Công ty CP Than Vàng Danh là một trong những điển hình tiêu biểu cho việc triển khai hiệu quả phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo trong khối sản xuất thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Tại đây, các phong trào thi đua không chỉ được tổ chức bài bản, đồng bộ mà còn được gắn liền chặt chẽ với các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. Năm 2024, Công ty đã ghi nhận hàng chục sáng kiến kỹ thuật được công nhận và áp dụng thực tế, mang lại giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, 100% phân xưởng hoàn thành kế hoạch sản xuất, nhiều đơn vị vượt sản lượng từ 5-10%.
Trong số những tấm gương điển hình, thợ lò Phạm Đình Duẩn, công nhân Phân xưởng Khai thác 9 - là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó với nghề và khát vọng đổi mới sáng tạo. Với hơn 20 năm gắn bó trong ngành khai thác than, anh Duẩn đã dẫn dắt tổ sản xuất liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 10-15% trong suốt 12 năm (2013-2025). Năng suất lao động của tổ do anh phụ trách luôn ở tốp đầu Công ty.
Không chỉ là người thợ giỏi về tay nghề, anh Duẩn còn là "cầu nối" hiệu quả giữa bộ phận kỹ thuật với thực tiễn sản xuất. Anh thường xuyên đưa ra các đề xuất nhằm hiện đại hóa quy trình khai thác, tăng tính an toàn, nâng cao hiệu quả lao động. Nhờ áp dụng các sáng kiến kỹ thuật của anh, năng suất đào lò mỗi ca tăng từ 1,3-1,5 lần, góp phần nâng mức thu nhập cho công nhân từ 12-22 triệu đồng/người/tháng - tăng gần 200% so với năm 2013. Riêng bản thân anh đạt thu nhập 300 triệu đồng/năm, trở thành điển hình tiêu biểu cho thế hệ công nhân ngành Than thời kỳ mới.
Không chỉ trong ngành công nghiệp nặng, tại lĩnh vực vật liệu xây dựng, Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt cũng là điểm sáng trong phong trào thi đua lao động sáng tạo. Ban lãnh đạo và Công đoàn Công ty luôn đồng hành, khuyến khích người lao động phát huy sáng kiến kỹ thuật, cải tiến công nghệ và cải thiện quy trình làm việc. Gốm Đất Việt đặc biệt chú trọng việc tạo điều kiện cho những công nhân có ý tưởng đổi mới, đồng thời áp dụng hiệu quả các sáng kiến vào sản xuất. Điều này không chỉ giúp tiết giảm chi phí lao động mà còn góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, người lao động càng thêm gắn bó và cống hiến cho doanh nghiệp.
Tính đến nay, Tổ hợp Công ty đã giành được nhiều giải thưởng danh giá trong cuộc thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật Việt; Huy chương vàng của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới năm 2020 và Bằng Bảo trợ của UNESCO cho công trình sáng tạo trong tự động hóa sản xuất gốm truyền thống… Những thành tích ấy không thể thiếu sự đóng góp từ chính sự lao động miệt mài của những người thợ, người lao động nơi đây.
Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong thời gian qua đã có sức lan tỏa sâu rộng trên toàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, CNVCLĐ trong tỉnh đã có hơn 3.000 sáng kiến, giải pháp, đề tài được công nhận, với tổng giá trị làm lợi lên tới trên 45 tỷ đồng. Cùng với đó, có 140 công trình, sản phẩm thi đua được ghi nhận với tổng giá trị làm lợi hơn 8 tỷ đồng. Các cấp công đoàn đã tích cực phối hợp tổ chức biểu dương, khen thưởng những tập thể và cá nhân tiêu biểu: 96 tập thể lao động xuất sắc, 1.182 công nhân tiên tiến được vinh danh. Trong đó, LĐLĐ tỉnh đã tuyên dương 50 công nhân tiêu biểu cấp tỉnh.
Phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo không chỉ góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc mà còn khẳng định vai trò, giá trị của NLĐ trong sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/phat-huy-suc-manh-thi-dua-nang-tam-gia-tri-nguoi-lao-dong-3368618.html
Bình luận (0)