Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quản trị toàn cầu về trí tuệ nhân tạo: Thực trạng, thách thức và một số hàm ý chính sách

TCCS - Từ cuối thập niên thứ nhất của thế kỷ XXI, với sự phát triển mạnh mẽ của thành tựu khoa học - công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data)..., trong các ngành, nghề khác nhau đã có bước tiến lớn, thu hút sự quan tâm của nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, tập đoàn công nghệ, nhất là tại các nước phát triển. Từ đó, nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy quản trị toàn cầu về AI cũng dần hình thành và đến nay đã đạt kết quả ban đầu.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản05/07/2025

Họa sĩ robot Ai-Da vẽ tranh tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu Trí tuệ nhân tạo tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 30-5-2024_Ảnh: THX/TTXVN

Khái niệm và thực trạng quản trị toàn cầu về trí tuệ nhân tạo

Quản trị toàn cầu về AI là một cách tiếp cận mới, đến nay vẫn chưa có quan niệm thống nhất, tuy nhiên đều mang hàm ý chung là hành động tập thể và hợp tác xuyên quốc gia nhằm bảo đảm sự phát triển AI có trách nhiệm. Các học giả, như Lu-xi-a-nô Phlo-ri-đi (Luciano Floridi) và Giót Cao-xơ (Josh Cowls), nhấn mạnh quản trị toàn cầu là việc phát triển và quản lý các tiêu chuẩn pháp lý, cũng như chuẩn mực và chính sách đạo đức cho AI ở cấp độ toàn cầu(1). Nhiều nghiên cứu khác góp phần bổ sung cách tiếp cận về quản trị AI thông qua tập hợp quan điểm quốc tế đa dạng, từ đó bảo đảm quản lý toàn diện thách thức toàn cầu của AI(2). Như vậy, bước đầu có thể hiểu quản trị toàn cầu về trí tuệ nhân tạo là nỗ lực hợp tác đa phương hướng tới xây dựng tiêu chuẩn, chuẩn mực và khung pháp lý có phạm vi toàn cầu nhằm định hướng sự phát triển của AI theo cách thức có đạo đức và trách nhiệm, phục vụ lợi ích của cộng đồng quốc tế và nhân loại.

Ở cấp độ toàn cầu, nửa sau thập niên thứ nhất của thế kỷ XXI có thể được coi là bước ngoặt trong thảo luận quốc tế về quản trị AI, với việc AI trở thành chủ đề thảo luận riêng trong chương trình nghị sự của một loạt thể chế quốc tế. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7), diễn ra ở Ca-na-đa, các nhà lãnh đạo G-7 đã đưa ra Tầm nhìn chung Charlevoix về tương lai AI. Trên cơ sở đó, cơ chế Đối tác toàn cầu về AI (GPAI) ra đời vào năm 2020, đến nay đã có 29 nước thành viên tham gia, nòng cốt là các nước G-7 và Ban Thư ký được đặt tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tháng 10-2023, các nước G-7 đạt thỏa thuận về Tiến trình Hiroshima về AI, bao gồm hai văn kiện với nhiều nội dung mang tính xây dựng chuẩn mực về AI, đó là Nguyên tắc có tính hướng dẫn quốc tế về AI và Bộ quy tắc ứng xử về AI đối với các bên phát triển AI. Trước đó, năm 2019, OECD đưa ra các nguyên tắc về AI và thành lập Bộ phận chính sách về AI (OECD AI), đồng thời thực hiện chức năng Ban Thư ký cho GPAI. Tháng 6-2019, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) được tổ chức tại Nhật Bản, cũng đưa ra bộ nguyên tắc về AI với nội dung tương tự nguyên tắc về AI của OECD. Tháng 8-2023, Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tuyên bố thành lập Nhóm nghiên cứu về AI nhằm thúc đẩy phát triển AI tại các nước thành viên. Tiếp đó, với sự tham gia của khoảng hơn 20 nước(3), Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về an toàn AI lần đầu tiên được tổ chức tại Anh (tháng 11-2023) đã thông qua Tuyên bố Bletchley nhấn mạnh mục tiêu phát huy tinh thần đồng thuận và trách nhiệm chung liên quan đến cơ hội, rủi ro và tiến trình thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm bảo đảm AI được sử dụng theo cách “lấy con người làm trung tâm, đáng tin cậy và có trách nhiệm”.

Tháng 5-2024, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về AI lần thứ hai diễn ra ở Hàn Quốc đã đưa ra Tuyên bố Seoul nhằm thúc đẩy AI an toàn, sáng tạo và toàn diện, nhấn mạnh sự cần thiết của tính tương tác giữa các khung quản trị AI, sử dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro. Hội nghị cũng đạt được cam kết từ 16 tập đoàn công nghệ lớn, trong đó có Google, Amazon, Microsoft và Samsung Electronics, để phát triển AI an toàn(4). Mới đây nhất, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về AI lần thứ ba được tổ chức tại Pháp (tháng 2-2025) có sự thay đổi cách tiếp cận theo hướng khuyến khích đổi mới sáng tạo thay vì kìm hãm AI và lần đầu tiên, vấn đề năng lượng được đưa vào thảo luận đa phương về AI. Hội nghị kết thúc với việc 61 quốc gia nhất trí ký kết Tuyên bố chung về nhu cầu AI “mở, toàn diện và đạo đức”(5).

Có thể thấy, Liên hợp quốc là nơi tập trung nhiều diễn đàn đa phương quốc tế mà AI được thảo luận trọng tâm và xuyên suốt. Đặc biệt về vấn đề AI trong quân sự, ngoài các báo cáo của Nhóm chuyên gia chính phủ của Liên hợp quốc (GGE) khuyến nghị một số nguyên tắc về sử dụng AI trong quân sự, còn có Lời kêu gọi hành động về sử dụng AI có trách nhiệm trong lĩnh vực quân sự được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh về sử dụng AI trong quân sự, diễn ra ở thành phố Dơ Ha-gơ (The Hague) (Hà Lan, tháng 2-2023), với sự tham gia của 56 nước(6). Tuyên bố do Mỹ giới thiệu về sử dụng AI một cách trách nhiệm trong lĩnh vực quân sự tại hội nghị đến nay cũng đã có 51 nước tham gia(7). Tháng 12-2023, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết đầu tiên về vũ khí sát thương tự động (LAWS), do Áo và một số quốc gia đi đầu về LAWS đề xuất, trong đó đề nghị các nước cho biết quan điểm về vấn đề kiểm soát LAWS. Năm 2021, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thông qua Bộ nguyên tắc về sử dụng AI có trách nhiệm, nằm trong chiến lược chung về AI của NATO.

Đến nay, thảo luận tại Liên hợp quốc về AI ngày càng rộng rãi, trên nhiều khía cạnh khác nhau, như phát triển, các nguy cơ về đạo đức, quyền con người, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, an ninh - an toàn thông tin,... Trong khuôn khổ Liên hợp quốc đã có một số văn kiện, tài liệu về AI, nổi bật là Khuôn khổ về đạo đức trong sử dụng AI được các nước thành viên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua vào năm 2021. Tháng 7-2023, Tổng Thư ký Liên hợp quốc thành lập Nhóm cố vấn cấp cao về trí tuệ nhân tạo (HLAB-AI), bao gồm 39 nhà lãnh đạo AI của 33 quốc gia, được lựa chọn từ hơn 2.000 trường hợp được đề cử. Ngày 19-9-2024, HLAB-AI đã công bố báo cáo “Quản trị AI cho nhân loại”. Tiếp đó, ngày 22-9-2024, tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Liên hợp quốc đã thông qua Văn kiện kỹ thuật số toàn cầu (GDC), bao gồm thỏa thuận thực sự phổ quát đầu tiên về quản trị AI trên bình diện toàn cầu nhằm thúc đẩy việc quản lý AI theo lộ trình. Đáng chú ý, GDC kêu gọi chính phủ các nước và khu vực tư nhân đóng góp vào quỹ AI toàn cầu, cho phép phần lớn quốc gia đang phát triển hưởng lợi từ tiến bộ công nghệ. GDC cũng ủng hộ việc thành lập Ban khoa học quốc tế và Đối thoại chính sách toàn cầu về AI. Đối với doanh nghiệp công nghệ, GDC kêu gọi tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của hệ thống, đặc biệt trong khâu kiểm duyệt nội dung và xử lý dữ liệu người sử dụng. Ngoài ra, doanh nghiệp công nghệ cần phát triển giải pháp và công khai hoạt động nhằm chống tác hại tiềm ẩn từ AI(8).

Nhìn chung, việc thảo luận về AI đang diễn ra tại nhiều diễn đàn đa phương liên quan đến khía cạnh công nghệ AI với trọng tâm là cơ chế thuộc khuôn khổ Liên hợp quốc. Theo một số chuyên gia, thảo luận bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, định hình một số chuẩn mực mềm về AI(9).

Ở cấp độ khu vực, nỗ lực quản trị AI cũng được đề cập trong chương trình nghị sự của các tổ chức khu vực, như Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN),... Liên minh châu Âu - tổ chức quốc tế tiên phong trong lĩnh vực thiết lập tiêu chuẩn về quản trị AI, đã lần lượt thông qua đạo luật đầu tiên (ngày 13-3-2024) và điều ước toàn cầu đầu tiên mang tính ràng buộc về pháp lý với tên gọi “Công ước khung về trí tuệ nhân tạo” liên quan đến các quy định quản lý việc sử dụng AI có trách nhiệm, tuân thủ các quy định luật pháp và tôn trọng quyền của người dân (ngày 17-5-2024). Tại khu vực Đông Nam Á, tháng 1-2024, ASEAN đã thông qua Hướng dẫn của ASEAN về quản trị và đạo đức AI, trong đó gợi ý nội dung cơ bản của cơ chế quản lý và khuyến khích phát triển AI ở cấp độ quốc gia và khu vực.

Ở cấp độ quốc gia, sự phát triển của AI và doanh nghiệp công nghệ đặt ra vấn đề về “chủ quyền số” của các quốc gia. Theo đó, các quốc gia đều tìm kiếm sự kiểm soát đối với kết cấu hạ tầng AI theo cách tiếp cận thể chế, đồng thời thiết lập năng lực kiểm soát thông qua kết cấu hạ tầng AI trên thực tiễn. Tính đến hết năm 2021, Cơ quan quan sát chính sách AI của OECD ghi nhận hơn 700 sáng kiến chính sách AI quốc gia đến từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, đề ra tầm nhìn dẫn dắt nỗ lực quản trị AI toàn cầu(10). Báo cáo của Viện Brookings đã phân tích kế hoạch quản trị AI ở 34 quốc gia cho thấy, mặc dù công nghệ này đang ở giai đoạn ban đầu, nhưng đã có một loạt quy định với ưu tiên và sự khác biệt xuất hiện trên thế giới(11). Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc đang đi đầu trong nghiên cứu và phát triển AI, tiếp sau là Anh và I-xra-en. Đặc biệt, AI hiện nay là lĩnh vực cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, khi hai bên luôn tìm cách khẳng định vị trí dẫn đầu, cũng như tầm ảnh hưởng trên thị trường thế giới. Việc các nước đẩy mạnh “cuộc đua” định vị vai trò trên bản đồ công nghệ AI toàn cầu cùng tiến bộ nhanh chóng của AI đã khiến nhu cầu về tiêu chuẩn và quy định đối với AI toàn cầu ngày càng trở nên mạnh mẽ(12).

Đối với khu vực tư nhân, các nhà phát triển AI hàng đầu thế giới đưa ra cam kết tự nguyện tôn trọng các nguyên tắc an toàn AI. Tại cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn ở Nhà Trắng vào ngày 21-7-2023, bảy tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ, bao gồm Amazon, Anthropic, Google, Inflection AI, Meta, Microsoft và OpenAI, đã chính thức cam kết tuân thủ tiêu chuẩn mới về an toàn, bảo mật và tin cậy. Tương tự, tám tập đoàn và doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới, bao gồm Microsoft, Amazon Web Services, Anthropic, Open AI, Inflection AI, Meta, Google DeepMind và Mistral AI, đã nhất trí “tăng cường” quyền truy cập cho lực lượng đặc nhiệm AI của Anh. Trong khi đó, nhận thức rõ về nhược điểm của AI, các tổng giám đốc điều hành công nghệ của khu vực Đông Nam Á cho rằng, thế giới cần nỗ lực hơn để giải quyết rủi ro tiềm ẩn đến từ các cuộc tấn công mạng, thông tin sai lệch và giả mạo(13).

Thách thức đối với quản trị toàn cầu về trí tuệ nhân tạo

Thứ nhất, thế giới hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất về khái niệm “AI trách nhiệm”, nội hàm và phương thức triển khai. Bên cạnh đó là thách thức pháp lý, như địa vị pháp lý của AI, trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng AI (trách nhiệm dân sự, hình sự, hành chính), bảo vệ dữ liệu cá nhân trong ứng dụng AI, quyền sở hữu trí tuệ trong ứng dụng AI. Đây được cho là các vấn đề mà các nước cần giải quyết trong thời gian tới để ứng dụng AI thực sự hiệu quả và có trách nhiệm(14). Ngoài ra, mặc dù AI đã được áp dụng tương đối rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, từ quân sự, y tế, công nghệ, giao thông,... song đến nay chưa có một khuôn khổ điều chỉnh về AI nói chung hay AI trong các lĩnh vực cụ thể.

Thứ hai, quá trình xây dựng khuôn khổ quản trị AI ở cấp độ quốc gia và toàn cầu khó theo kịp tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ nói chung và AI nói riêng. Tốc độ phát triển của AI đặc biệt nhanh so với công nghệ tiên tiến, được cho là gia tăng theo cấp số 10 hằng năm. Năng lực mô hình AI tiên tiến nhất hiện nay cao gấp khoảng 5 triệu lần so với 10 năm trước. Dự kiến trong khoảng 5 năm tới, mô hình AI phát triển nhất sẽ có số “parameter” (đơn vị tính quy mô và mức độ phức hợp của AI) tương đương số lượng nơ-ron thần kinh của bộ não người(15).

Thứ ba, các chuẩn mực về AI đã được thông qua đều mang tính chất khuyến nghị, không ràng buộc. Tính đến nay, quy định ràng buộc liên quốc gia duy nhất là Luật EU về AI (chính thức có hiệu lực kể từ ngày 2-2-2025). Các văn kiện khác của các cơ chế quốc tế, liên khu vực nhìn chung đều được ban hành dưới hình thức khuyến nghị. Ví dụ, năm 2021, với sự thông qua của 193 nước thành viên UNESCO, Khuyến nghị về quy tắc ứng xử đối với AI nhận được sự ủng hộ rộng rãi hiện nay, song chỉ mang tính khuyến nghị  đối với vấn đề quy tắc ứng xử trong lĩnh vực AI được UNESCO cho phép(16)

Thứ tư, mức độ chuyên sâu trong chuẩn mực về AI còn hạn chế. Hầu hết tuyên bố, cam kết đã có chỉ nêu nguyên tắc chung chung, chưa đi vào quy định về phát triển, sử dụng AI trong lĩnh vực cụ thể, chưa đề cập chi tiết các khâu trong quy trình phát triển AI. Khuyến nghị của UNESCO về AI là văn bản cụ thể nhất đề cập đến vấn đề quản trị AI nói chung và các lĩnh vực liên quan AI, như chính sách về dữ liệu, phát triển, môi trường - hệ sinh thái, bình đẳng giới, văn hóa, giáo dục - nghiên cứu, thông tin - truyền thông, lao động, y tế và phúc lợi, giám sát triển khai khuyến nghị..., song vẫn chưa bao hàm đầy đủ lĩnh vực trong đời sống quốc tế; cơ chế hợp tác quốc tế trong theo dõi, giám sát phát triển và sử dụng AI cũng chưa được đề cập.

Thứ năm, lợi nhuận mà AI có thể mang lại cho các quốc gia cũng như cho tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ tác động không nhỏ đến lợi ích và chính sách của các nước, nhóm hoạch định chính sách. Tháng 7-2023, Tổng Thư ký Liên hợp quốc An-tô-ni-ô Gu-tơ-rết cho rằng, AI có thể giúp gia tăng 10 - 15 nghìn tỷ USD từ nay tới năm 2030(17). Tiềm năng lợi ích do AI mang lại rất lớn, trong khi khá nhiều vấn đề về AI chưa rõ ràng, khiến các quốc gia tỏ ra quan ngại về việc đưa ra và chấp nhận ràng buộc quốc tế. Ngoài ra, một mối quan ngại khác là quy định kiểm soát quá chặt chẽ, mặc dù xuất phát từ mong muốn giám sát, phát triển và sử dụng AI hiệu quả, nhưng có thể cản trở sự sáng tạo và phát triển của AI.

Thứ sáu, hiện nay quản trị toàn cầu về AI chịu tác động lớn của các yếu tố địa - chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, thậm chí bị tác động bởi các cuộc xung đột và lệnh trừng phạt. Hiện nay, các nước lớn đang nỗ lực nhằm chiếm ưu thế toàn diện về AI trước khi đạt được thỏa thuận và nhất trí về khung quản trị chung.

Thứ bảy, các chuẩn mực hoặc tiến trình về AI có biểu hiện bị phân mảnh, nhất là chuẩn mực, tiến trình được thiết lập giữa các nước phương Tây (G-7, OECD, EU); các diễn đàn với sự tham gia rộng rãi của nhiều quốc gia (Tuyên bố Bletchley, G-20) có nội dung ngày càng chung chung. Sự khác biệt trong cách tiếp cận về quản trị AI giữa các nước lớn, giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển đang đe dọa sự phân mảnh quản trị AI và gây trở ngại trong việc đạt được đồng thuận về xây dựng các tiêu chuẩn AI phổ quát toàn cầu. Các nước phương Tây đang chiếm ưu thế tương đối trong thúc đẩy xu hướng, chuẩn mực về AI, do nắm giữ thế mạnh cả về tập hợp lực lượng quốc tế, công nghệ và nguồn lực. Các nước đang phát triển hiện nay có khá ít vai trò trong quá trình này. Chỉ có bảy quốc gia (Ca-na-đa, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản, Anh và Mỹ) tham gia bảy sáng kiến ​​AI nổi bật(18). Bên cạnh đó, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để điều chỉnh quản trị AI một cách hiệu quả, cơ chế quản trị phải bao hàm toàn bộ các khâu liên quan AI, từ sản xuất, phần cứng, phần mềm, nhân lực, dịch vụ; từ nhà cung cấp tới người sử dụng AI...(19). Điều này cản trở các nước đạt được đồng thuận chung trong cách tiếp cận về quản trị AI. Kịch bản có thể xảy ra là các quốc gia sẽ phát triển tiêu chuẩn và quy định riêng về AI. Sự khác biệt trong cách tiếp cận này khiến bất kỳ sự tiến bộ nào hướng tới các tiêu chuẩn AI toàn cầu càng trở nên khó khăn.

Thứ tám, thực thể kiểm soát nguồn lực, chuyên môn là các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ AI. Hơn nữa, thời gian qua, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ nhìn chung tích cực vận động hành lang để hạn chế kiểm soát quốc tế, thậm chí ở cả cấp độ quốc gia đối với sự phát triển AI, giảm tính chất ràng buộc của quy định ở các cấp độ quốc gia, khu vực, quốc tế. Mặt khác, do nhận thức được rủi ro AI có thể tạo ra và sự quan tâm của dư luận các quốc gia và quốc tế, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn gần đây đưa ra cam kết, bộ quy tắc về ứng xử liên quan AI, nhưng chỉ ở mức tự nguyện.

Mặc dù còn nhiều hạn chế, song nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới có thể có diễn biến hết sức nhanh chóng về định hình cơ chế quản trị AI toàn cầu, với xu hướng gia tăng về mặt nội hàm và sự quan tâm của các nước; đồng thời, nhiều hội nghị, tiến trình bàn thảo về AI sẽ diễn ra nhằm hướng tới thỏa thuận mang tính pháp lý cao hơn ở cấp độ toàn cầu, góp phần quan trọng thúc đẩy định hình luật lệ quốc tế về AI.

Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh AI Paris diễn ra ở Pháp, ngày 11-2-2025_Ảnh: THX/TTXVN

Một số hàm ý chính sách

Ngày nay các quốc gia đang phát triển đang chịu áp lực lớn từ việc thu hẹp khoảng cách số với các nước phát triển, cũng như quản trị các công nghệ tiên phong mới như AI. Quản trị công nghệ tiên phong như AI đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào nền tảng kết cấu hạ tầng số, kỹ năng và kiến thức - điều mà các nước đang phát triển thường thiếu hụt. Mở rộng hợp tác quốc tế và tham gia tích cực các cuộc thảo luận toàn cầu về quản trị AI sẽ giúp các nước đang phát triển thu hút nguồn lực bên ngoài, chia sẻ kinh nghiệm; đồng thời, thể hiện trách nhiệm quốc gia trong tiến trình xây dựng một quy định về AI công bằng và toàn diện, mang tính bao trùm, trong đó các nước đang phát triển cũng có quyền tiếp cận bình đẳng với công nghệ, giáo dục tiên tiến và các cơ hội trong lĩnh vực AI.

Các nước đang phát triển đứng trước cơ hội lớn để “đi tắt, đón đầu”, tích cực hội nhập và tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về quản trị AI ở cấp độ khu vực và quốc tế, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn tốt của thế giới về quản trị AI phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển bền vững.

Ở Việt Nam, nỗ lực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã được hiện thực hóa thông qua “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030” được ban hành ngày 26-1-2021, với mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Qua đó, từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và AI nằm trong tốp 4 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tốp 50 của thế giới; đồng thời, từng bước đưa Việt Nam trở thành “điểm sáng” về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trên bản đồ AI thế giới.

Gần đây nhất, Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024, của Bộ Chính trị, “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” đã xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu. Ngày 13-1-2025, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, khoa học - công nghệ là “chìa khóa vàng” để hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc(20), vì vậy Chính phủ cần đổi mới kế hoạch bố trí ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia..., bố trí đủ ít nhất 3% ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này và tiếp tục nâng tỷ lệ chi cho khoa học - công nghệ lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo(21). Tổng Bí thư Tô Lâm cũng định hướng thúc đẩy  tối đa phát triển lĩnh vực dữ liệu để Việt Nam trở thành quốc gia số với nền quản trị số, kinh tế số, xã hội số phát triển, bởi vì dữ liệu đã trở thành “năng lượng mới”, thậm chí là “máu” của nền kinh tế số và “cần xây dựng nền tảng AI mở quốc gia giúp cho các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận ứng dụng AI và lưu ý rằng đó là AI Việt Nam”(22). Phát triển và ứng dụng công nghệ AI được xem là đòn bẩy thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Ngoài ra, các nước đang phát triển cần nghiên cứu xây dựng “thương hiệu” trong lĩnh vực khoa học - công nghệ nói chung, dữ liệu và AI nói riêng để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Sự hội nhập ngày càng tích cực của các nước đang phát triển trong lĩnh vực khoa học - công nghệ nói chung, dữ liệu và AI nói riêng để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế đang ngày càng cho thấy tầm quan trọng của điều này.

Một sự kiện quan trọng cho thấy tín hiệu tích cực theo hướng này là  việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về “Trí tuệ nhân tạo và Bán dẫn 2025” (AISC 2025) vào tháng 3-2025, với chủ đề “Kiến tạo tương lai: Kết nối AI và công nghệ bán dẫn toàn cầu” cùng sự tham gia của khoảng 1.000 đại biểu, bao gồm các nhà lãnh đạo, chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới đến từ Tập đoàn Google, NVIDIA, Meta, TSMC, Samsung, MediaTek, Tokyo Electron, Panasonic, Qorvo, Marvell,... và các tập đoàn công nghệ có trụ sở ở Thung lũng Silicon (Mỹ) nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học kết hợp giữa AI và bán dẫn. Việc đăng cai sự kiện và sự hiện diện của các nhà lãnh đạo, chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới đã khẳng định vai trò và vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn và AI toàn cầu.  Hội nghị quốc tế về “Trí tuệ nhân tạo và Bán dẫn 2025” cũng là nơi diễn ra lễ công bố các tổ chức Việt Nam chính thức gia nhập liên minh toàn cầu AI được sáng lập bởi Tập đoàn công nghệ IBM, Aitomatic Meta, AMD, Intel cùng các học viện công nghệ hàng đầu, hiện nay quy tụ hơn 140 thành viên đến từ 25 quốc gia, với sứ mệnh thúc đẩy đổi mới mở trong phát triển AI(23). Phát biểu tại AISC 2025, Tiến sĩ Christopher Nguyễn, nhà sáng lập Tập đoàn Aitomatic nhận định, nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển AI và bán dẫn đang cho thấy hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế dịch chuyển của chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu. Hội nghị AISC 2025 cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, khẳng định sức hút của Việt Nam như một điểm đến chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao(24). Một tín hiệu tích cực khác là theo Báo cáo e-Conomy SEA năm 2023 của Tập đoàn Công nghệ Google (Mỹ) và Tập đoàn Đầu tư Temasek (Xin-ga-po), nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 45 tỷ USD vào năm 2025, với công nghệ AI đóng vai trò chính trong sự tăng trưởng này(25).

Có thể thấy, quản trị toàn cầu về AI vẫn đang ở giai đoạn đầu và các nước đang phát triển đang tích cực, chủ động tham gia “sân chơi” này. Để bảo vệ lợi ích chung và sự phát triển trong tương lai của nhân loại, các quốc gia, tổ chức quốc tế, tập đoàn đa quốc gia và tổ chức phi chính phủ toàn cầu cần hợp tác để đạt được thỏa thuận về các hướng dẫn quản trị AI ở cấp độ toàn cầu nhằm phát huy tiềm năng và lợi ích mà AI mang lại, đồng thời giải quyết thách thức và nguy cơ từ việc ứng dụng AI. Sự hình thành một khung quy định và tiêu chuẩn hài hòa được phát triển thông qua các diễn đàn hợp tác quốc tế, theo nhiều chuyên gia, sẽ góp phần vào việc quản trị AI đa phương trong tương lai. Khuôn khổ này sẽ ưu tiên cân nhắc về đạo đức, quyền riêng tư về dữ liệu và quyền con người, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tham gia của các bên liên quan(26). Với cách tiếp cận này, hợp tác quốc tế về quy định AI có thể dẫn đến phổ biến đổi mới rộng rãi hơn, tạo ra giải pháp toàn diện cho thách thức toàn cầu mà thế giới đang phải đối mặt./.

--------------------

* Nghiên cứu này là kết quả của đề tài “Ngoại giao Việt Nam giai đoạn 2016 - 2026” thuộc Chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp bộ “Tổng kết lịch sử ngoại giao 40 năm (1986 - 2026)”

(1) Luciano Floridi: “What the Near Future of Artificial Intelligence Could Be” (Tạm dịch: Tương lai gần của trí tuệ nhân tạo có thể là gì), Philosophy & Technology, No. 32, tháng 3-2019, tr. 1 - 15; Luciano Floridi - Josh Cowls: “A Unified Framework of Five Principles for AI in Society” (Tạm dịch: Một khuôn khổ thống nhất gồm năm nguyên tắc cho AI trong xã hội), SSRN, tháng 4-2021, https://hdsr.mitpress.mit.edu/pub/l0jsh9d1/release/8
(2) Maral Niazi: “Conceptualizing Global Governance of AI”, (Tạm dịch: Khái niệm hóa quản trị toàn cầu về AI), Centre for International Governance Innovation, ngày 27-2-2024, https://www.cigionline.org/publications/conceptualizing-global-governance-of-ai/
(3) Trong đó, ngoài các nước phương Tây, có sự tham gia của Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po...
(4) P.A.T (NASATI): “Hội nghị thượng đỉnh về AI tại Hàn Quốc”, Cổng Thông tin điện tử Cục Thông tin, Thống kê, Bộ Khoa học và Công nghệ (NASTI), ngày 23-5-2024, https://www.vista.gov.vn/vi/news/cac-linh-vuc-khoa-hoc-va-cong-nghe/hoi-nghi-thuong-dinh-ve-ai-tai-han-quoc-8611.html
(5) TTXVN: “61 quốc gia thông qua tuyên bố chung về nhu cầu trí tuệ nhân tạo”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 12-2-2025, https://nhandan.vn/61-quoc-gia-thong-qua-tuyen-bo-chung-ve-nhu-cau-tri-tue-nhan-tao-post859609.html
(6) Xem: “REAIM 2023” (Tạm dịch: Hội nghị thượng đỉnh về sử dụng AI có trách nhiệm trong lĩnh vực quân sự năm 2023”, The Hague (HF Lan), tháng 2-2023, https://www.government.nl/ministries/ministry-of-foreign-affairs/activiteiten/reaim
(7) Xem: “Political Declaration on Responsible Military Use of Artificial Intelligence and Autonomy” (Tạm dịch: Tuyên bố chính trị về việc sử dụng AI có trách nhiệm trong lĩnh vực quân sự và quyền tự chủ), Bureau of Arms Control, Deterrence and Stability, ngày 1-11-2023, https://www.state.gov/political-declaration-on-responsible-military-use-of-artificial-intelligence-and-autonomy/
(8) Xem: Aimee Bataclan: “PAI, the UN, and Global AI Governance: Aligning Policies for People and Society” (Tạm dịch: Quan hệ đối tác về AI, Liên hợp quốc và quản trị AI toàn cầu: Điều chỉnh chính sách cho con người và xã hội), Partnership on AI, ngày 25-9-2024, https://partnershiponai.org/pai-the-un-and-global-ai-governance-aligning-policies-for-people-and-society/
(9) Lucía Gamboa - Evi Fuelle: “UN Report: What does it mean for global governance?” (Tạm dịch: Báo cáo của Liên hợp quốc: Điều này có ý nghĩa gì đối với quản trị toàn cầu?), Credo Al, ngày 12-9-2024, https://www.credo.ai/blog/un-report-what-does-it-mean-for-global-governance-2
(10) “Policies, data and analysis for trustworthy artificial intelligence” (Tạm dịch: Chính sách, dữ liệu và phân tích đáng tin cậy về trí tuệ nhân tạo), OECD. AI Policy Observatory, 2025, https://oecd.ai
(11) “Analyzing artificial intelligence plans in 34 countries” (Tạm dịch: Phân tích kế hoạch AI ở 34 quốc gia), Brookings Institution, ngày 13-5-2021, https://www.brookings.edu/articles/analyzing-artificial-intelligence-plans-in-34-countries/
(12) “Cuộc đua Trí tuệ nhân tạo toàn cầu”, Báo Nhân Dân, ngày 11-4-2023, https://nhandan.vn/chu-de/cuoc-dua-tri-tue-nhan-tao-toan-cau-704622.html
(13) Cẩm Anh: “Doanh nghiệp toàn cầu chờ đón khung quy định về AI”, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, VCCI, ngày 26-12-2023, https://diendandoanhnghiep.vn/doanh-nghiep-toan-cau-cho-don-khung-quy-dinh-ve-ai-256764.html
(14) “Quản trị trí tuệ nhân tạo toàn cầu: Bước tiến dài từ Bletchley tới Seoul”, Vietnamnet, ngày 26-5-2024, https://www.vietnamplus.vn/quan-tri-tri-tue-nhan-tao-toan-cau-buoc-tien-dai-tu-bletchley//-toi-seoul-post955404.vnp
(15) Ian Bremmer - Mustafa Suleyman: “The AI Power Paradox: Can States Learn to Govern Artificial Intelligence - Before It’s Too Late?” (Tạm dịch: Nghịch lý sức mạnh AI: Liệu các quốc gia có thể học cách quản lý trí tuệ nhân tạo trước khi quá muộn?), Foreign Affairs, ngày 16-8-2023, https://www.foreignaffairs.com/world/artificial-intelligence-power-paradox?check_logged_in=1
(16) UNESCO: “Recommendation on the Ethics of Artificial Intelligence” (Tạm dịch: Khuyến nghị về quy tắc ứng xử  đối với trí tuệ nhân tạo), United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization,  ngày 23-11-2021, https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000381137/PDF/381137eng.pdf.multi
(17) Xem: Jared Cohen - George Lee: “The generative world order: AI, geopolitics, and power” (Tạm dịch: Trật tự thế giới sáng tạo: AI, địa - chính trị và quyền lực), Goldman Sachs, ngày 14-12-2023, https://www.goldmansachs.com/intelligence/pages/the-generative-world-order-ai-geopolitics-and-power.html
(18) Edith M. Lederer: “UN experts urge United Nations to lay foundations for global governance of artificial intelligence” (Tạm dịch: Các chuyên gia Liên hợp quốc kêu gọi Liên hợp quốc đặt nền móng cho việc quản trị toàn cầu về  trí tuệ nhân tạo), Independent, ngày 20-9-2024, https://www.independent.co.uk/news/ap-antonio-guterres-international-atomic-energy-agency-european-union-california-b2615991.html
(19) Ian Bremmer - Mustafa Suleyman: “The AI Power Paradox: Can States Learn to Govern Artificial Intelligence - Before It’s Too Late?” (Tạm dịch: Nghịch lý sức mạnh AI: Liệu các quốc gia có thể học cách quản trị trí tuệ nhân tạo trước khi quá muộn?), Tlđd
(20) Xem: “Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, Báo điện tử Chính phủ, ngày 13-01-2025, https://baochinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-to-lam-tai-hoi-nghi-toan-quoc-ve-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-quoc-gia-102250113125610712.htm
(21) Xem: “Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, Tlđd
(22) “Tổng Bí thư Tô Lâm: Hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của lĩnh vực dữ liệu”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 22-03-2025, https://www.vietnamplus.vn/tong-bi-thu-to-lam-ho-tro-toi-da-cho-su-phat-trien-cua-linh-vuc-du-lieu-post1022056.vnp
(23) Xem: Tô Hà - Văn Toản: “Hơn 1.000 lãnh đạo, chuyên gia công nghệ và AI sẽ đến Việt Nam tham dự AISC 2025”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 24-2-2025, https://nhandan.vn/hon-1000-lanh-dao-chuyen-gia-cong-nghe-va-ai-se-den-viet-nam-tham-du-aisc-2025-post861395.html
(24) Xem: Tô Hà: “Vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 12-3-2025, https://nhandan.vn/vi-the-moi-cua-viet-nam-trong-chuoi-gia-tri-nganh-cong-nghiep-ban-dan-toan-cau-post864611.html
(25) Đức Thiện: “Việt Nam đang chuyển dịch sang AI”, Báo Tuổi trẻ điện tử, ngày 7-3-2025, https://tuoitre.vn/viet-nam-dang-chuyen-dich-sang-ai-20250307081510146.htm
(26) Maral Niazi: “Conceptualizing Global Governance of AI” (Tạm dịch: Khái niệm hóa quản trị toàn cầu về AI), Tlđd

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/1102002/quan-tri-toan-cau-ve-tri-tue-nhan-tao--thuc-trang%2C-thach-thuc-va-mot-so-ham-y-chinh-sach.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm