Để triển khai sâu rộng, hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong 7 tháng năm 2025, MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp với chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân tích cực hưởng ứng thông qua nhiều hình thức. Trong đó, MTTQ tỉnh đã đưa nội dung cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, vận động nhân dân hưởng ứng Thư kêu gọi của Ban Chỉ đạo cuộc vận động cấp tỉnh “Người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.
Hội Nông dân tỉnh tích cực triển khai các phong trào: “Không sử dụng chất cấm chăn nuôi”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; vận động 70.121 hộ nông dân sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cam kết đảm bảo ATTP; vận động mới 3.539 hội viên nông dân cài đặt và sử dụng app Nông dân Việt Nam, nâng tổng số hội viên nông dân cài đặt và sử dụng lên 41.498 người...
Hội Phụ nữ tỉnh thông qua thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” thường xuyên tổ chức các chương trình truyền thông, giới thiệu sản phẩm đến hội viên. Tỉnh Đoàn và LĐLĐ tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp triển khai “Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn”, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”, “Tuần hàng Việt Nam”, tổ chức trưng bày hàng hóa tại các lễ hội nhằm giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước.
Các thành viên Ban Chỉ đạo, ngành chức năng và địa phương đã phối hợp hỗ trợ xây dựng, phát triển các khu vực sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 322,35ha; xây dựng và phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, hình thành các vùng sản xuất lúa, rau, chè, vải, na, ổi... cấp 54 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 1.049ha (gồm 34 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và 20 mã số vùng trồng phục vụ nội tiêu); 7 mã số cơ sở đóng gói, đồng thời thu hồi 12 mã số vùng trồng.
Ngoài ra, các ngành chức năng đã hỗ trợ người dân xây dựng mô hình thí điểm chuỗi du lịch gắn với sản phẩm bản địa; phối hợp hướng dẫn các chủ cơ sở thiết kế sản phẩm, xây dựng câu chuyện thương hiệu, chuẩn hóa chất lượng để phục vụ khách du lịch; hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh xây dựng và phát triển thương hiệu; tổ chức đánh giá, xếp hạng sao cho các sản phẩm OCOP. Hiện nay, toàn tỉnh có 432 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (320 sản phẩm đạt 3 sao, 107 sản phẩm đạt 4 sao và 5 sản phẩm đạt 5 sao).
Không chỉ đa dạng về sản phẩm nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 135 chợ, 7 trung tâm thương mại, 26 siêu thị, 384 cửa hàng tiện lợi nằm rải rác trên địa bàn đã tạo thuận lợi cho việc cung ứng hàng hóa tới nhân dân. Một số chợ thuộc khu vực nông thôn, miền núi còn là nơi trao đổi hàng hóa, sản vật và giao lưu văn hóa giữa người dân địa phương với du khách góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đặc biệt, nhờ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý hơn 1.460 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 33 tỷ đồng. Qua đó, góp phần bảo đảm ATTP, phòng chống và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm các dịch bệnh vào địa bàn tỉnh, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững và văn minh.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/xay-dung-van-hoa-tieu-dung-hang-viet-nam-3368334.html
Bình luận (0)