc hiểu và ứng dụng công nghệ mới – người cao tuổi không chỉ là đối tượng cần được "trợ giúp", mà là lực lượng có thể thích nghi, học hỏi và truyền cảm hứng trở lại cho cộng đồng./.
Nguồn: https://mst.gov.vn/khi-nguoi-cao-tuoi-hoc-chatgpt-va-lam-quen-voi-dich-vu-cong-truc-tuyen-nhung-lop-hoc-dac-biet-giua-long-ha-noi-197250710143956871.htm
Bình luận (0)