Xây dựng môi trường pháp lý minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Vấn đề thể chế pháp lý gây cản trở năng lực sản xuất
Mới đây tại Hội thảo "Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh và kiến nghị", nhiều hiệp hội, ngành hàng, đại diện các doanh nghiệp đã lên tiếng về những khó khăn do vướng mắc thủ tục hành chính bất hợp lý như cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm lĩnh vực an toàn thực phẩm, hoàn thuế nhập khẩu…
Về vấn đề thể chế pháp lý gây cản trở năng lực sản xuất được nhìn nhận một cách sâu sắc từ cả góc độ quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên Chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam chia sẻ những điểm nghẽn, đặc biệt là sự chồng chéo và thời gian xử lý kéo dài của một số thủ tục quan trọng, gây khó khăn đáng kể cho nhà đầu tư. Chẳng hạn như sự chồng chéo và thiếu nhất quán giữa các Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường…; các vướng mắc liên quan đến chính sách thuế, thủ tục hải quan…
Qua đó, ông Chung kiến nghị khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định, thông tư có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và minh bạch, mục tiêu là tạo ra một quy trình liên thông, rút ngắn tối đa thời gian cho nhà đầu tư.
Đồng thời nghiên cứu và xây dựng một nền tảng cơ sở dữ liệu pháp lý quốc gia tập trung, dễ dàng tra cứu, cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh để doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin một cách thuận tiện và chính xác nhất.
Đặc biệt, việc xây dựng một hệ thống "một cửa pháp lý" sẽ là điều kiện cần để cải cách từ quy trình đến cơ chế. Theo ông Chung, nếu các bước cấp phép được số hóa và tích hợp, sẽ tạo ra quy trình minh bạch, giảm chi phí thủ tục và thúc đẩy niềm tin đầu tư vào Việt Nam.
Trong khi đó, ông Lê Bá Nam Anh, Giám đốc Chiến lược & Phát triển Masan Group, cho biết ngành khoáng sản đang đối mặt với chi phí thuế, phí chiếm tới 40%–60% doanh thu, cao hơn nhiều so với mức trung bình quốc tế từ 3%–8%. Nguyên nhân được ông chỉ ra là do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, thậm chí có quy định đối nghịch nhau.
Cụ thể, doanh nghiệp phải cùng lúc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (theo Luật Địa chất và khoáng sản 2024) và thuế tài nguyên (theo Luật Thuế Tài nguyên 2009). "Bản chất là một, nhưng quy định lại nằm ở hai luật khác nhau, gây trùng lặp và còn khó khăn cho doanh nghiệp," ông Nam Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các sản phẩm chế biến sâu, đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ về nâng cao giá trị tài nguyên nhưng lại phải chịu thuế xuất khẩu cao hơn hoặc ngang bằng với sản phẩm thô, đi ngược với Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngoài ra, theo Nghị định 181/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế Giá trị gia tăng, nhiều sản phẩm khoáng chế biến sâu khi xuất khẩu lại không được hoàn thuế giá trị gia tăng, khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt giảm sút trên thị trường quốc tế. Do vậy, tất cả những điều này cần được sửa đổi đồng bộ cùng với Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 để tạo ra một hành lang pháp lý hiệu quả, thúc đẩy khai thác bền vững và có giá trị gia tăng cao.
Phối hợp tháo gỡ các "điểm nghẽn" về thể chế
Lắng nghe những vướng mắc của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cho biết, trong suốt thời gian qua, không ít đợt rà soát các khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật đã được tổ chức. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đặc biệt là cách thức vận hành "xin – cho" và "phải có sự đồng thuận giữa các bộ, ngành", việc tháo gỡ luôn gặp vướng mắc ngay từ bước đầu tiên.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú, để quá trình sửa luật hiệu quả, cần tập trung vào các điểm nghẽn thực sự, thay vì chỉ loay hoay với những vụ việc cá biệt. "Vướng mắc của vụ việc cụ thể thì có cơ chế xử lý riêng. Còn ở đây là các vướng mắc xuất phát từ chính quy định của pháp luật cần có quyết tâm và trọng tâm, trọng điểm để tháo gỡ", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú nói.
Được biết, Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật đang tiến hành rà soát, thu thập các khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đề xuất các phương án xử lý. Đây là cơ hội để sửa đổi, hoàn thiện pháp luật một cách thiết thực nhất.
Sự quyết tâm và đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong cải cách thể chế, đặc biệt là hệ thống pháp luật kinh doanh đã thể hiện rất rõ. Mục tiêu là xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, ổn định và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Vấn đề bây giờ là thực thi, là khẩn trương rà soát và tháo gỡ khó khăn do quy định pháp luật gây ra.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú khẳng định, Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu rõ ràng, phải cơ bản tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý trong năm 2025. Từ nay đến cuối năm, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp đề xuất sửa đổi các luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch... để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2025. Đối với các vấn đề cấp bách, có thể áp dụng cơ chế đặc biệt thông qua Nghị quyết của Chính phủ.
Diệu Anh
Nguồn: https://baochinhphu.vn/xay-dung-moi-truong-phap-ly-minh-bach-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-102250715123748513.htm
Bình luận (0)