Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chủ trương nới lỏng tiền tệ đang làm nóng tỷ giá

Dù chỉ số USD-Index giảm mạnh, tiền đồng vẫn mất giá gần 3% so với đầu năm là hệ quả từ chính sách duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Biến động tỷ giá...

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng10/07/2025

Dù chỉ số USD-Index giảm mạnh, tiền đồng vẫn mất giá gần 3% so với đầu năm là hệ quả từ chính sách duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Biến động tỷ giá đang đặt ra nhiều dấu hỏi về sức ép lạm phát, xu hướng lãi suất và tác động dây chuyền tới hoạt động sản xuất – kinh doanh trong nước.

Áp lực từ chính sách nới lỏng

Dù USD-Index đã giảm khoảng 10% kể từ đầu năm, tiền đồng vẫn mất giá từ 2,7–2,8% so với đồng bạc xanh. Diễn biến này phản ánh nghịch lý đang xảy ra trên thị trường tiền tệ Việt Nam, trong bối cảnh chính sách lãi suất thấp tiếp tục được duy trì nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.

Theo ghi nhận ngày 8/7, tỷ giá USD trên thị trường tự do tiếp tục tăng, giao dịch quanh mức 26.433 – 26.508 VND/USD. Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá lại có xu hướng giảm nhẹ, như tại Vietcombank và BIDV đều giảm 25 đồng ở cả hai chiều, xuống quanh mốc 25.965 – 26.330 VND/USD.

Tuy nhiên, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá USD bình quân quý II/2025 tăng 2,98%, và tính chung 6 tháng đầu năm tăng 3,30%. Không chỉ so với USD, tiền đồng còn mất giá so với các đồng tiền khác như Yên Nhật và Bảng Anh cho thấy áp lực tỷ giá không chỉ đến từ đồng bạc xanh mà là hệ quả tổng hợp từ nhiều phía.

Tại cuộc họp báo công bố kết quả điều hành quý II/2025, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) lý giải nguyên nhân chính khiến VND giảm giá là do mặt bằng lãi suất thấp. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ tăng trưởng, NHNN đã yêu cầu hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí, đưa lãi suất cho vay giảm thêm 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024. Đồng thời, lãi suất liên ngân hàng cũng được giữ ở mức rất thấp, nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tín dụng.

“Trong bối cảnh đó, VND không còn đủ hấp dẫn so với USD, các tổ chức tài chính có xu hướng chuyển sang nắm giữ ngoại tệ. Dòng vốn ngoại liên tục rút khỏi thị trường chứng khoán từ năm 2024 đến nay, gây sức ép lớn lên thị trường ngoại hối”, ông Quang nhận định.

Không chỉ vậy, việc chênh lệch lãi suất giữa VND và USD bị đẩy xuống mức âm đã kích thích nhu cầu nắm giữ ngoại tệ như một kênh trú ẩn. Tâm lý đầu cơ USD quay trở lại, đẩy áp lực lên tỷ giá, bất chấp cán cân thanh toán tổng thể vẫn giữ được thặng dư.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam cho biết tỷ giá USD/VND đã vượt mốc 26.000 đồng là tín hiệu không thể xem nhẹ. Theo ông, nguyên nhân chính vẫn là khoảng cách lãi suất giữa VND và USD ngày càng nới rộng, trong khi lực cầu USD vẫn cao do hoạt động nhập khẩu tăng và dòng vốn đầu tư chưa cải thiện rõ rệt.

“FED hiện chưa có áp lực rõ ràng để cắt giảm lãi suất, vì tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ổn định và lạm phát chưa về mức mục tiêu. Nếu tình hình kinh tế Mỹ xấu đi trong nửa cuối năm – cụ thể là tăng trưởng chậm lại nhưng lạm phát vẫn neo cao trong khi đó, FED mới buộc phải hành động theo hướng nới lỏng”, ông Minh nhận định.

Theo dữ liệu từ CME Group, khả năng Mỹ có từ 1 đến 2 đợt hạ lãi suất vào tháng 9 hoặc 10 đang được thị trường kỳ vọng. Khi đó, áp lực lên tỷ giá USD/VND có thể bắt đầu hạ nhiệt.

Chủ trương nới lỏng tiền tệ đang làm nóng tỷ giá
 Biến động tỷ giá đang đặt ra nhiều dấu hỏi về sức ép lạm phát, xu hướng lãi suất và tác động dây chuyền tới hoạt động sản xuất – kinh doanh trong nước.

Dự báo nhiều biến động

Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), tỷ giá trong nửa cuối năm 2025 sẽ tiếp tục chịu áp lực lớn từ chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cụ thể, ngày 7/7, ông Trump ký sắc lệnh áp mức thuế đối ứng cao đối với hàng xuất khẩu từ loạt quốc gia châu Á, trong đó Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia chịu mức 25%, Indonesia, Bangladesh, Campuchia và Thái Lan từ 32–36%, còn Lào và Myanmar lên tới 40%.

Ông Quang nhận định, với mức thuế suất cao như vậy, dòng vốn FDI toàn cầu có thể bị điều chỉnh mạnh, khi các tập đoàn đa quốc gia buộc phải dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang các quốc gia có lợi thế thuế.

Là một nền kinh tế có độ mở lớn và phụ thuộc vào xuất khẩu – đặc biệt là xuất khẩu sang Mỹ – Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lan tỏa không nhỏ. Điều này sẽ tạo ra các đợt sóng dịch chuyển dòng vốn, qua đó gây biến động đến tỷ giá và mặt bằng lãi suất trong nước.

Bên cạnh yếu tố thuế quan, chính sách tiền tệ toàn cầu, đặc biệt là quyết sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đóng vai trò then chốt. Từ đầu năm 2025 đến nay, FED đã hai lần trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất do lo ngại lạm phát tại Mỹ chưa ổn định và ảnh hưởng từ các chính sách kinh tế đối đầu của ông Trump.

Trong khi đó, các nền kinh tế lớn khác như châu Âu hay Nhật Bản đã bước đầu kiểm soát được lạm phát, tạo ra sự phân kỳ chính sách rõ rệt, một yếu tố gây thêm sức ép lên tỷ giá các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Chuyên gia tài chính, ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra cảnh báo tương tự. Ông dự báo tỷ giá USD/VND trong năm 2025 có thể tăng ít nhất 5% nếu xu hướng chính sách hiện tại tiếp diễn. Đặc biệt, rủi ro từ chiến tranh thương mại Mỹ–châu Á có thể khiến cán cân thương mại toàn cầu tái định hình, ảnh hưởng trực tiếp tới tỷ giá của các quốc gia phụ thuộc vào xuất – nhập khẩu như Việt Nam.

Một yếu tố nội tại khác cũng không thể bỏ qua là cơ cấu tăng trưởng của Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, nhiên liệu… Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu ngoại tệ sẽ gia tăng trong nửa cuối năm, tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá hối đoái.

Về lạm phát, dù 6 tháng đầu năm được kiểm soát ở mức 3,27%, dưới ngưỡng mục tiêu 4,5%, nhưng ông Hiếu cảnh báo “bức tranh có thể trở nên phức tạp hơn” trong nửa cuối năm nếu giá năng lượng, tỷ giá và chi phí nhập khẩu cùng tăng. Khi đó, không chỉ lạm phát mà lãi suất cũng có thể chịu sức ép điều chỉnh.

Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, TS. Hiếu khuyến nghị các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm nhập khẩu nên sử dụng công cụ phòng vệ như hợp đồng ngoại tệ kỳ hạn, giúp cố định tỷ giá từ thời điểm ký hợp đồng và tránh biến động tỷ giá gây thiệt hại tài chính.

Ở góc độ dài hạn, ông Hiếu cho rằng các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm phụ thuộc quá lớn vào Mỹ (xuất khẩu) và Trung Quốc (nhập khẩu), đồng thời nâng cao khả năng tự chủ nguyên vật liệu để giảm bớt áp lực ngoại tệ.

Về mặt bằng lãi suất trong nước, hiện lãi suất cho vay bình quân với các khoản vay mới đã giảm 0,64 điểm phần trăm so với cuối năm 2024, về mức 6,24%/năm.

Theo lãnh đạo NHNN, cơ quan điều hành sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình lạm phát, điều chỉnh linh hoạt hạn mức tín dụng và công cụ chính sách tiền tệ để bảo đảm mục tiêu kép: ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng.

Nguồn: https://baolamdong.vn/chu-truong-noi-long-tien-te-dang-lam-nong-ty-gia-381819.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm