TĂNG TRƯỞNG ỔN ĐỊNH
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) tỉnh Đồng Tháp, tốc độ tăng trưởng (GRDP) khu vực nông - lâm - thủy sản trong 6 tháng đầu năm của tỉnh tăng 3,94 % (cùng kỳ năm trước tăng 3,16%). Giá trị sản xuất khu vực nông - lâm - thủy sản đạt trên 50.679 tỷ đồng, tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. |
Theo đánh giá của Sở NN&MT, trong 6 tháng đầu năm, công tác phòng, chống hạn, mặn được chủ động, triển khai thực hiện ngay từ rất sớm nên không xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Tình hình sản xuất nông, lâm, thủy sản cho thấy sự tăng trưởng ổn định, các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ.
Trong đó, ngành trồng trọt vẫn là trụ cột chính, trong khi chăn nuôi và thủy sản thể hiện đà phát triển có dấu hiệu vượt chỉ tiêu kế hoạch. Ngành lâm nghiệp mặc dù không có đột biến tăng trưởng, nhưng vẫn duy trì vị thế ổn định và đóng góp đáng kể.
Trong 6 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát ổn định. Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp được ngành Nông nghiệp quan tâm thực hiện tốt. Nhiều chủ trương, chiến lược, đề án phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải... đã tạo điều kiện để thực hiện nền nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu...
Người sản xuất ngày càng quan tâm hơn về quy trình sản xuất theo hướng sản xuất an toàn thực phẩm, từng bước hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn và định hướng chuyển đổi sản xuất hữu cơ… Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu cá tăng trưởng mạnh nên tình hình tiêu thụ cá tra tăng. Tình hình tiêu thụ của hầu hết các loài thủy sản cũng tương đối thuận lợi với giá bán cao, trong khi giá thức ăn giảm nên người nuôi có lợi nhuận.
Một trong những điểm nhấn nổi bật là toàn tỉnh có 2.433 mã vùng trồng được xác lập với tổng diện tích đạt 217.589 ha; 541 cơ sở nuôi đối tượng chủ lực được cấp giấy xác nhận (mã số ao nuôi) với diện tích trên 1.965 ha mặt nước, chiếm 45,8% diện tích mặt nước nuôi. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 12.060 ha cây trồng, trên 2,054 triệu con gia súc, gia cầm được chứng nhận sản xuất theo GAP, hữu cơ…
Tỉnh tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Điển hình như ứng dụng 6 hệ thống giám sát sâu rầy thông minh tại các vùng trọng điểm sản xuất lúa bằng công nghệ trong theo dõi côn trùng vào bẫy đèn; ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi; thực hiện công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng; tiếp tục triển khai các chương trình, dự án, đề tài khoa học công nghệ liên quan đến ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Song song đó, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm củng cố và phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác kết nối và hỗ trợ các chủ thể trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 942 sản phẩm OCOP của 436 chủ thể, gồm: 743 sản phẩm đạt 3 sao, 189 sản phẩm đạt 4 sao, 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao và 3 sản phẩm đạt 5 sao. Điều này thể hiện sự chuyển biến tích cực trong chất lượng và giá trị thương hiệu của sản phẩm địa phương…
THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP
Để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong năm 2025, trong những tháng cuối năm, Sở NN&MT sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục chỉ đạo, điều hành sản xuất an toàn; theo dõi tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản nuôi để kịp thời phát hiện, bao vây, dập dịch, không để lây lan ra diện rộng.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tăng cường quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh. |
Trên cây lúa, ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức sản xuất linh hoạt vụ lúa thu đông 2025 tại các vùng đủ điều kiện tại các huyện phía Đông (tăng 8.600 ha lúa 3 vụ/năm so với cùng kỳ năm trước) để gia tăng sản lượng.
Đồng thời, thực hiện thí điểm mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị hạt gạo (quy mô 50 ha); đẩy mạnh áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến vào sản xuất…
Trên cây màu, ngành Nông nghiệp sẽ khuyến cáo người dân ứng phó hiệu quả với các hiện tượng bất lợi của thời tiết; chủ động chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại phù hợp với điều kiện thời tiết, bảo vệ sản xuất. Đồng thời, sử dụng giống rau F1, thích nghi, chống chịu sâu bệnh, năng suất cao; ứng dụng công nghệ cao, nhà màng, bón phân cân đối... vào sản xuất; tổ chức chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây rau màu.
Trên cây ăn trái, ngành Nông nghiệp sẽ khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp cải tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đối với vườn dừa già cỗi, canh tác lâu năm. Đối với diện tích cây ăn trái trong thời gian kiến thiết cơ bản, ngành khuyến khích tổ chức trồng xen cây ngắn ngày để gia tăng sản lượng cây trồng và thu nhập cho nông dân; thực hiện kỹ thuật rải vụ cây ăn trái. Đặc biệt là tiếp tục công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh; tổ chức các giải pháp khắc phục tình trạng nhiễm Cadimi trên sầu riêng…
Trên lĩnh vực chăn nuôi, ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ người nuôi chuyển đổi sang quy mô trang trại; hướng dẫn các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi.
Trên lĩnh vực thủy sản, Sở NN&MT sẽ thực hiện tốt công tác quan trắc cảnh báo môi trường; phòng, chống dịch bệnh động vật, thủy sản tại các vùng nuôi trồng thủy tập trung trên địa bàn tỉnh. Ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chống khai thác IUU.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích hoạt động khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất phát triển vùng nuôi cá tra và đối tượng thủy sản thế mạnh của tỉnh.
Một trong những giải pháp quan trọng mà ngành Nông nghiệp đề ra trong những tháng cuối năm là tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng ứng dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành, công nghệ thông minh, truy xuất nguồn gốc và chuỗi giá trị.
Trong đó, tập trung triển khai, nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, sản xuất hữu cơ trên các cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh; phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế thuận thiên trong nông nghiệp.
Tỉnh sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tiếp xúc với doanh nghiệp thu mua, doanh nghiệp chế biến, người sản xuất nông sản nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đồng thời, phân công cán bộ chuyên môn phối hợp cùng địa phương nắm bắt những khó khăn trong khâu tổ chức sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, phân phối nông sản giúp tháo gỡ kịp thời.
Ngành Nông nghiệp sẽ theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn và có giải pháp ứng phó kịp thời. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP; hỗ trợ, củng cố, nâng chất tình hình hoạt động của các hợp tác xã…
ANH THƯ
Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202507/nganh-nong-nghiep-tinh-dong-thap-phan-dau-hoan-thanh-chi-tieu-tang-truong-nam-2025-1046615/
Bình luận (0)