Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyện chàng du học sinh về nước để làm... tài xế công nghệ

(Dân trí) - Sau khi tốt nghiệp Đại học RMIT (Australia), Lâm Đức Nhuận nuôi giấc mơ khởi nghiệp tại xứ chuột túi, nhưng rồi "vỡ mộng". Sau những chìm nổi, anh rút ra cho mình nhiều bài học giá trị.

Báo Dân tríBáo Dân trí14/07/2025


Rời Australia sau thất bại khởi nghiệp, về Việt Nam làm tài xế công nghệ

Lâm Đức Nhuận (SN 1992) từng theo học một trường cao đẳng tại TPHCM trong năm 2010. Năm 2011, Nhuận được tham gia chương trình trao đổi sinh viên với Đại học Limkokwing (Malaysia). Sau trải nghiệm này, Nhuận quyết định làm hồ sơ du học Australia, vì anh có họ hàng đang sinh sống ở Melbourne (Australia).

Năm 2012, Nhuận chính thức trở thành sinh viên chuyên ngành kế toán doanh nghiệp tại Đại học RMIT (Australia). Anh bắt đầu quãng thời gian làm thêm tại tiệm bánh mì của người họ hàng sống ở Melbourne. Những năm tháng du học của Nhuận rất vất vả, anh vừa học vừa làm để có thể tự trang trải cuộc sống, do điều kiện gia đình vốn không dư dả.

Chuyện chàng du học sinh về nước để làm... tài xế công nghệ - 1

Lâm Đức Nhuận tốt nghiệp chuyên ngành kế toán doanh nghiệp tại Đại học RMIT (Australia) (Ảnh: NVCC).

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp đại học, Nhuận quyết định thử khởi nghiệp tại xứ chuột túi và mở một tiệm bánh mì riêng. Dù vậy, việc kinh doanh không thuận lợi đã khiến Nhuận rơi vào cảnh trắng tay trong năm 2019.

Vậy là sau 7 năm học tập và khởi nghiệp ở nước ngoài nhưng không thành công, Nhuận quyết định trở về nước để tìm một định hướng mới cho bản thân.

Trở về Việt Nam, thoạt tiên Nhuận làm công việc văn phòng tại một công ty vận tải. Năm 2020, một người đồng nghiệp của anh chia sẻ rằng, bên ngoài thời gian làm việc ở công ty, anh này làm tài xế công nghệ. Công việc làm thêm đưa lại mức thu nhập không tệ.

Nghe vậy, Nhuận liền thử sức với nghề tài xế công nghệ. Ban đầu anh chạy bằng xe máy, thấy công việc đưa về mức thu nhập khá, anh mạnh dạn nghỉ việc văn phòng để làm tài xế công nghệ toàn thời gian. Thời điểm này, Nhuận nhận về mức thu nhập 15-20 triệu/tháng.

Khi đã có đủ vốn, anh liền nâng cấp từ tài xế xe máy lên thành tài xế ô tô. Hiện tại, Nhuận đặt mục tiêu kiếm được tối thiểu 30 triệu đồng/tháng, để có vốn khởi nghiệp tại Việt Nam. Để có được mức thu nhập này, anh phải cố gắng rất nhiều, luôn nỗ lực, quyết tâm trong từng ngày làm việc. 

Giấc mơ “fast food Việt” và dịch vụ du lịch “may đo” cho từng du khách

Dù cuộc sống trải qua nhiều thăng trầm, nhưng Nhuận luôn tìm cách xâu chuỗi các trải nghiệm của bản thân, cho dù là trải nghiệm thất bại, để sau cùng, anh vẫn có thể tận dụng cả những bước lùi để... tiến về phía trước.

Quãng thời gian theo học chuyên ngành kế toán doanh nghiệp tại Australia giúp Nhuận mở mang tầm nhìn, sử dụng tốt tiếng Anh, và có những kiến thức nền tảng về quản lý tài chính doanh nghiệp.

Chuyện chàng du học sinh về nước để làm... tài xế công nghệ - 2

Nhuận đã làm tài xế công nghệ được 5 năm, anh vẫn đang trong quá trình tích lũy vốn để khởi nghiệp (Ảnh: NVCC).

Khi làm thêm ở tiệm bánh mì của họ hàng tại Australia, rồi tự mình mở cửa hàng riêng, Nhuận có những hiểu biết thực tế về lĩnh vực kinh doanh ẩm thực.

Khi trở về nước làm việc cho công ty vận tải, anh lại có thêm những kiến thức về cách vận hành một công ty vận tải.

Những điều này đều rất có ích cho mục tiêu khởi nghiệp của anh tại Việt Nam. Nhuận muốn mở một công ty du lịch đưa lại trải nghiệm theo kiểu “may đo, thiết kế riêng” cho từng nhóm du khách.

Anh cũng muốn xây dựng một chuỗi cửa hàng bánh mì tại Việt Nam. Theo anh, bánh mì là “fast food” (đồ ăn nhanh) nổi tiếng hàng đầu của Việt Nam đối với du khách thế giới.

Những năm tháng sống ở nước ngoài, Nhuận thấy người nước ngoài nhắc nhiều nhất tới phở và bánh mì của Việt Nam. Anh cho rằng bánh mì hoàn toàn có thể trở thành “fast food” thịnh hành trên khắp thế giới.

Ngay khi trở về Việt Nam, Nhuận đã nhìn ra tiềm năng của việc bán những tour du lịch đưa lại trải nghiệm độc đáo, chất lượng, dành cho nhóm du khách ít người.

Trong lúc làm tài xế công nghệ, tận dụng vốn ngoại ngữ sẵn có, Nhuận cũng nhận làm hướng dẫn viên du lịch cho những khách nước ngoài có nhu cầu. Đây là cách để anh có thêm trải nghiệm thực tế cho kế hoạch khởi nghiệp của bản thân trong tương lai.

Nhuận đã làm tài xế công nghệ được 5 năm, anh vẫn đang trong quá trình tích lũy vốn để có thể theo đuổi kế hoạch khởi nghiệp tại Việt Nam.

Công việc tài xế công nghệ đã dạy cho Nhuận một số bài học ý nghĩa. Trước hết, đó là sự nhẫn nại để vượt qua được những khó khăn, vất vả trong công việc và cuộc sống, để trân trọng từng cuốc xe, từng khách hàng.

Trong quá trình làm việc, anh cũng được rèn luyện nhiều về tính kiên nhẫn, không để bản thân “nóng đầu”, mất bình tĩnh vì áp lực thời gian, tắc đường, thời tiết không ủng hộ...

Tin vào bản thân, sống thiện lành đi qua mọi biến động cuộc đời

Nhuận không suy nghĩ tiêu cực về những trải nghiệm thăng trầm từng có. Anh tin rằng “đường dài mới biết ngựa hay”. Mọi trải nghiệm, cho dù là thất bại, đều có giá trị riêng.

Khi chia sẻ câu chuyện của bản thân với giới truyền thông, Nhuận thoải mái nói về những chi tiết không hề hào nhoáng trong cuộc sống của mình: một cựu du học sinh từng rơi vào cảnh trắng tay nơi đất khách, rồi về quê hương để làm lại từ đầu. Nhuận hy vọng đưa lại một câu chuyện chân thực và tích cực dành cho các bạn trẻ đang loay hoay khởi nghiệp.

Chuyện chàng du học sinh về nước để làm... tài xế công nghệ - 3

Nhuận hy vọng đưa lại một câu chuyện chân thực và tích cực dành cho các bạn trẻ đang loay hoay khởi nghiệp (Ảnh minh họa: iStock).

Nhuận cũng biết rằng thị trường lao động đang càng lúc càng trở nên khó khăn, khắc nghiệt. Anh đã chứng kiến một số bạn trẻ trở nên hoang mang, tiêu cực sau khi gặp phải những trải nghiệm không may mắn trong công việc.

Dù vậy, cuộc sống sẽ càng lúc càng đổi thay nhanh chóng vì những tiến bộ của công nghệ. Điều này đòi hỏi chúng ta phải trở nên linh hoạt, nhạy bén hơn để thích ứng. Ai cũng có những lúc gặp chuyện không may, nhưng chúng ta không thể để bản thân bất động và sa lầy trong bế tắc. Khi chúng ta tìm cách thích ứng để thoát ra khỏi bế tắc, dần dần mọi việc sẽ được gỡ rối và trở nên suôn sẻ hơn.

Nhuận cũng hy vọng các bạn trẻ biết đến câu chuyện của anh sẽ nhìn thấy ở anh sự bình thản chấp nhận thực tế. Trước hết, chúng ta phải biết cách chấp nhận những gì xảy đến với mình.

Nhuận từng đi du học, nhưng khi ra trường không tìm được công việc đúng ngành nghề tại Australia. Anh khởi nghiệp kinh doanh với tiệm bánh mì thì rơi vào cảnh thua lỗ và trắng tay, mất hết vốn liếng.

Trở về Việt Nam, anh sẵn sàng làm công việc văn phòng giản dị, rồi làm tài xế công nghệ, chạy từ xe máy rồi mới đủ vốn nâng cấp lên ô tô.

Theo Nhuận, bước đầu tiên trong quá trình giải quyết mọi vấn đề chính là... hãy chấp nhận vấn đề trước đã. Sự chấp nhận này giúp chúng ta có đủ dũng khí và sự bình tâm để bước khỏi vùng an toàn, vượt qua sự bấp bênh, từ từ gỡ rối và giải quyết vấn đề.

Thực tế, không chỉ gặp khó khăn trong hành trình khởi nghiệp, Nhuận còn từng đi qua không ít biến cố trong đời sống gia đình, khi những người thân lần lượt qua đời. Hiện anh chỉ còn mẹ là người thân ruột thịt gắn bó nhất, luôn ở bên động viên anh trong cuộc sống.

Khi gặp phải những vấn đề khó khăn tưởng chừng bế tắc, Nhuận không bắt bản thân phải vượt qua ngay, bởi chúng ta đều cần có khoảng thời gian hồi phục, để suy ngẫm về vấn đề mà mình gặp phải.

Dù vậy, cũng không nên để bản thân đắm chìm trong suy nghĩ quá lâu, vì sẽ càng khó thoát ra khỏi vấn đề. Đến một thời điểm, ta phải chủ động tự giúp bản thân phân tán khỏi dòng suy nghĩ, rồi bắt tay vào thực hiện những việc đầu tiên nhằm giải quyết vấn đề.

Bài học lớn nhất mà Nhuận rút ra được sau những thăng trầm trong hành trình khởi nghiệp chính là, bản thân mình phải là người hiểu rõ mình nhất, để tự đưa ra được những quyết định phù hợp nhất.

Khi thành công vì lựa chọn của chính mình, chúng ta sẽ vui hơn. Nhưng ngay cả khi thất bại, chúng ta cũng đỡ phải sống trong hối tiếc vì từng để vuột mất cơ hội, vì từng hèn nhát “không dám thử”.

Ngoài ra, trong cuộc sống, Nhuận luôn tâm niệm rằng mình hãy cứ sống tốt, thiện lành, biết đối nhân xử thế, bất kể cuộc đời đã đưa anh đi qua những thăng trầm, buồn vui nào.

Trải qua nhiều chuyện, Nhuận nhận thấy rằng mỗi chúng ta đều cần học cách tự tin vào bản thân, lắng nghe chính mình và quan trọng nhất là dám bước ra khỏi vùng an toàn, để thực sự bắt tay vào công việc. Dù có những vấp ngã, nhưng chúng ta sẽ có kinh nghiệm.

Sau cùng, cơ hội để cải thiện bản thân và đạt tới thành công - theo định nghĩa riêng của mỗi người - vẫn luôn chờ chúng ta ở phía trước.

Nguồn:https://dantri.com.vn/giao-duc/chuyen-chang-du-hoc-sinh-ve-nuoc-de-lam-tai-xe-cong-nghe-20250713155003727.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm