Theo chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, bảo đảm đến ngày 1/7/2026 không còn xe máy, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1.
Đối với khu vực Vành đai 2, việc cấm xe môtô, xe gắn máy sẽ thực hiện từ 1/1/2028, đồng thời hạn chế xe ôtô cá nhân dùng xăng dầu.
Vành đai 2 Hà Nội gồm những tuyến đường nào?
Theo Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội có 7 tuyến đường vành đai, trong đó có 5 tuyến vành đai chính (gồm: Vành đai 1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (vành đai 2,5 và 3,5).
Đây đều là những trục chính, định hình mạng lưới giao thông đường bộ của Hà Nội, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô cũng như các địa phương thuộc Đồng bằng Bắc Bộ và cả nước.
Vành đai 2 Hà Nội là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội dài 43,6km, chạy qua các điểm: Vĩnh Tuy-Minh Khai-Đại La-Ngã Tư Vọng-đường Trường Chinh-Ngã Tư Sở-đường Láng-Cầu Giấy-Bưởi-Nhật Tân-Vĩnh Ngọc-Đông Hội-cầu chui Gia Lâm-khu công nghiệp Hanel-Vĩnh Tuy. Hai cầu vượt sông Hồng trên Vành đai 2 là Vĩnh Tuy và Nhật Tân, một cầu vượt sông Đuống là Đông Trù.
Trước đó, dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở được thông xe đầu năm 2023. Dự án có chiều dài 5,08km, tuyến đường có mặt cắt ngang đường trên cao 19m và phần đi bằng (dưới thấp) từ 53,5-63,5m. Việc đưa vào khai thác tuyến đường Vành đai 2 trên cao khắc phục cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến.
Hiện Vành đai 2 chỉ còn đoạn Ngã Tư Sở-Cầu Giấy (đi trùng với đường Láng hiện nay) dài gần 4km chưa được mở rộng và xây dựng đường trên cao.
Đây là tuyến đường bao quanh khu vực nội đô mở rộng, kết nối các quận cũ của Hà Nội trước khi sắp xếp lại đơn vị hành chính như: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân và Long Biên.
Tuyến đường được đầu tư mạnh với các dự án mở rộng, nổi bật là tuyến đường trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở giúp giảm tải các nút giao lớn.
Vành đai 2 là ranh giới chuyển tiếp giữa nội đô và vùng ven, thúc đẩy sự phát triển các khu đô thị mới và tạo động lực cho quá trình đô thị hóa.
Vành đai 1 Hà Nội gồm những tuyến đường nào?
Thông tin từ ngày 1/7/2026 ở Hà Nội sẽ không có xe môtô, xe gắn máy, hạn chế xe ôtô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1 đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Vành đai 1 là tuyến đường huyết mạch, trục chính đô thị kết nối các phường trung tâm và giải quyết nhu cầu di chuyển trong thành phố, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội gồm phố Trần Khát Chân-Đại Cồ Việt-Xã Đàn-Hoàng Cầu-Voi Phục.
Vai trò của Vành đai 1 không chỉ là tuyến đường giao thông, tuyến đường này còn gắn liền với việc bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử khi đi qua các khu vực biểu tượng như phố cổ Hà Nội.
Vành đai 1 sẽ bao gồm các tuyến đường, phố Trần Khát Chân (ngã ba Trần Khát Chân-Nguyễn Khoái)-Đại Cồ Việt-Xã Đàn-Ô Chợ Dừa-Đê La Thành-Hoàng Cầu-Đê La Thành-Cầu Giấy-đường Bưởi-Lạc Long Quân-Âu Cơ-Nghi Tàm-Yên Phụ-Trần Nhật Duật-Trần Quang Khải-Trần Khánh Dư-Nguyễn Khoái-Trần Khát Chân.
Dự án Vành đai 1 chưa được khép kín do vẫn còn đoạn từ Hoàng Cầu tới Voi Phục đang thi công. Đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục dài hơn 2,2km, mặt cắt ngang 50m, điểm đầu giao với đường Cát Linh-La Thành-Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa cũ), điểm cuối tại nút giao Voi Phục (quận Ba Đình cũ).
Vì vậy, khi hoàn thành đoạn tuyến Hoàng Cầu-Voi Phục, đây sẽ là vành đai đầu tiên của Hà Nội được khép kín.
Lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe môtô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 1/1/2028 không có xe môtô, xe gắn máy, hạn chế xe ôtô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3. |
Theo TTXVN
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/han-che-oto-ca-nhan-chay-xang-dau-tu-2028-vanh-dai-2-gom-nhung-tuyen-pho-nao-254835.htm
Bình luận (0)