Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đầu tư hệ thống giao thông xứng tầm với TP Hải Phòng sau hợp nhất

Sau hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng, yêu cầu đặt ra là đầu tư mới, nâng cấp các tuyến giao thông kết nối tương xứng với tầm vóc, vị thế của thành phố mới.

Báo Hải PhòngBáo Hải Phòng01/07/2025

cau-dinh.jpeg
Đường dẫn cầu Dinh kết nối tỉnh Hải Dương (cũ) với trung tâm TP Hải Phòng

Khẳng định vị trí cửa ngõ

Là thành phố ven biển, Hải Phòng giữ vai trò đầu mối giao thông chiến lược với lợi thế hiếm có khi hội tụ đầy đủ 5 loại hình vận tải: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không.

Trong khi đó, Hải Dương là địa phương nằm phía tây TP Hải Phòng, nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, được định hướng trở thành đầu mối logistics của vùng đồng bằng sông Hồng.

Sau khi hợp nhất Hải Dương và Hải Phòng, không gian phát triển mở rộng, giao thông giữa hai địa phương bổ trợ lẫn nhau và phát huy tối đa thế mạnh, tạo động lực quan trọng để Hải Phòng trở thành trung tâm kết nối giao thông liên vùng và liên quốc gia.

Hiện tại, hệ thống kết nối nội vùng Hải Dương - Hải Phòng có đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Về đường bộ, ngoài 2 tuyến trục chính là quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, còn có hàng loạt các hạ tầng kết nối khác như cầu Dinh, cầu Quang Thanh, quốc lộ 17 B, quốc lộ 10, quốc lộ 37… Cùng với đó, TP Hải Phòng còn có Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, hệ thống đường sắt kết nối hai hàng lang, một vành đai kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc…

cau-quang-thanh.jpeg
Cầu Quang Thanh kết nối tỉnh Hải Dương (cũ) và TP Hải Phòng (cũ)

Mấy năm gần đây, Hải Phòng và Hải Dương đã phối hợp triển khai nhiều dự án kết nối giao thông liên vùng như cải tạo, nâng cấp quốc lộ 17B, quốc lộ 37 đoạn qua TP Hải Phòng… Hải Dương cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 390 đoạn từ cầu Hợp Thanh đến cầu Quang Thanh; xây dựng đường nối quốc lộ 17B với cầu Dinh và xây dựng tuyến đường nối quốc lộ 17B (Hải Dương) với đường tỉnh 352 (TP Hải Phòng), đoạn từ quốc lộ 17B đến đê sông Kinh Thầy (Kinh Môn)…

Thực tế hiện nay lưu thông giữa Hải Dương (cũ) và trung tâm TP Hải Phòng chủ yếu qua quốc lộ 5. Tuyến đường có lưu lượng xe lớn, vượt khoảng 5 - 6 lần thiết kế, nhiều giao cắt cùng mức, chưa hoàn thiện hệ thống đường gom, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có năng lực vận hành tốt nhưng ít điểm tiếp cận tại các nút giao đầu mối, chi phí cao…

Thực tế này đặt ra yêu cầu cần sớm nghiên cứu đầu tư các trục kết nối mới nối vùng Hải Dương (cũ) - Hải Phòng nhằm giảm tải cho quốc lộ 5, đồng thời mở ra không gian phát triển mới, phục vụ mục tiêu phát triển đô thị hiện đại, đồng bộ sau khi hai địa phương đã chính thức hợp nhất. Yêu cầu đặt ra là việc đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến kết nối hiện hữu và nghiên cứu các tuyến đường chiến lược với quy mô tương xứng với vị thế, tầm vóc của thành phố sau hợp nhất.

Hiện đại, đồng bộ

Hiện nay, nhiều dự án hạ tầng giao thông chiến lược với quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ hướng đến mục tiêu liên kết nội vùng và đối ngoại đang được đề xuất triển khai.

Đó là các dự án đầu tư xây dựng đường gom quốc lộ 5 trên địa bàn TP Hải Phòng mới; nâng cấp, mở rộng tuyến đường kết nối qua cầu Dinh; nâng cấp, mở rộng tuyến đường hai bên kết nối qua cầu Quang Thanh; kết nối từ đường tỉnh 352, Hải Phòng (cũ) đến quốc lộ 17B, Kinh Môn (cũ) qua sông Hàn - Cấm (nhánh sông Kinh Thầy); cải tạo, mở rộng tuyến đường từ liên tỉnh Thủy Nguyên - Kinh Môn (cũ) đoạn từ cầu Dinh đến đường tỉnh 352; đầu tư tuyến đường trục kết nối từ vành đai 1 (đường dẫn cầu Bùi Thị Xuân), thuộc địa phận TP Hải Dương cũ đến nút giao giữa quốc lộ 10 với đường Nguyễn Trường Tộ, quận An Dương, TP Hải Phòng (cũ); phương án kết nối giao thông từ sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) đến cảng Lạch Huyện...

cao-toc.jpeg
Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Hải Dương (cũ)

Việc đầu tư các dự án giao thông kết nối không chỉ mang ý nghĩa về hạ tầng kỹ thuật, mà còn là biểu tượng cho tầm nhìn chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý là đề xuất xây dựng tuyến đường trục kết nối từ đường vành đai 1, thuộc địa phận vùng Hải Dương cũ đến nút giao giữa quốc lộ 10 và đường Nguyễn Trường Tộ (TP Hải Phòng cũ). Tuyến đường này có tổng chiều dài khoảng 23,4 km, từ 8 - 10 làn xe. Đây dự kiến là trục giao thông tốc độ cao, có ý nghĩa chiến lược trong kết nối nội vùng sau hợp nhất.

Phương án kết nối từ sân bay Gia Bình đến cảng Lạch Huyện cũng đang được nghiên cứu. Trong đó, phương án có quy mô lớn nhất đề xuất xây dựng tuyến đường có chiều rộng từ 50,5 m - 68m, quy mô 6 - 8 làn xe, tổng chiều dài từ 82,8 - 85,6 km. Khi hoàn thành, tuyến hành lang này không chỉ đóng vai trò then chốt trong mạng lưới logistics của vùng đồng bằng sông Hồng, mà còn là đòn bẩy chiến lược giúp Hải Phòng mới kết nối giao thương, phát triển kinh tế - xã hội 2 vùng đất cũ.

Giao thông được ví là “mạch máu” của nền kinh tế. Với quyết tâm cao, định hướng chiến lược, bền vững, việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại sẽ giúp TP Hải Phòng mới phát triển mạnh mẽ hơn, khẳng định vị trí cửa ngõ về hàng hải, hàng không, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế quốc gia.

HÀ NGA

Nguồn: https://baohaiphongplus.vn/dau-tu-he-thong-giao-thong-xung-tam-voi-tp-hai-phong-sau-hop-nhat-415350.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm