Thông điệp này đề cao quyền tự quyết về sinh sản của thanh thiếu niên đồng thời phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa quyền sinh sản, công bằng giới và phát triển bền vững. Tại Việt Nam, thông điệp này được cụ thể hóa qua chủ đề truyền thông “Quyền tự quyết về sinh sản trong một Thế giới đang thay đổi”, nhằm nhấn mạnh vai trò của quyền sinh sản trong phát triển bền vững và nâng cao chất lượng dân số.
Gia đình vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng vui mừng đón con đầu lòng - "em bé rắn" đầu tiên của năm Ất Tỵ, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (2025). Ảnh: Khánh Hoà/TTXVN
Quyền sinh sản trong một thế giới nhiều biến động
Ngày Dân số thế giới được khởi xướng bởi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vào năm 1989, sau khi dân số toàn cầu đạt mốc 5 tỷ người vào ngày 11/7/1987. Từ đó đến nay, ngày 11/7 hàng năm trở thành dịp để các quốc gia cùng nhìn nhận, đánh giá những vấn đề lớn liên quan đến dân số, từ đó thúc đẩy những hành động cụ thể, bền vững vì chất lượng cuộc sống của người dân hôm nay và các thế hệ mai sau. Trong đó, quyền sinh sản là một trong những nội dung xuyên suốt.
Theo số liệu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), dân số toàn cầu hiện nay ước tính đạt khoảng 8,2 tỷ người, với tỷ lệ tăng trưởng dân số toàn cầu hiện ở mức thấp nhất kể từ những năm 1950. Tuy nhiên, có sự tăng trưởng không đồng đều giữa các khu vực: trong khi châu Phi có tỷ lệ sinh cao, thì nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức lại đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa nhanh, tỷ lệ sinh thấp dưới mức thay thế.
Cùng với sự biến đổi về nhân khẩu học là hàng loạt thay đổi về kinh tế-xã hội. Biến đổi khí hậu làm gia tăng thiên tai, mất an ninh lương thực và di cư; xung đột kéo dài ở nhiều nơi khiến quyền tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục và kế hoạch hóa gia đình bị gián đoạn. Trong khi đó, khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng giới vẫn là rào cản lớn đối với quyền sinh sản của hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái.
Quỹ Dân số Liên hợp quốc cảnh báo, hàng trăm triệu phụ nữ trên toàn cầu vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và thông tin cần thiết để đưa ra quyết định về việc có con hay không, khi nào và với ai. Việc bảo vệ quyền sinh sản không chỉ đơn thuần là cung cấp dịch vụ y tế, mà còn là đảm bảo quyền được lựa chọn, được tôn trọng và không bị ép buộc.
Việt Nam đang đối mặt với tình trạng "giảm sinh, thừa nam thiếu nữ". Nếu mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục ở mức cao, đến năm 2034, Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49, con số này sẽ tăng lên 1,8 triệu vào năm 2059.
Tại Việt Nam, vấn đề dân số cũng đang bước vào giai đoạn chuyển đổi. Với dân số hơn 101,1 triệu người, Việt Nam đứng thứ 15 thế giới về quy mô dân số. Mặc dù đã kiểm soát tốt tốc độ gia tăng dân số trong hơn ba thập kỷ qua, nhưng nhiều thách thức mới đang nổi lên, đặt ra yêu cầu phải chuyển trọng tâm từ “kiểm soát dân số” sang “nâng cao chất lượng dân số”.
Một trong những thách thức đó là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo số liệu của Ban Thống kê Dân số và Lao động (Cục Thống kê), trong giai đoạn 2021-2024, tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta là 109,8 trẻ trai/100 trẻ gái. Riêng năm 2024, tỷ số này là 110,7 trẻ trai/100 trẻ gái. Thậm chí, có địa phương ghi nhận tỷ số này ở mức gần 120 trẻ trai/100 trẻ gái. Mất cân bằng giới tính gây ảnh hưởng đến cấu trúc xã hội, an ninh gia đình.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên vẫn còn cao, phản ánh lỗ hổng trong giáo dục giới tính và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên. Phần lớn các em không có đủ kiến thức về tình dục an toàn, hoặc không biết nơi tìm kiếm hỗ trợ y tế phù hợp. Đặc biệt, phụ nữ di cư, lao động tự do, người khuyết tật và người nghèo là những nhóm người có thể gặp khó khăn hơn trong tiếp cận các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Bảo vệ quyền sinh sản - trách nhiệm và hành động
Bảo vệ quyền sinh sản không chỉ là đảm bảo tiếp cận các dịch vụ y tế, mà còn là một phần thiết yếu trong quyền con người, gắn liền với bình đẳng giới, sức khỏe cộng đồng, giáo dục, giảm nghèo và phát triển bền vững. Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, quyền sinh sản của phụ nữ và thanh thiếu niên càng cần được đặt lên hàng đầu trong các chiến lược dân số và phát triển.
Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 16 trên thế giới. Sau 5 năm, kể từ năm 2019 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 4,9 triệu người.
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, chính phủ các nước cần hành động quyết liệt trong 5 lĩnh vực then chốt: Đảm bảo tiếp cận công bằng với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình: đặc biệt cho phụ nữ, người nghèo, người khuyết tật và thanh thiếu niên vùng sâu vùng xa. Tích hợp giáo dục giới tính toàn diện vào chương trình giáo dục phổ thông: giúp thanh thiếu niên hiểu biết và chủ động trong các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản. Thúc đẩy bình đẳng giới và chống định kiến giới trong xã hội: xóa bỏ quan niệm trọng nam, kiểm soát giới tính sinh con, bảo vệ quyền lựa chọn của phụ nữ. Tăng cường truyền thông, vận động thay đổi hành vi trong cộng đồng: huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, truyền thông và mạng xã hội. Đưa thanh niên vào vị trí trung tâm trong xây dựng chính sách dân số: khuyến khích tiếng nói của người trẻ, hỗ trợ các sáng kiến sáng tạo vì sức khỏe sinh sản và bình đẳng giới.
Tại Việt Nam, nhận thức được những thách thức đặt ra trong giai đoạn mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã xác định rõ quan điểm: “Lấy con người làm trung tâm, lấy chất lượng dân số làm mục tiêu”. Để cụ thể hóa các định hướng chiến lược này và thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW về “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã ban hành Pháp lệnh số 07/2025/UBTVQH15, sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Pháp lệnh Dân số. Pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 3/6/2025, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản: được quyết định thời điểm sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, thu nhập và năng lực nuôi dạy con cái - trên cơ sở bình đẳng giới và tự nguyện.
Trên thực tế, các mô hình truyền thông, can thiệp cộng đồng về dân số và sức khỏe sinh sản đang được triển khai ngày càng rộng khắp. Điển hình như các Câu lạc bộ thanh niên với sức khỏe sinh sản, chương trình “Tư vấn tuổi hồng” trong trường học, hay các chiến dịch truyền thông cộng đồng tại miền núi, vùng khó khăn - nơi điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp giữa ngành y tế và các tổ chức xã hội đã và đang góp phần lan tỏa mạnh mẽ nhận thức đúng đắn về quyền sinh sản, thúc đẩy sự tham gia của từng người dân vào việc thực hiện chính sách dân số một cách chủ động và nhân văn.
Trong 2 năm 2023-2024, mức sinh ở Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh hơn. Năm 2024, mức sinh tại thành thị giảm còn 1,67 con/phụ nữ, khu vực nông thôn đạt 2,08 con/phụ nữ. Bộ Y tế dự báo mức sinh sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Kế hoạch truyền thông dân số năm 2025 do Bộ Y tế ban hành đã lựa chọn chủ đề “Quyền tự quyết về sinh sản trong một Thế giới đang thay đổi” làm định hướng xuyên suốt, với nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục và vận động xã hội được triển khai tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các hoạt động được yêu cầu triển khai thiết thực, hiệu quả, tiếp cận đến nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhóm thanh thiếu niên, phụ nữ, đồng bào vùng khó khăn.
Cục Dân số đưa ra một số khẩu hiệu tuyên truyền trọng tâm như: “Sinh con là quyền - Nuôi dạy con tốt là trách nhiệm”; “Không mang thai ở tuổi vị thành niên vì sức khỏe, tương lai và hạnh phúc của chính bạn”; “Không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống để bảo vệ giống nòi”; “Dân số khỏe - Gia đình hạnh phúc - Đất nước phồn vinh”… Những khẩu hiệu này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức, mà còn truyền tải định hướng chiến lược: lấy con người làm trung tâm, nâng cao chất lượng dân số, xây dựng gia đình khỏe mạnh - hạnh phúc - trách nhiệm, từ đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Theo baotintuc.vn
Nguồn: https://baolaocai.vn/quyen-sinh-san-trong-mot-the-gioi-nhieu-bien-dong-toan-canh-va-goc-nhin-viet-nam-post648428.html
Bình luận (0)