Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chạm vào bản sắc Hậu Giang qua mỗi sản phẩm OCOP

Với định hướng phát triển sản phẩm OCOP không chỉ về số lượng mà còn về chiều sâu giá trị, Hậu Giang đang từng bước khai thác bản sắc vùng miền như một lợi thế cạnh tranh.

Báo Hậu GiangBáo Hậu Giang03/07/2025


Chạm vào bản sắc Hậu Giang qua mỗi sản phẩm OCOP .mp3

Với định hướng phát triển sản phẩm OCOP không chỉ về số lượng mà còn về chiều sâu giá trị, Hậu Giang đang từng bước khai thác bản sắc vùng miền như một lợi thế cạnh tranh. Các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được xây dựng trong năm 2025 chính là một trong những giải pháp cụ thể hóa định hướng này.

Chủ thể OCOP tỉ mỉ trong từng công đoạn sản xuất, gửi gắm câu chuyện vào mỗi sản phẩm.

Thực tiễn triển khai Chương trình OCOP tại Hậu Giang cho thấy, phần lớn các sản phẩm đều đạt chất lượng tốt, mang đậm yếu tố đặc trưng địa phương như khóm Cầu Đúc, cá thát lát rút xương, rượu truyền thống, mật ong, các sản phẩm thủ công từ lục bình… Tuy nhiên, nhiều sản phẩm vẫn chưa tạo được dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường do thiếu không gian giới thiệu phù hợp, chưa truyền tải hết được giá trị văn hóa và câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm.

Từ thực tế đó, Sở Công thương tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh trong năm 2025. Không chỉ hướng đến mục tiêu xúc tiến thương mại, điểm bán sản phẩm OCOP còn được định hướng trở thành nơi quảng bá giá trị văn hóa địa phương thông qua sản phẩm tiêu dùng đặc trưng.

Ông Nguyễn Hữu Ái, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh: “Chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ các chủ thể tiêu thụ sản phẩm, mà còn mong muốn sản phẩm đó được kể câu chuyện của vùng đất đã sinh ra nó. Các điểm OCOP sẽ là không gian để sản phẩm thể hiện giá trị thật của mình, không chỉ qua bao bì, mà còn qua nguồn gốc, quy trình và tinh thần văn hóa đằng sau”.

Cụ thể, tại các điểm OCOP, các sản phẩm tham gia trưng bày không chỉ đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, bao bì, truy xuất nguồn gốc mà còn được giới thiệu với nội dung đính kèm liên quan đến nơi sản xuất, quy trình chế biến truyền thống, câu chuyện thương hiệu của chủ thể. Đây là giải pháp nhằm tăng tính khác biệt, giúp sản phẩm OCOP của tỉnh có “dấu ấn riêng” giữa thị trường có nhiều sản phẩm cùng loại đến từ các địa phương khác.

Tại đây, người tiêu dùng không chỉ đến mua hàng mà còn có thể tìm hiểu về sản phẩm thông qua mã QR, thông tin minh bạch về quy trình sản xuất, chứng nhận chất lượng, hoặc trải nghiệm trực tiếp sản phẩm tại chỗ. Sự kết hợp giữa yếu tố hiện đại và văn hóa bản địa giúp nâng cao trải nghiệm mua sắm, đồng thời tăng tính kết nối giữa sản phẩm và khách hàng.

Chị Huỳnh Thị Tú Ngọc, Chủ cửa hàng nông sản OCOP Thuận Phát, chia sẻ: “Trước đây chúng tôi chỉ bán lẻ quanh vùng, hoặc bán theo đơn đặt hàng dịp lễ, tết. Khi được chọn làm điểm trưng bày chính thức, tôi thấy đây không chỉ là cơ hội kinh doanh, mà còn là cách để sản phẩm mình được nhìn nhận đúng giá trị. Khách đến mua có thể biết rõ sản phẩm từ đâu, do ai làm, quy trình ra sao. Đây là điều mà các kênh bán hàng thông thường rất khó thực hiện”.

Không dừng lại ở việc tiêu thụ, các điểm OCOP còn có tiềm năng trở thành nơi kết nối với du lịch, giáo dục và cộng đồng. Khi kết hợp điểm bán sản phẩm OCOP với các tour du lịch sinh thái, làng nghề, hay chương trình trải nghiệm cho học sinh, sinh viên thì giá trị của sản phẩm OCOP sẽ không chỉ dừng lại ở giao dịch thương mại, mà còn lan tỏa thành ý thức tiêu dùng có trách nhiệm, niềm tự hào về sản phẩm quê hương.

Việc tổ chức điểm OCOP bài bản cũng tạo điều kiện thuận lợi để kết nối với các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản an toàn, hoặc thương mại điện tử. Từ đó mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm địa phương và các chủ thể sản xuất kinh doanh.

Như vậy, việc xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là một bước đi phù hợp với định hướng phát triển sản phẩm nông thôn gắn với giá trị văn hóa đặc trưng của tỉnh. Ở đó, mỗi sản phẩm không chỉ đơn thuần là hàng hóa được chứng nhận, mà còn là “đại diện” cho một vùng đất, một nghề truyền thống, một câu chuyện sản xuất mang dấu ấn địa phương. Khi được trưng bày, giới thiệu trong không gian bài bản, mỗi mặt hàng OCOP sẽ có thêm cơ hội để khẳng định mình trên thị trường, không chỉ bằng chất lượng mà bằng sự khác biệt, tính bản địa và cảm nhận, mà sản phẩm đó mang lại cho người tiêu dùng.

Hơn cả là một mô hình hỗ trợ tiêu thụ, điểm OCOP đang được kỳ vọng trở thành “điểm chạm” bản sắc quê hương, đồng thời tạo sự kết nối giữa sản phẩm truyền thống với nhu cầu tiêu dùng hiện đại. Đây chính là hướng đi dài hạn, thể hiện tư duy phát triển kinh tế nông thôn một cách bền vững và có chiều sâu. Với sự đầu tư nghiêm túc, cách làm chuyên nghiệp và sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp, OCOP Hậu Giang hoàn toàn có thể vươn xa hơn, không chỉ trên thị trường trong nước mà còn từng bước hội nhập với thị trường khu vực, để giá trị địa phương lan tỏa rộng rãi và lâu dài.

Y.LINH

Nguồn: https://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/cham-vao-ban-sac-hau-giang-qua-moi-san-pham-ocop-142499.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm