Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Việt Nam có nhiều di sản thế giới được UNESCO ghi danh, từ di sản văn hóa như: Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ… cho đến di sản thiên nhiên như: Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng…

Báo Nhân dânBáo Nhân dân14/07/2025


Hoàng thành Thăng Long, di sản quan trọng hàng đầu mà Hà Nội dành nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị. (Ảnh nhandan.vn)

Hoàng thành Thăng Long, di sản quan trọng hàng đầu mà Hà Nội dành nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị. (Ảnh nhandan.vn)

Các bộ, ngành và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trong đó, giải pháp quan trọng nhất là dựa vào nhân dân, thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức, để cộng đồng trực tiếp tham gia, người dân được hưởng lợi từ di sản.

Khẳng định vai trò chủ thể

Ông Nguyễn Văn Lợi, (phường Ngọc Hà, Hà Nội) vẫn nhớ như in cảm xúc thiêng liêng khi được dâng lễ lên các vị tiên đế có công với đất nước dịp tiễn năm cũ, đón năm mới Ất Tỵ 2025. “Tôi vốn làm chủ tế nhiều năm ở đình Tổng (đình Vạn Phúc, phường Ngọc Hà). Đầu năm nay tôi được mời vào thực hiện các nghi lễ lên các vị vua ở Hoàng thành Thăng Long. Trước đây, công việc của tôi không liên quan gì đến lĩnh vực văn hóa. Khi có tuổi, tôi mới tham gia các hoạt động văn hóa, tâm linh ở địa phương. Được vào Hoàng thành thực hiện các nghi lễ, khoác trên mình bộ quan phục xưa, tôi thấy rất tự hào. Tôi và mọi người đã tìm hiểu thêm về văn hóa cung đình để có thể thực hiện tốt các nghi lễ”.

Sau 15 năm được ghi danh là Di sản Văn hóa thế giới, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội đã phục dựng được hàng loạt nghi lễ cung đình tại Hoàng thành Thăng Long, gồm: Lễ Tiến xuân ngưu (dâng trâu mùa xuân), Lễ Tiến lịch, Lễ Thượng tiêu, Lễ ban quạt (nằm trong các nghi lễ Tết Đoan ngọ), Lễ đổi gác...

Các nghi lễ này được ví là “phần hồn” của Hoàng thành Thăng Long. Điều đặc biệt, tất cả hoạt động phục dựng đều được xã hội hóa. Những “ông quan”, “anh lính” thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, người là cán bộ về hưu, người là công nhân xây dựng, có người lại là cán bộ đoàn, hay nhà thiết kế...

Di sản vốn thuộc về cộng đồng, nhưng do tính chất “cung đình”, lại trải qua những biến cố lịch sử, Hoàng thành Thăng Long từng xa lạ với mọi người. Khi cộng đồng được tham gia vào hoạt động bảo tồn, khôi phục các nghi lễ, Hoàng thành Thăng Long trở nên gần gũi. Với học sinh Thủ đô, Hoàng thành Thăng Long còn là nơi tổ chức các buổi học ngoại khóa thân quen. Mỗi năm, có hàng chục nghìn lượt học sinh đến học tập.

Nhận thức của cộng đồng được nâng lên đồng nghĩa với cộng đồng chính là những người bảo vệ di sản từ sớm, từ xa. Tương tự như thế, tại Thanh Hóa, Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (xã Tây Đô) giờ đây trở thành không gian cho các buổi học ngoại khóa với học sinh, sinh viên.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ cho biết: “Xác định vai trò của cộng đồng trong công tác quản lý khu di sản, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao vai trò, nhận thức, trách nhiệm và lợi ích của cộng đồng với di sản.

Trung tâm phối hợp các trường học tổ chức các chương trình giáo dục di sản như: Em yêu lịch sử, Cùng khám phá Thành nhà Hồ được xây dựng thế nào, Em làm nhà khảo cổ học… để bồi đắp tình yêu di sản cho các em”. Việt Nam hiện có năm di sản văn hóa: Hoàng thành Thăng Long, Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Thành nhà Hồ…; hai di sản thiên nhiên: Vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và di sản hỗn hợp Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh.

Việc bảo tồn di sản với mỗi loại hình có những đặc thù riêng. Song, điểm chung chính là “điểm tựa lòng dân”. Trong nhóm di sản thiên nhiên, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị) gặp nhiều thách thức trong bảo tồn nhất bởi vườn quốc gia cũng là không gian sinh tồn của 60 nghìn cư dân thuộc các dân tộc: Kinh, Chứt, Bru- Vân Kiều. Cuộc sống của đồng bào Chứt, Bru-Vân Kiều vẫn còn dựa vào khai thác các nguồn lợi từ tự nhiên như săn bắt, đánh cá, khai thác rau củ quả…

Kết hợp sự hỗ trợ của Trung ương, các tổ chức quốc tế, tỉnh Quảng Trị đã từng bước giải bài toán sinh kế-bảo tồn này. Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng Đinh Huy Trí cho biết: “Việc phát huy các giá trị di sản nhằm chia sẻ lợi ích, đồng thời giảm thiểu tác động lên di sản thế giới được chính quyền tỉnh, Ban quản lý Vườn chú trọng”. Năm 2024 thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, vườn đã cung cấp, hỗ trợ người dân cây, con giống, đồng thời hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế và chi trả cho các cộng đồng và chính người dân giữ rừng với số tiền khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh đó, hằng năm, Vườn quốc gia còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương qua các hoạt động dịch vụ, du lịch, như: Nhiếp ảnh, bán hàng lưu niệm, nhà hàng ăn uống, phục vụ đưa đón khách tham quan…”.

Ông Hoàng Văn Bình, Chi hội trưởng chi hội Nông dân thôn Bồng Lai 2, xã Bố Trạch, tỉnh Quảng Trị phấn khởi cho biết: Hội viên nông dân của Chi hội đã nhận được các hỗ trợ sinh kế của Vườn quốc gia để tạo lập đời sống như chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng, nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng... Đời sống nhân dân được cải thiện, người dân trở thành những người trực tiếp tham gia bảo vệ rừng, gìn giữ giá trị thiên nhiên.

Hợp tác để bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Đến thời điểm này, các di sản thế giới ở Việt Nam được UNESCO ghi danh đều thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị. Nhiều di sản vừa đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.

Điển hình như Hoàng thành Thăng Long năm 2024 đã đón 745 nghìn lượt khách, trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất của Hà Nội. Đô thị cổ Hội An, Quần thể danh thắng Tràng An, Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà… đều là động lực phát triển du lịch cho các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng.

Những năm gần đây, Việt Nam ngày càng hoàn thiện hệ thống luật pháp, đặc biệt là Luật Di sản văn hóa 2024 được sửa đổi theo hướng đáp ứng yêu cầu trong nước và tích hợp các điều khoản trong các Công ước quốc tế về di sản. Mặc dù vậy, thực tế vẫn đặt ra nhiều thách thức cho bảo tồn các di sản thế giới. Trong đó, nguy cơ lớn nhất vẫn là nguy cơ xâm hại từ việc phát triển kinh tế.

Điển hình như Vịnh Hạ Long từng bị xâm hại bởi các công trình xây dựng. Nhóm di sản văn hóa vừa đối mặt với nguy cơ xâm hại, vừa đối mặt với nguy cơ xuống cấp cùng thời gian. Để bảo tồn di sản thế giới một cách bền vững, vấn đề nhận thức và hài hòa lợi ích các bên là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm. Trong đó, vấn đề lợi ích không chỉ là hỗ trợ sinh kế mà còn là tìm ra các mô hình hợp lý.

Phó Giáo sư Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: “Khi cộng đồng được tham gia, họ sẽ có nhận thức đúng đắn và lâu dài đối với di sản văn hóa. Tôi đề nghị cần xây dựng các chương trình giáo dục di sản trong trường học, trong cộng đồng, qua các phương tiện truyền thông để góp phần làm thay đổi nhận thức cộng đồng. Đảng, Nhà nước đã khẳng định kinh tế tư nhân là một trong những động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nhưng trong lĩnh vực bảo tồn di sản, mô hình kinh tế tư nhân hay hợp tác công tư còn hạn chế khiến di sản văn hóa chưa được phát huy giá trị một cách đầy đủ. Do đó chúng ta cũng cần xây dựng các mô hình tương thích, thí dụ: Cộng đồng quản lý, Nhà nước hướng dẫn; mô hình hợp tác giữa Nhà nước và cộng đồng; hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân…”.

Đối với các mô hình hợp tác để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đang là một điểm sáng. Hiện có khoảng 10 nghìn lao động trực tiếp, 20 nghìn người lao động gián tiếp tại quần thể danh thắng, qua đó, đóng góp vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế-xã hội của Ninh Bình. Giám đốc Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An Bùi Việt Thắng chia sẻ kinh nghiệm: “Hiện nay, quá trình hợp tác công-tư tại danh thắng Tràng An được triển khai với sự tham gia của các bên: Nhà nước đóng vai trò quản lý, quy hoạch, kiểm tra, định hướng phát triển; doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, khai thác dịch vụ; cộng đồng tham gia vận hành dịch vụ, bảo vệ môi trường, truyền thống văn hóa; giới khoa học tư vấn về bảo tồn, quản trị du lịch…

Cơ chế vận hành được dựa trên các nguyên tắc: Tôn trọng giá trị gốc và toàn vẹn của di sản; hài hòa lợi ích các bên; minh bạch tài chính và giám sát cộng đồng; Phát triển du lịch có trách nhiệm. Mô hình đối tác công-tư đã phát huy tốt vai trò trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị của danh thắng. Năm 2014, lượng khách tới Tràng An đạt 2,2 triệu lượt thì hiện nay con số đó tăng gấp nhiều lần. Doanh thu du lịch năm 2024 đạt 6.500 tỷ đồng. Di sản đã đem lại giá trị cả vật chất lẫn tinh thần, góp phần tạo gắn kết xã hội và tạo sinh kế bền vững cho người dân”.

Dù mỗi di sản có những đặc thù khác nhau, nhưng mô hình hợp tác công-tư tại danh thắng Tràng An là một trong những kinh nghiệm quý cần được tham khảo, nhân rộng.

GIANG NAM - HƯƠNG GIANG


Nguồn:https://nhandan.vn/bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-post893511.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm