Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trưởng Đại diện UNFPA: “Người trẻ không ngại sinh, họ mắc kẹt bởi rào cản"

(Dân trí) - Trưởng Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, bản chất cuộc khủng hoảng sinh sản hiện nay nằm ở chỗ quyết định sinh của các cá nhân đang bị cản trở.

Báo Dân tríBáo Dân trí11/07/2025

Tỷ suất sinh của Việt Nam đã giảm xuống còn 1,91 con/phụ nữ – mức thấp nhất trong lịch sử. 

Cùng lúc, Việt Nam đang đối mặt với tốc độ già hóa nhanh thuộc nhóm hàng đầu thế giới: Dự kiến đến năm 2036, người trên 60 tuổi sẽ chiếm 20% dân số. Những chuyển dịch âm thầm ấy đang đặt ra bài toán lớn về nhân lực, an sinh và tương lai phát triển bền vững.

Điều đáng lo ngại không chỉ nằm ở những con số, mà ở chỗ ngày càng nhiều người không thể sinh con như mong muốn, do bị cản trở bởi áp lực tài chính, định kiến giới, mất cân bằng công việc, cuộc sống...

Nhân Ngày Dân số Thế giới (11/7), phóng viên báo Dân trí đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với ông Matt Jackson - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, để nhìn lại bức tranh nhân khẩu học hiện tại, định hình một hướng tiếp cận chính sách dân số lấy quyền tự quyết sinh sản làm trung tâm, tức đảm bảo mỗi cá nhân có quyền đưa ra quyết định về việc sinh con theo điều kiện và mong muốn của chính mình.

Khát vọng sinh bị bó hẹp

Ông đánh giá thế nào về thực trạng dân số Việt Nam hiện nay, đặc biệt là xu hướng mức sinh ngày càng giảm thấp?

- Việt Nam đang trải qua một quá trình chuyển đổi dân số sâu rộng. Tổng tỷ suất sinh (TFR) đã giảm từ khoảng 5 con/phụ nữ vào những năm 1950, xuống 3,83 vào năm 1989 và hiện còn 1,91 vào năm 2024 - mức thấp nhất trong lịch sử. 

Tuổi trung bình khi sinh con của phụ nữ cũng đã tăng lên khoảng 28-29 tuổi. Đây là một xu hướng phản ánh những thay đổi lớn về mô hình gia đình, điều kiện kinh tế - xã hội và kỳ vọng sống cá nhân của thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại không chỉ nằm ở những con số đơn thuần. Đã đến lúc chúng ta cần xem xét một cách tổng thể và xóa bỏ các rào cản ảnh hưởng đến quyền lựa chọn và mong muốn sinh sản của người dân. 

Trưởng Đại diện UNFPA: “Người trẻ không ngại sinh, họ mắc kẹt bởi rào cản - 1
Trưởng Đại diện UNFPA: “Người trẻ không ngại sinh, họ mắc kẹt bởi rào cản - 2

Nhiều người trẻ vẫn nói rằng họ không muốn có con hoặc hài lòng với việc sinh ít con. Theo nhận định của ông đây là quan điểm cá nhân hay xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa hơn là có nhiều yếu tố khiến người trẻ khó xây dựng gia đình như mong muốn?

- UNFPA đã phối hợp với tổ chức YouGov thực hiện một khảo sát trên 14.000 người tại 14 quốc gia và 5 châu lục để tìm hiểu một thực tế: Liệu người dân có khả năng xây dựng gia đình như mong muốn hay không. 

Kết quả cho thấy, tỷ lệ người trưởng thành không thể thực hiện được ý định sinh sản của mình đang ở mức đáng báo động.

Cứ 5 người dưới 50 tuổi thì có 1 người tin rằng họ sẽ không thể có được số con như mong muốn. Trong số những người đã hoàn tất việc sinh con, 1/3 nói rằng họ có ít con hơn so với kỳ vọng ban đầu.

Do vậy, vấn đề thực sự không phải là tỷ lệ sinh đang giảm, mà là những khát vọng sinh sản chưa được đáp ứng và quyền lựa chọn đang bị từ chối. 

Thế giới của chúng ta đang thay đổi nhanh chóng. Theo dự báo, dân số toàn cầu sẽ đạt đỉnh trong thế kỷ hiện tại, sau đó giảm dần. Điều này có nghĩa là xã hội sẽ tiếp tục thay đổi, với số người cao tuổi tăng lên và lực lượng lao động trẻ ngày càng ít đi.

Trước những biến đổi dân số được xem là tiến thoái lưỡng nan này, trên thế giới, các nhà hoạch định chính sách và chính trị gia ngày càng quan ngại về những kịch bản tận thế và có ý chỉ trích phụ nữ vì đã từ chối điều chỉnh mong muốn sinh sản cá nhân của mình theo các mục tiêu dân số quốc gia.

Tuy nhiên, bản chất cuộc khủng hoảng sinh sản hiện nay nằm ở chỗ quyết định sinh sản của các cá nhân, có sinh hay không, khi nào sinh và sinh con cùng với ai đang bị cản trở một cách nghiêm trọng.

4 rào cản khiến người trẻ Việt "ngại đẻ"

Trưởng Đại diện UNFPA: “Người trẻ không ngại sinh, họ mắc kẹt bởi rào cản - 3

Bản chất cuộc khủng hoảng sinh sản hiện nay nằm ở chỗ quyết định sinh sản của các cá nhân.

Cụ thể, đâu là những rào cản đang khiến nhiều người trẻ Việt Nam cảm thấy việc sinh con trở thành một gánh nặng?

- Có bốn nhóm nguyên nhân chính khiến giới trẻ ngày nay do dự hoặc trì hoãn việc lập gia đình cũng như quyết định sinh con. 

Thứ nhất, là sự bất ổn về kinh tế. Theo Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2025 của UNFPA, hạn chế tài chính là nguyên nhân hàng đầu khiến người dân không thể đạt được số con như mong muốn.

Hơn một nửa số người được khảo sát cho biết, tình trạng thiếu an toàn tài chính, công việc bấp bênh và chi phí nhà ở hoặc chăm sóc trẻ em chính là những rào cản lớn nhất.

Thứ hai, là áp lực từ định kiến giới. Cũng theo báo cáo này, phụ nữ trên toàn cầu vẫn đảm nhận khối lượng công việc không lương liên quan đến chăm sóc và làm việc nhà gấp từ 3 đến 10 lần so với nam giới. 

Ngược lại, nam giới lại chịu định kiến nếu nghỉ làm để chăm con hoặc san sẻ trách nhiệm gia đình, điều này tạo ra một môi trường không bình đẳng cho các cặp đôi trong việc xây dựng tổ ấm.

Trưởng Đại diện UNFPA: “Người trẻ không ngại sinh, họ mắc kẹt bởi rào cản - 4
Trưởng Đại diện UNFPA: “Người trẻ không ngại sinh, họ mắc kẹt bởi rào cản - 5

Thứ ba, là sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Giờ làm việc kéo dài, chế độ nghỉ phép dành cho cha mẹ còn hạn chế và thiếu linh hoạt khiến việc nuôi con trở nên quá tải. 

Trong khi 186 quốc gia có chế độ nghỉ thai sản, chỉ có 122 nước có chế độ nghỉ dành cho người cha, với thời gian trung bình chỉ là 9 ngày.

Cuối cùng, các chuẩn mực văn hóa và vai trò giới có tác động mạnh mẽ đến quyết định sinh sản của mỗi người.

Phụ nữ vẫn bị kỳ vọng phải kết hôn trước một độ tuổi nhất định, sinh con ngay sau khi cưới, ưu tiên chăm sóc gia đình hơn phát triển sự nghiệp hoặc không được nói về các vấn đề như vô sinh, phá thai hay kế hoạch hóa gia đình.

Chúng ta cần hiểu rằng giới trẻ không quay lưng với hôn nhân hay việc có con, họ chỉ đang vật lộn với quá nhiều rào cản. Trong một xã hội mà những lựa chọn ấy trở nên đầy rủi ro cả về kinh tế lẫn tinh thần. 

Trưởng Đại diện UNFPA: “Người trẻ không ngại sinh, họ mắc kẹt bởi rào cản - 6
Thay vì đổ lỗi cho phụ nữ và giới trẻ vì kết hôn muộn hoặc chưa sinh con, điều quan trọng cần đặt ra là: Đâu là những rào cản đang ngăn cản các cặp đôi và cá nhân đạt được số con mà họ mong muốn và chúng ta cần làm gì để tháo gỡ các rào cản đó?
Ông Matt Jackson Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

Nền kinh tế chăm sóc người cao tuổi

Theo ông, liệu Việt Nam có đang đứng trước nguy cơ trở thành một "Nhật Bản thứ hai" - tức là bước vào quá trình già hóa dân số nhanh chóng nhưng trong bối cảnh khác biệt: Nhật Bản bước vào già hóa khi đã là một quốc gia phát triển, còn Việt Nam thì vẫn đang ở ngưỡng thu nhập trung bình thấp?

- Theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc, một quốc gia bước vào giai đoạn dân số “già” khi người trên 60 tuổi chiếm trên 20% tổng dân số. Dự báo, đến năm 2036, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia "già" với trên 20 triệu người từ 60 tuổi trở lên. 

Quá trình này diễn ra rất nhanh, chỉ 25 năm (2011–2036), so với 69 năm ở Mỹ hay 115 năm ở Pháp. Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia già hóa nhanh nhất thế giới. 

Tuy nhiên, việc quốc gia ngày càng có nhiều người cao tuổi không phải là một điều đáng quan ngại mà là một bước tiến vượt bậc liên quan tới kinh tế, xã hội và y tế.

Vấn đề không nằm ở tuổi tác, mà ở cách chúng ta nhìn nhận và tạo điều kiện để người cao tuổi tiếp tục sống có giá trị.

Trưởng Đại diện UNFPA: “Người trẻ không ngại sinh, họ mắc kẹt bởi rào cản - 7

Vấn đề không nằm ở tuổi tác, mà ở cách chúng ta nhìn nhận và tạo điều kiện để người cao tuổi tiếp tục sống có giá trị.

Thực tế ở nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản cho thấy người cao tuổi vẫn có thể làm việc, tham gia vào đời sống xã hội, kinh tế theo cách rất riêng, nếu họ được tạo điều kiện.

Muốn vậy, cần nhấn mạnh hai yếu tố cốt lõi. Thứ nhất là cơ hội học tập suốt đời bao gồm cả tiếp cận công nghệ, đổi mới sáng tạo để người cao tuổi luôn được cập nhật và có ích. 

Thứ hai là hệ thống chăm sóc toàn diện, chuẩn bị cho họ một cuộc sống về già có phẩm giá. Trong văn hóa Việt Nam, người cao tuổi thường sống cùng con cháu.

Điều này đặt gánh nặng lớn lên phụ nữ, những người vừa phải chăm con, vừa chăm cha mẹ.

Vì vậy, chúng ta cần quan tâm xây dựng nền kinh tế chăm sóc người cao tuổi để đảm bảo cho người cao tuổi không trở thành gánh nặng trong gia đình và xã hội. Điều quan trọng là phải lồng ghép công tác chăm sóc, bảo vệ và phát huy vai trò của người cao tuổi vào hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo điều kiện để họ tiếp tục làm việc và đóng góp cho xã hội theo cách rất riêng của mình. 

Cần quan tâm hơn đến nhóm nữ lao động tự do

UNFPA đánh giá như thế nào về các định hướng chính sách đang được đề xuất, đặc biệt liên quan đến việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản lên 7 tháng cho phụ nữ sinh con thứ hai và hỗ trợ nhà ở cho phụ nữ có hai con tại các khu công nghiệp trong dự thảo Luật Dân số đang được Bộ Y tế trình Chính phủ?

- UNFPA đánh giá cao những bước tiến rõ rệt trong dự thảo Luật Dân số, nhấn mạnh quyền sinh sản và sự chủ động của mỗi cá nhân trong các quyết định liên quan đến sinh nở. 

Cụ thể, đề xuất kéo dài thời gian nghỉ thai sản lên 7 tháng cho phụ nữ sinh con thứ hai là tín hiệu tích cực nhằm giảm áp lực kinh tế và gánh nặng chăm sóc có thể ảnh hưởng đến quyết định sinh sản.

Tuy nhiên, chính sách này hiện chỉ thực sự phát huy hiệu quả đối với nhóm lao động chính thức, có hợp đồng và tham gia bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, hơn 60% lao động nữ tại Việt Nam đang làm việc trong khu vực phi chính thức bao gồm lao động tự do, không có hợp đồng hay bảo hiểm và sẽ không thể tiếp cận với quyền lợi tương tự. 

Trưởng Đại diện UNFPA: “Người trẻ không ngại sinh, họ mắc kẹt bởi rào cản - 8
Trưởng Đại diện UNFPA: “Người trẻ không ngại sinh, họ mắc kẹt bởi rào cản - 9

Do đó, nếu muốn chính sách thực sự công bằng và toàn diện, cần có cơ chế đảm bảo quyền lợi cho tất cả các nhóm phụ nữ, bao gồm phụ nữ lao động phi chính thức, phụ nữ dân tộc thiểu số, người di cư và những người có việc làm bấp bênh.

Về chính sách hỗ trợ nhà ở cho phụ nữ sinh đủ hai con, đây là một động thái tích cực nhưng cũng cần được đặt trong bối cảnh tổng thể của hệ sinh thái hỗ trợ. 

Trưởng Đại diện UNFPA: “Người trẻ không ngại sinh, họ mắc kẹt bởi rào cản - 10
Bài học từ nhiều quốc gia cho thấy, các chính sách khuyến sinh mang tính tài chính thường chỉ có tác động ngắn hạn, có thể khiến các cặp đôi điều chỉnh thời điểm sinh con, chứ không tạo ra sự thay đổi đáng kể về tổng số con. 
Ông Matt Jackson Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

UNFPA đưa ra khuyến nghị gì cho các quốc gia đang ở ngã rẽ chuyển đổi nhân khẩu học như Việt Nam? Cần tiếp cận chính sách dân số như thế nào để vừa phù hợp với xu thế toàn cầu, vừa bảo đảm quyền tự quyết của mỗi cá nhân?

- Khi dân số toàn cầu đã chạm mốc 8 tỷ người, thế giới đang cùng lúc đối mặt với hai mối quan tâm lớn: Một là nỗi lo về bùng nổ dân số, hai lại là sự suy giảm mức sinh. Trước những thay đổi ấy, UNFPA đưa ra lời khuyên: Các chính phủ cần đặt con người làm trung tâm trong quá trình hoạch định chính sách, lắng nghe nhu cầu và mong muốn thực tế của họ.

Điều đó có nghĩa là các chính sách cần bảo đảm quyền tự quyết của mỗi cá nhân, từ việc lựa chọn người bạn đời, thời điểm sinh con, số con mong muốn, đến khoảng cách giữa các lần sinh.

Trưởng Đại diện UNFPA: “Người trẻ không ngại sinh, họ mắc kẹt bởi rào cản - 11

Ông Matt Jackson nhận định chính sách cần lấy con người làm trung tâm.

Chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận từ trạng thái lo ngại trước các chỉ số nhân khẩu học sang việc xây dựng khả năng thích ứng và chủ động ứng phó. 

Một chuyển đổi dân số bền vững không nằm ở việc đạt đến mức sinh lý tưởng hay mức sinh thay thế, mà ở việc kiến tạo một xã hội nơi mọi người đều có quyền, có điều kiện để định đoạt tương lai của chính mình.

Dự thảo Luật Dân số là một bước đi đúng hướng nhằm hiện thực hóa tầm nhìn đó và UNFPA luôn sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong hành trình này.

Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Ảnh: Hải Long

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/truong-dai-dien-unfpa-nguoi-tre-khong-ngai-sinh-ho-mac-ket-boi-rao-can-20250710180935964.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm