
Chiều 10-7, tại họp báo kinh tế - xã hội, Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, thành phố ghi nhận có 96.795 trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp; trong đó, nữ chiếm 53,3%. So với cùng kỳ năm 2024, số người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm hơn 20,6% (giảm 25.205 trường hợp).
Theo Sở Nội vụ, tỷ lệ hồ sơ nộp hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm đánh dấu một bước tiến tích cực trong ổn định thị trường lao động, đồng thời cho thấy sự chuyển hướng trong công tác hỗ trợ người lao động, từ chỉ nhận trợ cấp sang kết hợp học nghề và tìm việc làm hiệu quả hơn.
Trong khi đó, số trường hợp có nhu cầu và được hỗ trợ đào tạo nghề là 3.523 người, so với cùng kỳ tăng 5% (tương ứng 169 người). Điều này cho thấy người lao động quan tâm hơn đến việc đào tạo nâng cao tay nghề để thích ứng với nhu cầu của doanh nghiệp và nâng cao giá trị nghề nghiệp của bản thân.
Về thị trường lao động, trong 6 tháng đầu năm 2025, nhu cầu thị trường lao động tại 3 khu vực: Thành phố Hồ Chí Minh (cũ), Bình Dương (cũ), Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) có nhiều chuyển biến tích cực cả về cung lao động và cầu lao động. Nhu cầu tuyển dụng chủ yếu tập trung các ngành như: Bán hàng, marketing, may mặc, giày da, gỗ, cơ khí, lắp ráp điện tử.
Theo nhận định của các Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh), tại 3 khu vực (thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu), trong quý III-2025, dự kiến nhu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp khoảng 85.000 - 90.000 người. Về yêu cầu trình độ chuyên môn, lao động phổ thông còn chiếm tỷ lệ cao với khoảng 58% tổng số nhu cầu, tập trung các ngành dệt may, da giày, lắp ráp giản đơn.
Về phía cầu lao động, nhu cầu tuyển dụng dự kiến ổn định như những tháng đầu năm. Về phía cung lao động, dự kiến sẽ tăng do người lao động từ các khu vực trong tỉnh mới sáp nhập, tạo nguồn nhân lực dồi dào hơn cho thị trường. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển đổi, có thể xuất hiện sự mất cân bằng tạm thời do sự di chuyển lao động, thay đổi cơ cấu nghề nghiệp và yêu cầu kỹ năng mới từ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển tiếp cũng đặt ra thách thức nhất định về sự lệch pha giữa kỹ năng hiện có của người lao động và yêu cầu mới từ phía doanh nghiệp.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/tp-ho-chi-minh-so-lao-dong-huong-tro-cap-that-nghiep-giam-sau-708697.html
Bình luận (0)