Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nữ giám đốc 9X và nỗ lực vượt khó trong hành trình khởi nghiệp

Cách đây 2 năm, khi đến phỏng vấn Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại nhà riêng ở Bắc Ninh, lần đầu tiên chúng tôi gặp em Đinh Thị Loan, sinh năm 1990. Khuôn mặt bầu bĩnh, phúc hậu cùng nước da trắng trẻo và thái độ thân thiện của em đã ngay lập tức gây được thiện cảm với chúng tôi.

Báo Quân đội Nhân dânBáo Quân đội Nhân dân11/07/2025

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Qua lời giới thiệu của Đại tướng Phạm Văn Trà, chúng tôi được biết Đinh Thị Loan là con thương binh Đinh Văn Vũ, từng tham gia chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 330, Quân khu 9 do ông chỉ huy những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Cựu chiến binh Đinh Văn Vũ sinh năm 1958, tại bản Thường Sung, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, ông nhiều lần bị thương, mất một nửa bàn tay và nhiều mảnh đạn vẫn còn trên cơ thể không thể lấy ra được. Do sức khỏe không bảo đảm phục vụ trong Quân đội, cuối năm 1982, thương binh Đinh Văn Vũ xuất ngũ về quê, kết hôn với bà Nguyễn Thị Tám và sinh được 3 người con. Điều kiện kinh tế khó khăn cộng thêm gánh nặng bầy con thơ, cựu chiến binh Đinh Văn Vũ phải làm đủ thứ nghề để trang trải cuộc sống gia đình. Ngoài thời gian bám đồng, bám ruộng, những khi nông nhàn, ông Vũ đi làm phụ hồ, làm thuê cho các chủ thầu xây dựng.

Chính từ tấm gương của cha mà Loan cùng các anh em đều ngoan ngoãn, cố gắng phấn đấu trưởng thành. Loan tự hào kể: "Bố em là người chịu thương chịu khó, lại rất thương vợ con. Ông không nề hà việc gì, cố gắng cùng vợ nuôi dạy các con nên người. Chính ngôi nhà gia đình em đang ở một tay bố em tự xây từng viên gạch, còn mẹ em là thợ phụ đấy!”.

Thế nhưng biến cố đến với gia đình Loan khi em đang học lớp 11. Bấy giờ, anh cả của Loan vào miền Nam vừa học nghề vừa tranh thủ làm thêm, không may gặp tai nạn, phải sống thực vật suốt hai năm. Gánh nặng kinh tế đè nặng lên đôi vai vợ chồng người lính già. Thương cha mẹ, Loan đành gác lại ước mơ vào giảng đường đại học, cùng cả nhà chạy chữa cho anh trai. May mắn thay, anh trai của Loan cũng dần hồi phục, có thể đi lại được, tuy không thể khỏe mạnh như trước kia. Ngày anh trai yên bề gia thất, Loan mới quyết tâm ôn thi và trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Truyền hình. Nhờ ngoại hình ưa nhìn và khả năng diễn xuất khá, lại được các nghệ sĩ Minh Vượng và Quang Tèo tận tình hướng dẫn, chỉ bảo, Loan có cơ hội đảm nhận một số vai phụ trong các bộ phim, vở kịch sân khấu từng được phát trên sóng truyền hình quốc gia.

 Giám đốc 9X Đinh Thị Loan (ở giữa) và gia đình chúc mừng các cựu chiến binh Trung đoàn 1-U Minh trong ngày gặp mặt, tháng 4-2025. 

Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Truyền hình và theo nghề diễn một thời gian, nhận thấy công việc này không thực sự phù hợp, Loan quyết định chuyển hướng. Thời điểm ấy, thị trường ngành dịch vụ chăm sóc sắc đẹp đang phát triển do nhu cầu làm đẹp của mọi người, nhất là của chị em phụ nữ, ngày một tăng. Vì vậy, Loan đã đến các salon nổi tiếng ở Thủ đô Hà Nội xin học nghề làm tóc, làm móng và chăm sóc sắc đẹp với mong muốn phát triển bản thân, chuẩn bị tiềm lực kinh tế cho những dự định tương lai. “Để được người thợ giỏi nhận truyền nghề không hề dễ chút nào, phần vì họ muốn giữ bí quyết riêng, phần vì công việc đòi hỏi người học phải đầu tư thời gian, công sức và thật sự yêu thích. Nhiều người thành danh trong nghề nói với em rằng đã theo đuổi công việc này em sẽ phải học cả đời để liên tục cập nhật các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến thì mới giữ chân được khách hàng. Dẫu biết chắc phía trước sẽ có không ít khó khăn nhưng em vẫn quyết tâm làm”-Loan tâm sự.

Cho đến tận bây giờ, Loan vẫn không sao quên được khoảng thời gian khởi nghiệp ấy của mình. Học việc, học nghề, không được trả lương, thậm chí có nơi còn phải nộp học phí cao mới được nhận. Vừa học vừa làm, có những buổi đông khách, Loan và các bạn học không được nghỉ tay. Nhiều lần quá bữa, đói tưởng lả đi, cô cũng chỉ có thể kiếm thứ gì đó ăn vội cho qua cơn đói rồi lại tiếp tục công việc. Để có tiền học và trang trải cuộc sống không phải phiền bố mẹ ở quê, Loan còn tranh thủ xin làm chân rửa bát, bưng bê phục vụ ở một số quán ăn, nhà hàng. Nhờ những nỗ lực không ngừng, Loan dần thành thạo các kỹ thuật cần thiết, được làm thợ phụ, rồi thợ chính tại ngay những cơ sở mà cô theo học, được trả lương đúng với sức lao động cô bỏ ra. Từ đây, cô bắt đầu dành dụm tiền chuẩn bị cho kế hoạch mở cửa hàng riêng.

Và rồi, Loan đã làm được điều đó. Đầu năm 2018, cửa hàng tóc đầu tiên của cô chủ Đinh Thị Loan chính thức đi vào hoạt động tại phố Lê Văn Lương, Hà Nội. Chưa đầy một năm sau, khoảng tháng 3-2019, cô mở cửa hàng thứ hai ở thành phố Bắc Ninh. Tại đây, ngoài làm tóc, móng, cô còn mở rộng thêm dịch vụ chăm sóc da, cơ thể và dưỡng sinh cho phái đẹp.

Công việc đang phát triển thuận lợi thì bất ngờ đại dịch Covid-19 bùng phát. Số phận lại một lần nữa thử thách cô gái trẻ trên hành trình lập nghiệp, các cửa hàng của cô buộc phải dừng hoạt động trong nhiều tháng liền để thực hiện công tác phòng chống dịch. Không mở cửa đón khách có nghĩa là không có nguồn nhu nhập. Trong khi chủ nhà không đồng ý hỗ trợ, cô buộc phải trả đầy đủ tiền thuê nhà theo hợp đồng đã ký. Mặt khác, dù không phải trả lương cứng cho nhân viên nhưng cô vẫn có trách nhiệm bảo đảm chi phí sinh hoạt cho gần 10 thợ chính. Vì vậy, cô buộc phải sử dụng ngân sách tích lũy. Đến khi đại dịch được khống chế, các cửa hàng mở cửa trở lại, Đinh Thị Loan cố gắng vực dậy công việc. Nhưng cuối cùng “lực bất tòng tâm”. Dù lượng khách quen vẫn đến thường xuyên song doanh thu không đủ bảo đảm các chi phí duy trì tối thiểu. Vì vậy, cô buộc phải dừng hoạt động của cả hai cửa hàng vào đầu năm 2023. Tâm sự với chúng tôi, Loan bồi hồi tiếc nuối: “Đại dịch bất ngờ ập đến đã cuốn đi bao mồ hôi công sức và tâm huyết của em. Số tiền sang nhượng cửa hàng và bán toàn bộ thiết bị, máy móc sau khi trả khoản vay từ ngân hàng và bạn bè, em còn lại không đáng là bao. Buồn hơn là giữa lúc này, bố em lại qua đời khiến em mất đi chỗ dựa tinh thần vô giá”.

Trở về với mảnh đất quê hương

Những lận đận trong cuộc sống và công việc khiến cô gái trẻ muốn buông bỏ ước mơ khởi nghiệp. Với số tiền ít ỏi dành dụm được, Loan trở về quê nhà tìm chỗ dựa bên gia đình và người thân. Mẹ và các anh chị hết lời động viên cô “thua keo này bày keo khác”, cả nhà sẵn sàng đồng hành. “Thất bại là một phần không thể thiếu của quá trình khởi nghiệp. Con hãy giữ vững tinh thần, kiên trì nuôi ước mơ”, lời động viên của mẹ trong những ngày em buồn bã nhất đã cho em động lực để làm lại từ đầu”-Loan tâm sự. Và cũng chính trong những ngày “vạ vật nằm nhà” mà cô gái trẻ đã tìm ra hướng đi mới cho mình, không ở đâu xa mà ngay chính trên mảnh đất mà gia đình cô đang sở hữu.

Từ nhiều năm trước, nhờ chăm chỉ làm ăn mà bố mẹ cô đã tích lũy được số tiền mua mảnh đất nông nghiệp rộng 2.500m2 nằm cách rừng Cúc Phương khoảng 3km để trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Trên mảnh đất này có một hang nước ngọt luôn đầy ăm ắp. Như lời bố mẹ cô và các bậc lão niên trong vùng kể, khi chưa có nhà máy nước thì đó là nguồn nước sử dụng chính của cả vùng. Cho đến tận bây giờ, nhiều gia đình vẫn giữ thói quen đến lấy nước trong hang về sử dụng, không ai gặp vấn đề gì về sức khỏe. Loan tâm sự: “Thực ra suy nghĩ về việc xây dựng nhà máy sản xuất nước tinh khiết, vừa tận dụng tài nguyên thiên nhiên của quê hương, vừa tạo việc làm trước hết cho người thân, sau đó là nhân dân quanh vùng, em đã ấp ủ từ lâu. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu là chưa đủ trưởng thành cũng như điều kiện kinh tế mà em chưa bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng”.

Vậy là sau một tuần đóng cửa trong phòng riêng, phác thảo chi tiết kế hoạch của mình, Loan xin phép họp gia đình và nêu ý tưởng. Thật bất ngờ, cả nhà không ai phản đối. Mẹ cô đồng ý giao cuốn sổ đỏ chứng nhận quyền sở hữu mảnh đất giá trị của gia đình cho cô thế chấp ngân hàng để vay vốn. Các anh chị em mỗi người dù ít dù nhiều cùng góp vốn ủng hộ cô bắt tay vào công việc: Xây dựng nhà máy, tuyển dụng nhân sự, mua thiết bị máy móc nhập khẩu từ châu Âu về lắp ráp rồi vận hành thử nghiệm... “Với sự hậu thuẫn của gia đình và các cộng sự, nhất là anh rể em từng có 15 năm kinh nghiệm làm việc ở Công ty Cổ phần nước khoáng Cúc Phương, những công đoạn đầu tiên đã hoàn thành”-Loan kể.

Sau khi được cơ quan chức năng cho phép thành lập Hợp tác xã Sản xuất thương mại Thường Sung ngày 17-12-2024, việc đầu tiên Giám đốc Hợp tác xã Đinh Thị Loan làm là mời kỹ thuật viên về lấy mẫu nước trong hang và đưa đến Trung tâm Xét nghiệm của Trường Đại học Y tế cộng đồng để kiểm tra thành phần khoáng chất trong nước. Sau khi có kết quả từ trung tâm, cô tiếp tục tiến hành các thủ tục pháp lý theo đúng quy định. Ngày 3-3-2025, sản phẩm nước uống do Hợp tác xã Sản xuất thương mại Thường Sung sản xuất được Sở Y tế Ninh Bình cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định sản xuất nước uống đóng chai. Từ đây, sản phẩm chính thức có mặt trên thị trường. Tại cuộc gặp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 1-U Minh (Sư đoàn 330, Quân khu 9) khu vực phía Bắc diễn ra ngày 13-5-2025, Giám đốc Đinh Thị Loan đã tài trợ hàng trăm chai nước uống đóng chai Thường Sung-Cúc Phương tặng các cựu chiến binh. Lần đầu tiên thưởng thức vị thanh mát của sản phẩm mới này, các cựu chiến binh đều bày tỏ sự hài lòng.  

Ngày 6-6-2025, lễ khánh thành Nhà máy sản xuất nước suối thiên nhiên Thường Sung-Cúc Phương được long trọng tổ chức tại xã Kỳ Phú. Nữ giám đốc 9X cho biết, hiện nhà máy có 10 công nhân, thường xuyên làm việc với thu nhập trung bình 7 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày, nhà máy tiêu thụ khoảng 1.000 thùng nước đóng chai (24 chai/thùng) có thể tích từ 250ml đến 500ml và một lượng nhất định bình nước loại 50l theo đơn đặt hàng. Nước suối thiên nhiên Thường Sung-Cúc Phương đã có mặt tại hầu hết cửa hàng trên toàn tỉnh Ninh Bình. Nhiều người sau khi sử dụng sản phẩm đã tìm đến đặt mua thường xuyên.

Về quê khởi nghiệp, có được thành quả bước đầu hôm nay, Đinh Thị Loan không bao giờ quên việc bản thân từng trải qua những giây phút hỗn loạn, không biết đi đâu về đâu khi bị phá sản, phải trở về điểm xuất phát. Chia sẻ với chúng tôi, Loan bộc bạch: “Em may mắn hơn nhiều người vì khi gặp khó khăn, thậm chí là thất bại luôn có một hậu phương vững chắc là gia đình tin tưởng và bao dung, giúp em vượt qua. Mục tiêu tới đây của em là hướng tới thị trường các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh... Chưa biết tương lai sẽ ra sao, nhưng trước mắt, em đang đi lên từ chính mảnh đất đã sinh ra và nuôi lớn mình. Em mong muốn góp sức nhỏ bé đem lại việc làm cho anh em, bạn bè, xóm giềng, thế là hạnh phúc rồi!”.

BẢO LINH - THANH TÚ


    Nguồn:https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/nu-giam-doc-9x-va-no-luc-vuot-kho-trong-hanh-trinh-khoi-nghiep-836446


    Chủ đề: Giám đốc

    Bình luận (0)

    No data
    No data

    Cùng chủ đề

    Cùng chuyên mục

    Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
    Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
    Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
     Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa

    Cùng tác giả

    Di sản

    Nhân vật

    Doanh nghiệp

    No videos available

    Thời sự

    Hệ thống Chính trị

    Địa phương

    Sản phẩm