Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Xanh hóa' là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững ngành du lịch

Du lịch xanh không còn là một khái niệm xa lạ hay một lựa chọn thị trường ngách mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch03/07/2025

'Xanh hóa' là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững ngành du lịch - Ảnh 1.

Các chuyên gia tại toạ đàm “Du lịch xanh - môi trường - sức khoẻ" vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh đã cho rằng du lịch xanh gắn với môi trường và sức khỏe là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững.

Nhiều tiềm năng phát triển

Tại toạ đàm “Du lịch xanh - môi trường - sức khoẻ" vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia ngành du lịch đã cho rằng du lịch xanh gắn với môi trường và sức khỏe là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực và xây dựng một thương hiệu quốc gia khác biệt, hành trình "xanh hóa" này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các chuyên gia và chính du khách.

Trong bối cảnh xã hội đối mặt với ô nhiễm, biến đổi khí hậu và áp lực cuộc sống ngày càng gia tăng, nhu cầu tìm về với thiên nhiên để "chữa lành" và tái tạo năng lượng đã trở nên cấp thiết. Đây không chỉ là cảm nhận chủ quan mà đã được chứng minh qua sự thay đổi rõ rệt trong hành vi của du khách.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã nhận đình rằng, xu hướng tiêu dùng xanh đang dẫn dắt thị trường. “Khoảng 34% du khách sẵn sàng chi trả thêm kinh phí để lưu trú tại các cơ sở áp dụng chương trình xanh và khoảng 50% sẵn sàng lựa chọn những doanh nghiệp lữ hành có đóng góp cho sự phát triển du lịch cộng đồng. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp gia tăng khách hàng và doanh thu”, ông Nguyễn Trùng Khánh dẫn chứng từ một báo cáo nghiên cứu.

'Xanh hóa' là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững ngành du lịch - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam chia sẻ tại hội thảo.

Nhìn nhận sâu hơn về giá trị xã hội, Tiến sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng bộ môn Du lịch phân hiệu Khánh Hòa (Đại học Tôn Đức Thắng) cho rằng du lịch xanh mang lại những giá trị không thể đong đếm. “Du lịch xanh đưa con người trở về với thiên nhiên trong lành, yên tĩnh để tái tạo năng lượng giải tỏa căng thẳng và phục hồi sức khỏe tinh thần. Hơn thế nữa, nó còn khơi gợi tình yêu môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội và góp phần phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững mà không phải đánh đổi bằng môi trường”, Tiến sĩ Phạm Thái Sơn phân tích.

Từ nền tảng của du lịch xanh, các chuyên gia tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển các sản phẩm cao cấp hơn như "du lịch trị liệu" (therapeutic tourism). Tiến sĩ Phạm Thái Sơn khẳng định: “Việt Nam sở hữu lợi thế kép từ tài nguyên thiên nhiên đa dạng và nền văn hóa truyền thống sâu sắc. Chỉ cần lồng ghép các hoạt động như thiền, yoga, y học cổ truyền, dưỡng sinh... và cả ẩm thực sạch vào sản phẩm du lịch thì sẽ tăng vị thế cạnh tranh với du lịch quốc tế”.

Để khai thác tiềm năng này, ông đề xuất một lộ trình bài bản, bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng chuyên biệt, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (chuyên gia trị liệu, bác sĩ, đầu bếp…), xây dựng sản phẩm đặc thù và liên kết chặt chẽ với ngành y tế. “Đặc biệt sau đại dịch COVID-19, du lịch trị liệu là một xu hướng có tiềm năng trở thành một sản phẩm du lịch cao cấp và bền vững sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh khác biệt”, Tiến sĩ Phạm Thái Sơn nhấn mạnh.

'Xanh hóa' là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững ngành du lịch - Ảnh 3.

Tiến sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng bộ môn Du lịch phân hiệu Khánh Hòa (Đại học Tôn Đức Thắng) trao đổi tại hội thảo.

Minh chứng rõ nét cho sự chuyển dịch của thị trường là cách mà các doanh nghiệp tiên phong đang hành động. Ông Nguyễn Dương Trung Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vietourist Holdings (VTD) cho biết: “Công ty chúng tôi đang tập trung xây dựng những sản phẩm du lịch có chiều sâu để đáp ứng đúng nhu cầu ‘chữa lành’ của du khách.

Các chuyến hành trình của chúng tôi không chỉ lồng ghép yoga, thiền, tắm suối giữa thiên nhiên mà còn cho du khách sử dụng thực phẩm xanh, sạch tại địa phương. Chúng tôi đang đầu tư các dự án thực chất như khu du lịch sinh thái và dự án trồng hơn 417 hecta rừng tại Gia Lai nơi du khách có thể tự tay góp một cây xanh. Chúng tôi mong muốn rằng có thể hạn chế tối đa rác thải, kết hợp du lịch cộng đồng để du khách thực sự hòa nhập và để lại những ký ức tốt đẹp khi kết thúc chuyến đi”.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Dù tiềm năng và quyết tâm đã rõ, hành trình phát triển du lịch xanh của Việt Nam vẫn còn đối mặt với không ít rào cản mang tính hệ thống. Từ góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Trùng Khánh đã thẳng thắn chỉ ra mhững hạn chế cần khắc phục, như cơ sở hạ tầng tại nhiều điểm đến còn yếu kém đặc biệt là hệ thống xử lý rác thải, nước sạch; năng lực và nhận thức của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, thiếu nguồn lực và chưa xem đây là lợi thế cạnh tranh; sản phẩm du lịch xanh còn manh mún tự phát, thiếu sức cạnh tranh; công tác truyền thông quảng bá chưa hiệu quả; thiếu bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về du lịch xanh được công nhận rộng rãi và cuối cùng là chất lượng nguồn nhân lực chuyên sâu về du lịch xanh còn rất hạn chế.

Để giải quyết các thách thức trên, các chuyên gia đều đồng tình rằng cần một giải pháp tổng thể, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các bên.

Về mặt chính sách, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề xuất các giải pháp vĩ mô như: Rà soát chính sách khuyến khích ưu tiên đầu tư hạ tầng, xây dựng chương trình đào tạo nhân lực, ban hành chính sách ưu đãi về vốn và tài chính cho doanh nghiệp, tăng cường chuyển đổi số và đẩy mạnh xúc tiến quảng bá...

'Xanh hóa' là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững ngành du lịch - Ảnh 4.

Toàn cảnh sự kiện.

Nhìn nhận về góc độ giáo dục, Tiến sĩ Phạm Thái Sơn nhấn mạnh vai trò của từng mắt xích trong chuỗi giá trị. “Để du lịch xanh không chỉ là một xu hướng nhất thời cần có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các bên liên quan. Cơ quan quản lý nhà nước cần định hướng khuyến khích doanh nghiệp tạo ra sản phẩm cộng đồng địa phương, doanh nghiệp cần tự nguyện tham gia ‘xanh hóa’ hoạt động của mình, các tổ chức giáo dục cần tích hợp kiến thức vào giảng dạy sinh viên ngành du lịch”, Tiến sĩ Phạm Thái Sơn đề xuất.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, du khách cần thay đổi vai trò, không chỉ là người thụ hưởng dịch vụ mà phải trở thành người tham gia tích cực vào quá trình kiến tạo giá trị. Điều này đồng nghĩa với việc du khách sẽ cùng doanh nghiệp và cộng đồng tạo ra những trải nghiệm chất lượng và ý nghĩa hơn.

Hành trình “xanh hóa” ngành du lịch, đặc biệt là hướng tới môi trường và sức khỏe đây là vấn đề không phải của riêng ai mà là trách nhiệm chung để xây dựng một thương hiệu du lịch quốc gia bền vững, nhân văn và thực sự khác biệt trong mắt bạn bè quốc tế.

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/xanh-hoa-la-huong-di-tat-yeu-de-phat-trien-ben-vung-nganh-du-lich-20250703140324232.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm