Buổi làm việc giữa Sở KH&CN TP. Huế với các nhà khởi nghiệp

Lắng nghe để thấu hiểu, hành động để bứt phá

Mới đây, Sở KH&CN đã tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Khu tổ hợp trải nghiệm Văn hóa - Ẩm thực - Đặc sản Kinh đô. Hoạt động này không chỉ cụ thể hóa Đề án “Cố đô Khởi nghiệp”, mà còn thể hiện rõ tinh thần “chính quyền kiến tạo” mà thành phố đang theo đuổi trong hành trình đồng hành cùng cộng đồng KNĐMST đúng với tinh thần các nghị quyết lớn của Trung ương vừa ban hành.

Trong buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Hữu cơ Huế Việt thẳng thắn chia sẻ những khó khăn đặc thù mà doanh nghiệp thường gặp phải như, hỗ trợ truyền thông, quảng bá sản phẩm; hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới, các quy trình mới nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm; hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm mang thương hiệu Huế.

Lắng nghe ý kiến chia sẻ của doanh nghiệp, bà Trần Thị Thùy Yên, Phó Giám đốc Sở KH&CN đánh giá cao tinh thần chủ động của các doanh nghiệp và chỉ đạo các phòng chuyên môn phải tích cực phối hợp, đồng hành sâu sát để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận các chính sách đổi mới, cải tiến công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ, hình thành doanh nghiệp KH&CN, triển khai các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, ISO, VietGAP; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông các sản phẩm trên nền tảng số của ngành.

Xây dựng nguồn lực bền vững

Bên cạnh những hành động cụ thể từ cấp sở, UBND TP. Huế tiếp tục cho thấy quyết tâm cao khi làm việc với Đại học Huế vào một ngày cuối tháng 5 vừa qua nhằm triển khai Nghị quyết 57 một cách bài bản và toàn diện. Buổi làm việc không chỉ bàn về phát triển công nghệ cao và công nghiệp bán dẫn, lĩnh vực mới nổi của Huế mà còn xoáy sâu vào việc xây dựng nguồn lực bền vững cho hệ sinh thái KNĐMST.

Tại buổi làm việc, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 57, trong đó sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành với các trường đại học trên địa bàn được xác định là mắt xích then chốt để thúc đẩy đột phá về KHCN, ĐMST và chuyển đổi số. Đồng thời, chính quyền thành phố cũng định hướng hỗ trợ hình thành và phát triển các mô hình KNST, tạo môi trường thuận lợi để ý tưởng được hiện thực hóa thành sản phẩm cụ thể, đồng bộ với quá trình triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên toàn địa bàn.

Về phía Đại học Huế, ông Bùi Văn Lợi, Phó Giám đốc phụ trách cho biết, Đại học Huế đang triển khai nhiều chính sách đào tạo nguồn nhân lực KH&CN, phát triển chương trình giáo dục STEM, AI, Robotics, đồng thời hoàn thiện và triển khai Đề án Khu công nghệ cao thành phố gắn với dự án Trung tâm Dữ liệu AI tại Huế; Trung tâm KNĐMST thành phố; Khu Công nghệ thông tin tập trung (IT Park)... Đây là những nền tảng quan trọng để Huế không chỉ trở thành “đất học” mà còn là trung tâm KNĐMST hàng đầu của khu vực.

Không phải ngẫu nhiên Huế được ghi nhận là một trong những địa phương tiêu biểu về KNĐMST. Với cách tiếp cận đặt doanh nghiệp làm trung tâm, kết nối chính sách với thực tiễn và hành động đồng bộ từ cấp sở đến cấp thành phố, Huế đang dần định hình một mô hình KNĐMST mang bản sắc riêng, nơi công nghệ, tri thức và di sản được tích hợp thành giá trị phát triển mới. Trong bối cảnh cả nước tăng tốc thực hiện các nghị quyết lớn về KHCN và kinh tế tư nhân, cách làm của Huế cho thấy một hướng tiếp cận cụ thể và thực chất. Hướng tiếp cận này một khi thành công sẽ có thể tham khảo và vận dụng phù hợp ở nhiều địa phương khác.

Bài, ảnh: Đinh Văn

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/chinh-quyen-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-155466.html