Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) nghiên cứu và bắt đầu sản xuất thử nghiệm nhiên liệu hàng không bền vững. Ảnh: LC
Với mức tăng trung bình khoảng 2.500 MW/năm theo Quy hoạch điện VIII, ngành năng lượng đang đối mặt với hàng loạt thách thức, như thiếu hụt nguồn cung trung hạn, lưới truyền tải quá tải cục bộ, cơ chế phát triển điện khí LNG còn nhiều điểm nghẽn, phát triển điện gió ngoài khơi vẫn đang trong giai đoạn đặt nền móng...
Trước những yêu cầu cấp thiết đó, Petrovietnam không chỉ tập trung vào điện khí và điện gió ngoài khơi mà còn triển khai hàng loạt sáng kiến nhằm giảm phát thải và thúc đẩy chuyển đổi xanh trong toàn bộ chuỗi giá trị tại các đơn vị thành viên.
Tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã triển khai hàng chục giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu suất năng lượng, giúp tiết kiệm gần 10 triệu USD/năm. Đáng chú ý, BSR đã nghiên cứu và bắt đầu sản xuất thử nghiệm nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) - một trong những bước đi tiên phong trong lộ trình Net Zero của ngành công nghiệp chế biến dầu khí Việt Nam.
Trong lĩnh vực phát điện, PV Power đang xúc tiến đầu tư nhiều dự án năng lượng tái tạo mới; như điện mặt trời lòng hồ, điện gió, điện rác và thủy điện nhỏ, phát triển các sản phẩm năng lượng mới như pin lưu trữ, hydrogen... nhằm đón đầu xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Bên cạnh đó, các nhà máy điện hiện hữu của PV Power được lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái để phục vụ tiêu dùng nội bộ, từng bước chuyển đổi vận hành theo hướng xanh hóa.
Nhìn từ góc độ hệ thống, các dự án điện khí và năng lượng tái tạo do Petrovietnam triển khai đã và đang bổ sung đáng kể công suất mới cho hệ thống điện quốc gia; góp phần trực tiếp giải bài toán thiếu hụt công suất nguồn cung. Đồng thời, việc bố trí các dự án tại miền Nam, Tây Nam Bộ, Bắc Trung Bộ giúp giảm áp lực cho hệ thống truyền tải Bắc - Nam vốn đang quá tải cục bộ, đặc biệt vào cao điểm mùa khô.
Đáng chú ý, Petrovietnam thực hiện hầu hết các dự án lớn bằng nguồn vốn tự chủ, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ. Điều này khẳng định năng lực tài chính, quản trị dự án cũng như sự chủ động của Tập đoàn trong triển khai chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Petrovietnam cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các tập đoàn hàng đầu như Aramco, ADNOC, TotalEnergies... trong lĩnh vực LNG, CCS/CCUS và điện gió ngoài khơi, mở rộng không gian hợp tác, thu hút đầu tư và tiếp cận công nghệ tiên tiến.
Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng trở thành yêu cầu bắt buộc và cấp bách, Petrovietnam không chỉ giữ vai trò then chốt trong bảo đảm an ninh năng lượng, mà còn tiên phong trong định hình hệ sinh thái năng lượng mới, góp phần giải quyết bài toán tăng trưởng điện 2.500 MW/năm của đất nước; đồng thời đặt nền móng cho nền kinh tế phát thải thấp, tự chủ về năng lượng và có sức cạnh tranh toàn cầu trong tương lai gần.
Nguồn:https://daibieunhandan.vn/petrovietnam-da-dang-phat-trien-cac-loai-hinh-nang-luong-moi-10379712.html
Bình luận (0)