Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Nguyễn Quang Khải, người đã xuất bản nhiều đầu sách về Phật giáo Bắc Ninh chia sẻ: Nói về Phật giáo và chùa tháp Bắc Ninh thì không thể không nhắc đến chùa Dâu. Vùng Dâu - Luy Lâu là nơi đầu tiên Phật giáo được truyền vào nước ta. Có rất nhiều nhân duyên khác nhau mà ngay từ buổi đầu Công nguyên, các tăng sĩ nước ngoài (Ấn Độ, Trung Á, Trung Quốc...) đã chọn vùng Dâu - Luy Lâu để hành đạo và học đạo: Có thể họ theo các thuyền buôn của thương nhân đến như tăng sĩ Khâu Đà La, Ma Ha Kỳ Vực; cũng có thể họ sang Luy Lâu để tránh loạn đang xảy ra ở bản quốc như trường hợp của Mâu Tử; hoặc còn nguyên nhân khác là họ theo cha mẹ sang đất Giao Châu để buôn bán như trường hợp của Khương Tăng Hội...
Di tích quốc gia đặc biệt chùa Dâu (phường Trí Quả). |
Giáo lý nhà Phật hướng con người đến từ bi, lương thiện, yêu thương, nhân ái, trong khi đó tín ngưỡng bản địa vùng Dâu - Luy Lâu đề cao nếp sống "một sự nhịn, chín sự lành", "một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ", "thương người như thể thương thân"... Chính bởi điểm tương đồng đó nên khi Phật giáo truyền vào Luy Lâu đã nhanh chóng hòa hợp, dung hội và tiếp biến để tạo nên bản sắc văn hóa Việt mang đậm tinh thần bao dung, hòa ái. Vùng đất Dâu - Luy Lâu không chỉ là điểm khởi nguồn Phật giáo mà còn là nơi Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo cùng hội tụ, cùng thấm vào đời sống người Việt với những giá trị nhân sinh sâu sắc.
Trải bao biến thiên lịch sử, chùa Dâu vẫn giữ nguyên vị thế trung tâm Phật giáo của cả nước. Vào thời Trần, chùa Dâu được Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cho trùng tu quy mô lớn với kiến trúc "chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp". Đến thời Lê Trung Hưng, chùa được các quý tộc, quan lại triều đình cùng nhân dân địa phương trùng tu và mở rộng quy mô lớn theo kiến trúc “nội công ngoại quốc” gồm các công trình như: Tam quan, tiền thất, tháp Hoà Phong, tiền đường, hậu đường, nhà tổ, nhà mẫu, khu vườn tháp…
Càng đi sâu tìm hiểu, tôi càng hiểu vì sao người xưa gọi Bắc Ninh là đất thiêng. Không chỉ bởi sử sách, mà bởi nơi đây có những ngôi chùa trầm mặc như những chiếc gương cổ phản chiếu chiều sâu văn hóa Việt, nơi con người tìm thấy mình trong sự tĩnh tại, an yên. Đến chùa không phải để khẩn cầu mà để lắng nghe lòng mình, để hiểu rằng giữa vòng quay gấp gáp vẫn còn đó những miền yên tĩnh cho ta trở về... |
Ngày nay, chùa Dâu cơ bản vẫn giữ được kiến trúc xưa. Ngay giữa sân chùa, tháp Hòa Phong vươn cao trầm mặc. Dưới bóng tháp sừng sững cảm nhận như có một dòng chảy vô hình lan tỏa sự tĩnh lặng vào từng hơi thở. Tháp Hòa Phong xây gạch, hình vuông, cao 15 m gồm 3 tầng đồ sộ. Tầng dưới cùng, bên trong đặt bốn tượng Kim Cương ở bốn góc, phía trên treo chuông đồng và khánh đồng. Phía ngoài chân tháp có hai cổ vật quý, đó là tượng cừu đá, dấu tích của văn hóa miền Trung Á và tấm bia Hòa Phong tháp Cổ Châu Diên Ứng tự. Mỗi cổ vật là một "chứng nhân" lặng lẽ kể lại hành trình tồn tại của ngôi chùa suốt hàng nghìn năm.
Trung tâm thờ tự của chùa Dâu là tòa Thượng điện có tượng Phật Pháp Vân đặt ở giữa. Tượng Pháp Vân cao gần 2 m, khuôn mặt nữ tính, ánh mắt như đang lắng nghe điều gì từ sâu thẳm nhân gian. Hai bên có tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ; phía dưới là tượng Bà Trắng, Bà Đỏ - truyền rằng là những quý tộc thời Lê-Trịnh có công đức lớn vào việc tu bổ chùa. Những bức tượng này không chỉ là kiệt tác điêu khắc thế kỷ XVIII, mà còn phản ánh sự hòa quyện giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian.
Đặc biệt, chùa Dâu hiện lưu giữ nhiều bộ mộc bản cổ gồm hàng trăm ván khắc được phân thành các bộ khác nhau như: Cổ Châu Phật bản hạnh, Cổ Châu lục, Cổ Châu nghi, Tam giáo... là tư liệu quý hiếm ghi chép về lịch sử Phật giáo Việt Nam. Chính những bản khắc này cho biết Thái thú Sĩ Nhiếp là người cho tạc tượng Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) là bốn vị thần thiên nhiên Mây, Mưa, Sấm, Chớp và dựng bốn chùa để thờ phụng, khởi đầu một dòng chảy tín ngưỡng tâm linh xuyên suốt lịch sử dân tộc. Năm 2024, Mộc bản chùa Dâu niên đại từ 1752-1859 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Giới chuyên gia văn hóa, lịch sử đều khẳng định, từ trung tâm Dâu - Luy Lâu, Phật giáo đã phát triển lan tỏa khắp vùng miền trong cả nước. Các nhà sư sau này đều tiếp nối cội nguồn Phật giáo Luy Lâu làm nền tảng vững chắc cho sự ra đời và phát triển Phật giáo về sau, đặc biệt là thiền phái Trúc Lâm. Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử vừa tiếp thu tinh hoa quá khứ, vừa tổng hợp được những cống hiến của thời đại, mở ra một phong trào học Phật mang tinh thần nhập thế, gắn liền với đời sống nhân dân và tinh thần yêu nước, thương dân, góp phần làm nên bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam.
Càng đi sâu tìm hiểu càng hiểu vì sao người xưa gọi Bắc Ninh là đất thiêng. Không chỉ bởi sử sách, mà bởi nơi đây có những ngôi chùa trầm mặc như những chiếc gương cổ phản chiếu chiều sâu văn hóa Việt, nơi con người tìm thấy mình trong sự tĩnh tại, an yên. Đến chùa không phải để khẩn cầu mà để lắng nghe lòng mình, để hiểu rằng giữa vòng quay gấp gáp vẫn còn đó những miền yên tĩnh cho ta trở về... Sức sống của thiền là nội tâm, không phải ở hình thức bên ngoài và mạch nguồn Phật giáo vẫn không ngừng được nuôi dưỡng trong tâm thức người Việt như thế.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/ve-chon-to-dinh-phat-giao-viet-nam-postid421703.bbg
Bình luận (0)