Hết giá đến bắp chuối ngâm hóa chất, người tiêu dùng cần cảnh giác những sản phẩm có giá rẻ, vẻ ngoài quá hoàn hảo, bắt mắt - Ảnh: XUÂN MAI
Dù cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm, nhưng các hóa chất như hàn the, chất tẩy trắng vẫn được nhiều cơ sở, cá nhân lén lút sử dụng trong chế biến chả, ướp hải sản, ngâm hoa chuối...
Đây là những món ăn quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày của người Việt. Cơ thể sẽ ra sao khi ăn phải thực phẩm bị tẩm hóa chất trong thời gian dài?
Vô tư trộn hàn the để tạo độ dai, giòn
Bộ Y tế quy định chặt chẽ cấm nhiều loại chất sử dụng trong chế biến thực phẩm vì nguy hại đến sức khỏe người dân. Thế nhưng thời gian qua, cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng hàn the (natri borat), chất tẩy trắng trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm.
Không chỉ trộn hàn the, chất tẩy trắng vào hoa chuối (hay còn gọi là bắp chuối), cách đây không lâu cơ quan chức năng còn thu giữ hàng trăm kg chả bò, chả heo, chả da heo thành phẩm có chứa chất hàn the.
Trao đổi Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện công nghệ và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho biết hàn the chỉ được phép dùng trong công nghiệp, không được dùng trong thực phẩm nhưng thực tế lâu nay vẫn bị lạm dụng.
Hàn the thường được trộn vào các loại chả để tạo độ dai cứng, kéo dài thời gian sử dụng. Vì hàn the có khả năng liên kết các hạt tinh bột nên chúng thường được dùng trong các loại sợi bún, mì sợi, mì ăn liền... để làm cho sợi dai hơn, dài và ít bị đứt, bục.
Hàn the cũng thường được trộn lẫn trong các loại bánh đúc, bánh giò... giúp bánh dẻo hơn, không bị bở. Trong hoa chuối, hàn the được dùng để tẩy trắng, tăng độ giòn, kéo dài thời gian sử dụng vì hoa chuối dễ bị chảy nhựa và thâm đen khi cắt.
Nhiễm độc âm thầm, gây tổn thương nhiều cơ quan
PGS Duy Thịnh cho biết trong tình hình sản xuất, chế biến thực phẩm hiện nay, không chỉ hàn the mà còn rất nhiều hóa chất khác được sử dụng vào trong thịt, cá, rau củ quả, nước uống... một cách vô tội vạ, khiến người dân có thể nhiễm độc cùng lúc nhiều thứ. Các chất độc này thường ngấm vào cơ thể từ từ, gây ra tình trạng nhiễm độc trường diễn.
"Khác với nhiễm độc cấp tính, nhiễm độc trường diễn là tình trạng nhiễm độc diễn ra một cách âm thầm, khi cơ thể tích tụ chất độc dần dần. Đến khi phát bệnh thì thường đã muộn và khó xác định nguyên nhân vì trong thời gian dài người bệnh đã ăn đủ thứ. Đây chính là nguy hiểm của nhiễm độc trường diễn", ông Duy Thịnh giải thích.
Theo BS Trần Trọng Nhân, phó trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhân dân 115, hàn the khi đã xâm nhập vào cơ thể sẽ không bị đào thải mà tích tụ lại trong các mô, có thể gây ngộ độc mạn tính. Nó ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây chán ăn, sụt cân, suy nhược cơ thể. Nặng hơn có thể gây tổn thương gan, thận và hệ thần kinh trung ương.
Tương tự, phèn chua cũng là một chất được phép dùng trong thực phẩm với liều lượng kiểm soát. Tuy nhiên, việc sử dụng quá mức phèn chua trong thời gian dài có thể làm tăng lượng nhôm tích tụ trong cơ thể.
Nhôm dư thừa có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây suy giảm trí nhớ, rối loạn hành vi và có thể liên quan đến các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ của một số khoáng chất thiết yếu khác.
Theo bác sĩ Nhân, nhóm người dễ bị ảnh hưởng nhất trước những thực phẩm "ngậm" hóa chất là trẻ em, bởi hệ miễn dịch và các cơ quan của trẻ chưa hoàn thiện nên khả năng đào thải kém, từ đó dễ bị ảnh hưởng nặng hơn, có nguy bị tổn thương thần kinh, chậm phát triển.
Tiếp đến là người lớn tuổi sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan, thận suy giảm, khả năng đào thải độc tố kém, nên dễ bị tích lũy hóa chất, xuất hiện các triệu chứng mạn tính. Với người có bệnh lý nền như gan, thận, bệnh đường tiêu hóa, hen suyễn hoặc các bệnh mạn tính khác có thể có tình trạng sức khỏe suy yếu, khiến cơ thể nhạy cảm hơn với hóa chất và làm trầm trọng thêm các bệnh lý sẵn có.
Nhân viên cơ sở sơ chế bắp chuối tại khu dân cư Bến Lức (phường Bình Đông, TP.HCM) thực hành lại quá trình pha hóa chất vào nước ngâm bắp chuối - Ảnh: Công an cung cấp
Coi chừng các thực phẩm bắt mắt
Ông Duy Thịnh cho rằng khi nhiều chất bị cấm trong thực phẩm vẫn được bán rộng rãi cho mục đích công nghiệp, đặt ra thách thức trong việc kiểm soát người dân sử dụng sai mục đích. Do đó, việc tuyên truyền và giáo dục liên tục cho người dân, cùng với sự tham gia tích cực của các cơ quan chức năng và truyền thông là cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thực phẩm ngậm hóa chất tuồn ra thị trường đến bữa cơm hằng ngày không thể tránh khỏi. Việc nhận biết thực phẩm bị tẩm hóa chất bằng cảm quan (mắt, mũi, tay) khá khó khăn, đặc biệt là với các loại hóa chất không gây mùi hoặc màu sắc rõ rệt.
Bác sĩ Nhân lưu ý có một số dấu hiệu đáng ngờ mà người tiêu dùng có thể lưu ý đối với màu sắc thực phẩm quá trắng, độ giòn bất thường, có mùi lạ... Người tiêu dùng cần cảnh giác những sản phẩm có giá quá rẻ, vẻ ngoài hoàn hảo, bắt mắt một cách bất thường.
Hãy báo ngay cơ quan chức năng nếu phát hiện thực phẩm bẩn
Các chuyên gia và bác sĩ khuyến cáo người tiêu dùng cần hiểu thông tin về các loại hóa chất độc hại trong thực phẩm và cách nhận biết chúng để có thể đưa ra lựa chọn thông minh khi mua sắm. Nếu phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sử dụng hóa chất cấm hoặc không an toàn, hãy báo cáo ngay cho cơ quan chức năng để được xử lý kịp thời, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Dấu hiệu nhận biết sản phẩm nhiễm hóa chất
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), dấu hiệu để nhận dạng sản phẩm bún, bánh tươi, bánh canh, bánh phở tươi... có ô nhiễm hóa chất là khi quan sát bằng mắt thường sản phẩm có màu trắng, độ bóng hơn dưới ánh sáng. Người tiêu dùng nên lựa chọn, mua sản phẩm bún, bánh tươi có nguồn gốc rõ ràng, cơ sở kinh doanh được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, các chuyên gia về công nghệ thực phẩm cho hay với các loại hải sản tươi sống như mực, bạch tuộc nếu dùng hóa chất sẽ có màu trắng tinh so với màu trắng ngà ban đầu; hoặc khi sử dụng có mùi vị lạ so với vị thường ăn ban đầu.
Đối với thịt, khi cắt sẽ thấy thịt mềm và nhão, đun sôi nổi nhiều bọt, đục, mùi hôi. Đặc biệt không nên lựa chọn rau quả có mùi vị lạ. Tốt nhất sau khi rửa nên ngâm rau trong nước muối nhạt hoặc thuốc tím để khuếch tán các chất độc.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hang-tram-kg-hoa-chuoi-ngam-voi-han-the-co-the-nhiem-doc-hoi-nao-khong-biet-20250713223346088.htm
Bình luận (0)