• Tập trung nâng chất và phát huy công năng trung tâm văn hoá, thể thao và học tập cộng đồng xã
  • Sáp nhập tỉnh - Tinh gọn bộ máy là tất yếu của phát triển
  • Dấu ấn đoàn kết trước ngày sáp nhập

Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, hệ thống thiết chế văn hoá - thể thao được đầu tư rộng khắp từ xã đến ấp, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, bảo tồn giá trị văn hoá làng quê.

Trước khi sáp nhập, Bạc Liêu có 48 trung tâm văn hoá - thể thao cấp xã, Cà Mau có 80 trung tâm. Sau hợp nhất hành chính, nhiều địa phương quan tâm đến việc khai thác hiệu quả các thiết chế dôi dư.

Tại xã Vĩnh Thanh (sáp nhập từ xã Hưng Phú), có 2 trung tâm đặt tại ấp Mỹ Hoà và Mỹ Tường 1. Địa phương đã chuyển trung tâm tại ấp Vĩnh Hoà thành trụ sở HĐND, MTTQ và các đoàn thể xã, đồng thời đưa công chức và thiết bị về làm việc tại trung tâm ở ấp Mỹ Tường 1 để nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ người dân.Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã Vĩnh Thanh được đầu tư khang trang để tổ chức họp họp, phục vụ đời sống văn hoá của Nhân dân.

Ông Lê Hoàng Ân, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thanh, tỉnh Cà Mau cho biết: “Sau khi chính quyền xã mới đi vào hoạt động, xã đã tiến hành rà soát lại hiện trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống thiết chế văn hoá để có hướng quản lý, sử dụng hiệu quả. Sau khi chuyển đổi công năng khu thiết chế văn hoá dôi dư, địa phương sẽ dành thêm nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới nội dung và hình thức hoạt động của Trung tâm mới”.

Nghệ nhân biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ người dân tại khu thiết chế văn hoá xã Vĩnh Thanh.

Ghi nhận tại Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã Vĩnh Thanh đặt tại ấp Mỹ Tường 1, có đông cán bộ, người dân, đoàn viên thanh niên đến dự buổi sinh hoạt đầu tiên sau khi sáp nhập xã. Tại đây, diễn ra nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực như: tổ chức tuyên truyền mục đích, tầm quan trọng và những lợi ích của chủ trương tổ chức bộ máy chính quyền 2 cấp; giao lưu, biểu diễn đờn ca tài tử giữa các nghệ nhân và người dân; tham quan phòng trưng bày các hiện vật lịch sử - văn hoá địa phương.

Ông Hồ Văn Bảy, ấp Mỹ Tường 1 bày tỏ: “Ngay từ những ngày đầu sáp nhập xã, hoạt động của khu thiết chế văn hoá vẫn diễn ra sôi nổi, hiệu quả. Nhiều người dân từ già đến trẻ đều thích đến đây tập thể dục, gặp gỡ, sinh hoạt văn nghệ và nghe tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Sau khi được cán bộ xã tuyên truyền, người dân càng thêm đồng thuận, tin tưởng vào quyết sách sắp xếp lại bộ máy hành chính”.

Đoàn viên - Thanh niên tham quan phòng trưng bày phòng hiện vật lịch sử - văn hoá tại Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã Vĩnh Thanh.

Sử dụng hiệu quả trụ sở dôi dư sau sáp nhập, tránh bỏ hoang không chỉ là chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, lãnh đạo tỉnh Cà Mau mà còn là mong muốn của người dân. Trong đó, khai thác tốt vai trò của các thiết chế văn hoá có ý nghĩa hết sức quan trọng để cổ vũ, động viên toàn dân hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mới trong giai đoạn mới.

Hữu Thọ - Thanh Nhàn

 

Nguồn: https://baocamau.vn/phat-huy-hieu-qua-thiet-che-van-hoa-sau-sap-nhap-xa-a120753.html