Ma túy là hiểm họa cần phòng ngừa và đẩy lùi bằng mọi giá, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt ngay từ cơ sở. Các cấp ủy, chính quyền đã lồng ghép nội dung PCMT vào nghị quyết, kế hoạch hành động; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, các hội, hiệp hội và toàn dân. Tuy nhiên, chính cộng đồng dân cư, nơi diễn ra đời sống hằng ngày, là mắt xích đầu tiên và quan trọng nhất, mới thực sự góp phần mạnh mẽ trong đẩy lùi tệ nạn ma túy.
Phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống ma túy”, với phương châm “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” đã và đang lan tỏa mạnh mẽ tại khắp các địa phương trong tỉnh. Bà Phan Thị Hải Hường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hà Tu, chia sẻ: Ngay sau khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cùng với nhiệm vụ quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, phường đã làm việc với các khu phố, yêu cầu phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an khu vực triển khai hiệu quả phong trào; đồng thời bám sát địa bàn dân cư, nắm chắc tình hình ANTT tại cơ sở, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện… giúp phát hiện các tệ nạn sớm ngay từ cơ sở.
Tại các khu dân cư, hàng trăm mô hình tổ tự quản, tổ dân phố “không có ma túy” được thành lập và duy trì đều đặn. Người dân chủ động phát hiện, phản ánh các biểu hiện bất thường, kịp thời phối hợp với công an và chính quyền xử lý các nguy cơ ngay từ khi mới manh nha. Ở nhiều nơi, các dòng họ, tổ chức tôn giáo, hội đồng gia tộc tự nguyện tham gia tuyên truyền, giáo dục người thân, con cháu sống lành mạnh, tránh xa ma túy.
Cuối tháng 5/2025 tại phường Mông Dương đã thành lập mô hình “Khéo tuyên truyền, vận động dòng họ Lê phòng chống tội phạm ma túy”; chỉ trong thời gian ngắn đã chứng minh hiệu quả rõ nét. Bằng cách phát huy vai trò của người có uy tín trong dòng họ, mô hình đã xây dựng được môi trường sống văn hóa, đoàn kết, từng bước đẩy lùi các nguy cơ tệ nạn.
Phường Liên Hòa với mô hình “Tổ tuyên truyền, giáo dục pháp luật” đang trở thành lực lượng nòng cốt giúp người dân hiểu đúng, làm đúng, từ đó tự bảo vệ mình và người thân trước cám dỗ và nguy cơ từ ma túy.
Không đứng ngoài cuộc, nhiều doanh nghiệp tại các KCN đã ký cam kết xây dựng “Doanh nghiệp không ma túy”. Bên cạnh tuyên truyền nội bộ, các đơn vị tổ chức khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm ma túy, lồng ghép tuyên truyền pháp luật vào sinh hoạt định kỳ của người lao động.
Xác định giới trẻ luôn là nhóm đối tượng dễ bị tác động bởi ma túy, nhất là những loại ma túy mới được “ngụy trang” dưới hình thức đồ ăn, nước uống, thuốc lá điện tử..., ngành GD&ĐT tỉnh đã chỉ đạo các trường học tích hợp nội dung PCMT vào chương trình giảng dạy và hoạt động ngoại khóa.
Cô giáo Đinh Thị Thanh (Trường TH&THCS Bằng Cả, xã Quảng La) chia sẻ: Trẻ em vùng cao ít tiếp xúc với tệ nạn, nhưng lại rất tò mò, dễ bị dụ dỗ bởi những món ăn vặt bắt mắt hoặc thuốc lá điện tử. Vì vậy nhà trường thường xuyên phối hợp với công an tổ chức tuyên truyền, giáo dục để các em nhận thức được tác hại và học cách tự bảo vệ bản thân.
Tổ chức Đoàn Thanh niên và các đoàn thể tích cực sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, YouTube... để phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng vệ trước tệ nạn ma túy. Những fanpage như “Tuổi trẻ Quảng Ninh”, “Phòng chống ma túy Quảng Ninh”... đã trở thành kênh thông tin hữu ích, giúp cảnh báo, định hướng hành vi đúng đắn cho hàng chục nghìn lượt người theo dõi.
Thực tiễn công tác PCMT trên địa bàn tỉnh cho thấy, mỗi người dân không chỉ là người thụ hưởng thành quả của xã hội an toàn, lành mạnh, mà còn là nhân tố trực tiếp tham gia xây dựng, bảo vệ nó. Khi lá chắn cộng đồng được củng cố vững chắc thì hiểm họa ma túy sẽ được đẩy lùi, giữ bình yên cho từng gia đình và tương lai của thế hệ trẻ.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/tao-la-chan-tu-cong-dong-3365870.html
Bình luận (0)