Công nhân Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Việt Đức (xã Xuân Hòa, tỉnh Đồng Nai) thi đua sản xuất tại xưởng. Ảnh: Nguyễn Hòa |
Nhiều NLĐ ngành dệt may phấn khởi vì việc làm ổn định, được tăng ca, tăng thu nhập.
Công nhân tất bật sản xuất
Công ty CP Đồng Phú Cường (đóng tại xã Thống Nhất) hiện có gần 2,3 ngàn lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu sản xuất tăng 126% và doanh thu gia công đạt 117% so với cùng kỳ năm 2024, thu nhập bình quân của NLĐ đạt 8,2 triệu đồng/người/tháng. Hiện công ty có đơn hàng đến tháng 6-2026, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho NLĐ. Những tháng qua, công ty tổ chức các đợt khen thưởng đột xuất để động viên công nhân lao động làm việc hiệu quả, năng suất cao.
Chị Đào Ngọc Thùy Trang, công nhân Công ty CP Đồng Phú Cường, cho hay làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, chủ DN quan tâm đến các chế độ, chính sách giúp chị có thêm động lực gắn bó, nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Những tháng qua, công nhân rất phấn khởi vì đơn hàng dồi dào, tạo việc làm thường xuyên, đảm bảo đời sống NLĐ. Tôi mong DN sẽ duy trì nhịp sản xuất như hiện tại để ngày càng phát triển và thu nhập NLĐ cải thiện hơn” - chị Trang chia sẻ.
Ông Ngô Ngọc Thuận, Phó giám đốc Công ty CP Đồng Phú Cường, cho biết sau thời điểm dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế thế giới, DN từng bước sắp xếp, quy hoạch lại toàn bộ nhà máy và đến năm 2024, DN đã có những tín hiệu của sự hồi phục, tăng trưởng. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Đồng Phú Cường đã cơ bản hoàn thành xuất sắc kế hoạch và vượt tiến độ sản xuất các đơn hàng. DN chủ động phát triển nguồn hàng sản xuất tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho NLĐ với mức tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024. Mới đây, công ty đã chi thưởng nóng trực tiếp bằng tiền mặt cho NLĐ với số tiền 800 ngàn đồng/người, tổng số tiền thưởng khoảng 1,7 tỷ đồng.
Tại Công ty TNHH Hoàng Gia G.M.T. (đóng tại xã Bình Minh, chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu và nội địa), không khí làm việc tất bật tại các xưởng sản xuất. Trung bình mỗi tháng, hơn 100 lao động tại đây đã sản xuất khoảng 38 ngàn sản phẩm. Mặc dù gần đây số đơn hàng xuất đi Mỹ có giảm đôi chút do khách hàng lo ngại chính sách thuế quan biến động, song DN vẫn linh hoạt tìm các đơn hàng khác để đảm bảo đủ việc làm cho NLĐ. DN đang có đơn hàng đến hết tháng 10-2025 và dự kiến vào thời điểm gần Tết, lượng đơn hàng sẽ tăng lên.
Chị Lê Thị Tuyết Nhung, công nhân Công ty TNHH Hoàng Gia G.M.T., chia sẻ chị đã làm việc tại công ty 13 năm và hài lòng bởi môi trường làm việc ổn định, đoàn kết. Ngoài ra, lãnh đạo công ty luôn dành thời gian đến các xưởng tìm hiểu đời sống, việc làm và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Do đó, dù có thời điểm đơn hàng ít, không được tăng ca nhưng chị vẫn gắn bó, cùng DN vượt qua khó khăn. Hiện đơn hàng đều, việc làm ổn định là động lực để chị tập trung làm việc và sẵn sàng dạy nghề, chia sẻ kinh nghiệm cho lao động mới.
Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cán mốc trên 17,58 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2024. Với đà phục hồi này, ngành dệt may kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, mang lại niềm tin và thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động trên cả nước.
Nhiều phúc lợi để giữ chân người lao động
Ghi nhận tại các DN dệt may trên địa bàn tỉnh cho thấy, ngành dệt may đang có nhiều tín hiệu tích cực. Đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại, nhiều DN đã ký kết được hợp đồng dài hạn với đối tác lớn, tạo đà tăng trưởng ổn định. Nhiều nhà máy đã tăng sản lượng, mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động và phục hồi các chế độ phúc lợi cho công nhân. Không khí lao động tại các xưởng may trở nên tất bật và nhộn nhịp hơn.
Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai (đóng tại Khu công nghiệp Amata, chuyên sản xuất quần áo jean xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu), đang tuyển hàng trăm lao động phổ thông ngành may và lao động có tay nghề để phục vụ sản xuất. DN mở rộng các chế độ để thu hút lao động vào làm việc. Để giữ chân công nhân, ngoài các chính sách được ký kết tại bản thỏa ước lao động tập thể, hàng năm, công ty phối hợp với Công đoàn cơ sở tổ chức đại hội thể dục thể thao với nhiều hoạt động thể thao, giải trí, giúp công nhân tái tạo sức khỏe.
Công nhân Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai (đóng tại Khu công nghiệp Amata) làm việc tại xưởng sản xuất. Ảnh: N.Hòa |
Trong khi đó, Công ty TNHH Elite Long Thành (đóng tại xã Long Thành) liên tục đăng tuyển 1,5 ngàn lao động phổ thông để mở rộng sản xuất, thu nhập từ 7,2-15 triệu đồng/người/tháng. Các vị trí tuyển dụng như: vận hành máy may công nghiệp, may theo từng công đoạn được phân công với yêu cầu trong độ tuổi lao động... Đối với lao động chưa có tay nghề sẽ được đào tạo miễn phí có hưởng lương.
Đặc biệt, để thu hút nguồn lực, Công ty TNHH Elite Long Thành có các chính sách hỗ trợ khác như: hỗ trợ hội nhập lên đến 4 triệu đồng trong 6 tháng đầu; thưởng hiệu suất, chất lượng, thi đua, hoàn thành nhiệm vụ vượt trội và thưởng tháng lương thứ 13. Ngoài ra, hỗ trợ tiền trợ cấp con nhỏ 260 ngàn đồng/trẻ/tháng (áp dụng cho cả bố và mẹ đang làm việc tại công ty, không giới hạn số lượng con). DN này còn hỗ trợ xe về quê đón Tết cho nhân viên, hỗ trợ vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ tìm nhà trọ cho nhân viên mới...
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may hiện đã mở rộng thị trường xuất khẩu lên 132 quốc gia, vùng lãnh thổ. Bên cạnh thị trường xuất khẩu chủ lực, DN dệt may đang tích cực chủ động mở rộng thị phần tại nhiều thị trường lớn, tiềm năng khác. Hiệp hội tự tin các DN sẽ luôn chủ động tìm và tháo gỡ các nút thắt tạo sự ổn định, phát triển sản xuất trong quý III và IV-2025. Từ đó, vượt qua được thách thức, đạt mục tiêu xuất khẩu 48 tỷ USD đã đề ra của năm 2025.
Nguyễn Hòa
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/nganh-det-may-khoi-sac-cong-nhan-yen-tam-lam-viec-ab92a4d/
Bình luận (0)