
Ngày 9/7, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội Đức Trọng đã tổ chức hoạt động giao dịch phiên đầu tiên sau khi sáp nhập xã xã Tà Năng, xã Đa Quyn thành xã Tà Năng. Đây cũng là một trong những xã vùng sâu, có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lâm Đồng.
Ông Nguyễn Vũ Linh Sang - Chủ tịch UBND xã Tà Năng, đã tham gia dự họp giao ban và chỉ đạo trong công tác giao dịch và hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Vũ Linh Sang, tổng dư nợ các chương trình cho vay của xã là hơn 124 tỷ đồng với 36 tổ tiết kiệm và vay vốn, trên 4.235 hộ vay. Để giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, xã tạo điều kiện, bố trí địa điểm cho Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội Đức Trọng đặt lịch giao dịch cố định tại trụ sở các xã Tà Năng, Nhà Văn hoá xã Đa Quyn (cũ).

Tại điểm giao dịch, xã bố trí không gian để làm việc và niêm yết các biển hiệu công khai tuyên truyền về tín dụng chính sách. Bên cạnh đó, UBND xã cũng phối hợp chặt chẽ với Công an xã thực hiện phương án bảo vệ tại điểm giao dịch nhằm đảm bảo an toàn về con người, tài sản trong thời gian giao dịch.
Theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội Đức Trọng, nhằm đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân không bị gián đoạn sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính, Phòng Giao dịch đã nhanh chóng triển khai các biện pháp đồng bộ, linh hoạt, giữ vững các điểm giao dịch cũ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân.
Dù Phòng Giao dịch Đức Trọng đã sắp xếp từ 15 xã, thị trấn xuống còn 6 xã, nhưng vẫn duy trì đầy đủ 14/14 điểm giao dịch. Điều này thể hiện sự quyết tâm cao của Ngân hàng Chính sách Xã hội trong việc không để bất kỳ sự thay đổi hành chính nào ảnh hưởng đến quyền lợi và khả năng tiếp cận vốn vay của người dân.
Để nguồn vốn tín dụng chính sách không bị gián đoạn, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội Đức Trọng đã chủ động xây dựng kế hoạch vận hành phù hợp với tình hình từng địa phương, đảm bảo các hoạt động giải ngân, thu nợ, thu lãi diễn ra thông suốt.
Đặc biệt, để người dân nắm bắt kịp thời các thông tin giao dịch, Phòng Giao dịch đã báo cáo và tham mưu với UBND các xã, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác thông báo về địa điểm, lịch giao dịch cố định, thời gian giao dịch và danh sách các thôn thuộc điểm giao dịch.
Điều này giúp ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn, và khách hàng chủ động sắp xếp thời gian đến giao dịch. Ngoài ra, Phòng Giao dịch cũng phối hợp chặt chẽ với UBND các xã mới, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc xác nhận hồ sơ vay vốn và các thủ tục ủy quyền, đảm bảo không phát sinh vướng mắc về thủ tục hành chính.
Ông Lê Đình Nam- Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội Đức Trọng, nhấn mạnh: "Việc duy trì mạng lưới giao dịch như trước khi sáp nhập đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn các xã không phải đi xa, tạo sự ổn định và yên tâm trong tiếp cận vốn vay".
Tổng dư nợ các chương trình cho vay của Phòng Giao dịch Đức Trọng tính đến ngày 30/6/2025 đạt trên 605 tỷ đồng, với hơn 11.262 hộ vay và 247 tổ tiết kiệm và vay vốn. Với tinh thần "hồ sơ tại nhà, giải ngân tại xã", cán bộ tín dụng được chỉ đạo làm việc sát sao với các tổ tiết kiệm và vay vốn để triển khai các nhiệm vụ tín dụng chính sách xã hội đến với Nhân dân, không để gián đoạn làm ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn vốn tín dụng cũng như nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tập thể cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội Đức Trọng đang tập trung cao độ, không ngại khó khăn, bám sát địa bàn, tổ chức họp tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền sâu rộng với tinh thần "Thấu hiểu lòng dân - Tận tâm phục vụ". Tín dụng chính sách xã hội luôn là điểm tựa vững chắc cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng, và xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Nguồn: https://baolamdong.vn/giu-vung-diem-tua-tu-nguon-von-tin-dung-chinh-sach-381888.html
Bình luận (0)