Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gắn phát triển OCOP với du lịch trải nghiệm

UBND huyện Cát Hải và các sở, ngành TP Hải Phòng đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch, nhằm nâng cao giá trị nông sản đặc trưng của huyện đảo và thúc đẩy du lịch trải nghiệm.

Báo Hải PhòngBáo Hải Phòng01/07/2025

cat-hai.jpg
Khách du lịch quốc tế thích thú với sản phẩm OCOP nước mắm của huyện Cát Hải

Quảng bá đặc sản địa phương

Trong lần thứ hai đến Cát Bà, thay vì lựa chọn các sản phẩm du lịch biển đảo quen thuộc, gia đình chị Nguyễn Thị Thơm (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) trải nghiệm tour "Một ngày làm người nuôi ong" tại Hợp tác xã Mật ong rừng Cát Bà.

Chuyến đi mang đến nhiều thú vị khi các thành viên được hướng dẫn cách chăm sóc đàn ong, thu hoạch và thưởng thức mật ong nguyên chất giữa thiên nhiên xanh mát. Đây là một trong những mô hình thành công, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là các đoàn khách quốc tế và học sinh, sinh viên, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm mật ong Cát Bà lên nhiều lần.

Theo Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Cát Hải Phạm Trí Tuyến, tính đến tháng 3/2025, toàn huyện có 31 sản phẩm OCOP cấp thành phố (được xếp hạng từ 3 đến 4 sao).

Những sản phẩm này không chỉ bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, mà còn mang đậm yếu tố văn hóa, địa lý đặc trưng. Trong đó, mật ong Cát Bà và nước mắm Cát Hải là hai sản phẩm được khai thác hiệu quả trong hoạt động du lịch. Thay vì chỉ bán sản phẩm như hàng hóa thông thường, nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp trên đảo kết hợp sản xuất với du lịch trải nghiệm.

Du khách đến Cát Bà không chỉ tham quan, mà còn có thể hóa thân thành người dân địa phương, trực tiếp tham gia vào quy trình sản xuất như khai thác mật ong rừng, làm nước mắm truyền thống...

Những hoạt động này mang đến trải nghiệm độc đáo, tạo dấu ấn khó quên cho du khách, đồng thời giúp họ hiểu sâu sắc hơn về giá trị sản phẩm cũng như tiềm năng tự nhiên, văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây.

Hiện UBND huyện đang tích cực phối hợp Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) tiến hành khảo sát các sản phẩm hàng hóa ưu tiên hỗ trợ xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn huyện năm 2025 đối với các sản phẩm như cua bể Phù Long, dê và mật ong Cát Bà, gà Trân Châu, cam xã Gia Luận... Qua đó, mở ra cơ hội phát triển thêm các sản phẩm du lịch trải nghiệm, sinh thái gắn liền với các sản phẩm OCOP đặc trưng của quần đảo Cát Bà.

Khơi thông chuỗi giá trị sản xuất, du lịch, thương mại

Trong những năm gần đây, du lịch Cát Bà đang có những chuyển biến mạnh mẽ, trở thành điểm đến hấp dẫn hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế mỗi năm. Sự phát triển của du lịch chính là cơ hội "vàng" để các sản phẩm OCOP vươn xa, không chỉ trên thị trường nội địa, mà còn tiếp cận du khách quốc tế.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Cát Hải nói chung và quần đảo Cát Bà nói riêng vẫn đối mặt với một số thách thức như chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, thiếu nhân lực có chuyên môn và áp lực về môi trường.

Trong đó, một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất vẫn mang tính thủ công, thiếu máy móc hiện đại. Việc xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm đòi hỏi người dân không chỉ làm ra sản phẩm tốt mà còn cần có kỹ năng giao tiếp, thuyết minh và đón tiếp khách. Đây cũng chính là điểm yếu của nhiều nông dân hoặc các cơ sở sản xuất chưa được đào tạo bài bản về du lịch.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Hoàng Trung Cường, để đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP, chính quyền huyện đang tích cực phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố tăng cường đào tạo và chuyển giao công nghệ cho người dân, nhất là kỹ năng giao tiếp, thuyết minh du lịch và quản lý chất lượng sản phẩm.

UBND huyện đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng du lịch nông nghiệp, xây dựng các điểm dừng chân trải nghiệm OCOP trong các tour sinh thái tại các xã như Trân Châu, Gia Luận, Phù Long... Huyện tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị, khuyến khích mô hình hợp tác xã và doanh nghiệp OCOP phối hợp với các công ty lữ hành để đưa sản phẩm vào các tour du lịch. Đồng thời, tăng cường truyền thông, quảng bá sản phẩm OCOP, tận dụng các nền tảng số như mạng xã hội và sàn thương mại điện tử để lan tỏa thương hiệu sản phẩm.

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch tại khu vực Di sản thiên nhiên thế giới là mô hình kết hợp hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và sinh thái. Đây không chỉ là hướng đi mang lại giá trị kinh tế cho người dân mà còn là cách hiệu quả để quảng bá hình ảnh du lịch Cát Bà đến bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời phù hợp mục tiêu phát triển du lịch xanh trên đảo, phát triển kinh tế nông thôn gắn với du lịch trải nghiệm bền vững, đậm đà bản sắc địa phương.

NGUYỄN DƯƠNG

Nguồn: https://baohaiphongplus.vn/gan-phat-trien-ocop-voi-du-lich-trai-nghiem-415389.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm