Phường Yên Bái được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 phường của thành phố Yên Bái cũ gồm: Hồng Hà, Nguyễn Thái Học, Yên Ninh, Minh Tân, Đồng Tâm. Tình trạng trùng lặp địa chỉ do chủ yếu các phường trước đây sử dụng số thứ tự đặt tên cho nhiều tổ dân phố.
Đơn cử như Tổ dân phố số 5 của phường Nguyễn Thái Học (cũ) có thể bị nhầm lẫn với tổ dân phố số 5 của phường Minh Tân (cũ) gây ra nhiều phiền toái cho người dân.

Những ngày qua, ông Lê Bá Minh, Bí thư Chi bộ tổ 9, phường Minh Tân (cũ) nhận không ít những ý kiến phản ánh của người dân về việc gửi bưu phẩm “nhầm” địa chỉ, gây bất tiện cho cả chủ nhà lẫn người giao hàng.
Chính vì vậy, ngay khi UBND phường Yên Bái ban hành kế hoạch lấy ý kiến của người dân về việc đặt tên, đổi tên tổ dân phố, thông tin được truyền tải công khai qua hệ thống loa phát thanh và nhóm zalo khu dân cư.
"Chúng tôi đã thành lập tổ lấy ý kiến nhân dân và đến tận nhà 261 hộ dân tuyên truyền, phát phiếu, hướng dẫn ghi phiếu để người dân hiểu về chủ trương đổi tên, đặt tên tổ dân phố sau sáp nhập. Quan trọng nhất là nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, nghe phản hồi của người dân. Đa phần mọi người đều đồng thuận ủng hộ chủ trương này".
Việc phát phiếu lấy ý kiến cử tri đến từng hộ gia đình cũng là cách để chính quyền lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Bà Lê Thị Oanh, tổ 9, phường Minh Tân (cũ) chia sẻ: “Chúng tôi thấy việc đổi lại tên tổ dân phố từ tổ 9 phường Minh Tân sang thành Minh Tân 9 thì rất dễ nhớ, dễ phân biệt địa chỉ của gia đình”.

Tên gọi của các tổ dân phố mới lấy theo tên gọi của các phường trước khi sáp nhập thêm số thứ tự phía sau, được kỳ vọng sẽ tạo sự rõ ràng, dễ quản lý, đồng thời, vẫn giữ được nét đặc trưng của từng phường cũ, giúp người dân dễ dàng định vị và xác định khu vực của mình.
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Bái cho biết: “Để đảm bảo sự đồng thuận của người dân, phường Yên Bái đã triển khai quy trình lấy ý kiến cử tri theo các bước cụ thể. Qua đó, các tổ dân phố trong phường sau khi sáp nhập sẽ có một hệ thống tên gọi đồng bộ và dễ quản lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân”.
Không riêng gì ở đô thị, những địa phương vùng nông thôn và cả các xã vùng cao, biên giới cũng có không ít nơi trùng tên thôn, bản. Ở xã vùng cao Sín Chéng, nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mông, câu chuyện đặt lại tên thôn cũng mang màu sắc riêng đầy ý nghĩa về truyền thống văn hóa.
Sau sáp nhập, xã có hai thôn Sín Chải ở xã Sín Chéng (cũ) và xã Bản Mế (cũ). Hai địa bàn một tên gọi dẫn đến nhiều phiền phức trong quản lý và giải quyết thủ tục hành chính.
Vì vậy, chính quyền xã đã tổ chức các cuộc họp với người dân của 2 thôn và đã đi đến đồng thuận, nhất trí cao với phương án giữ tên “Sín Chải” và chỉ thêm con số phía sau là “Sín Chải 1” và “Sín Chải 2”.

Anh Giàng Seo Dơ, thôn Sín Chải xã Bản Mế (cũ) bày tỏ: “Lúc đầu cũng thấy tiếc vì cái tên Sín Chải là nét văn hóa, có ý nghĩa rộng lớn và đoàn kết cộng đồng đã gắn bó bao đời rồi. Nhưng nghĩ kỹ thì chỉ là thêm số thôi, còn lại vẫn nguyên vẹn. Miễn sao bà con đi lại, làm giấy tờ, khám bệnh thuận lợi thì tốt quá rồi”.

Ông Lùng Văn Nam, Bí thư Chi bộ thôn nhấn mạnh: “Tên mới, nhưng tình làng nghĩa xóm, văn hóa cộng đồng vẫn giữ trọn vẹn. Vì vậy, người dân đã thấu hiểu với tên gọi mới và đồng thuận rất cao”.
Sự tham gia tích cực của người dân trong việc lựa chọn tên gọi mới không chỉ giúp quá trình đổi tên diễn ra thuận lợi, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm và tình đoàn kết cộng đồng. Tên gọi mới từ sự đồng thuận của người dân sẽ là bước chuyển tiếp quan trọng tạo sự thuận lợi trong công tác quản lý hành chính của các địa phương sau sáp nhập.
Nguồn: https://baolaocai.vn/ten-goi-moi-tu-long-dan-post648193.html
Bình luận (0)