Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dấu ấn của trí tuệ, trách nhiệm

Nhìn lại 35 ngày nghị sự căng mình của Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV với những dấu mốc đặc biệt quan trọng trong lịch sử lập pháp của đất nước, có đóng góp quan trọng của các Đoàn ĐBQH. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng “từ sớm, từ xa”, các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã phát huy tối đa trí tuệ, nhiệt huyết và trách nhiệm góp phần cùng Quốc hội kiến tạo nên những quyết sách lịch sử, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân07/07/2025

Cùng Quốc hội kiến tạo những quyết sách lịch sử

Diễn ra trong bối cảnh đất nước đang khẩn trương thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Kỳ họp thứ Chín là kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Phát huy tinh thần trí tuệ và trách nhiệm, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa luôn chủ động nghiên cứu tài liệu, tích cực đóng góp ý kiến góp ý vào các dự thảo luật, nghị quyết và các nội dung thuộc chương trình nghị sự tại kỳ họp. Với gần 30 lượt ý kiến thảo luận tại hội trường, hơn 40 lượt ý kiến thảo luận tại tổ, các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri và Nhân dân. Trong đó, nhiều ý kiến của ĐBQH tỉnh thể hiện được tầm nhìn chiến lược; những phân tích sâu sắc mang tính logic từ lý luận đến thực tiễn; nhiều đề xuất, kiến nghị được Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao và được tiếp thu để hoàn thiện các nghị quyết, dự án luật bảo đảm quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tế.

z6739338445004_71bef914354286ca4fe6e01bf22bd591.jpg

Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Hồ Long

Điển hình như, đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tại khoản 2, Điều 115, các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị giữ nguyên quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân. Bởi, đây là nội dung quan trọng nhằm tăng cường tính giám sát, kiểm soát quyền lực, nâng cao vai trò của cơ quan dân cử tại địa phương. Nội dung kiến nghị, đề xuất này của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, cũng là kiến nghị của nhiều ĐBQH khác đã được Quốc hội tiếp thu, điều chỉnh tại Nghị quyết số 203/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được thông qua ngày 16/6/2025.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên, trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, ĐBQH có vị trí trung tâm với vai trò hạt nhân có đóng góp quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả, tính khả thi của các dự án luật. Ý thức rõ điều này, mỗi ĐBQH tỉnh Thanh Hóa luôn tích cực, chủ động nghiên cứu để đưa ra những phân tích khách quan, toàn diện, cụ thể cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp, với đầy đủ các căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn. “Tôi cho rằng, tinh thần “lập pháp chủ động” của Quốc hội Khóa XV đã và sẽ tiếp tục được lan tỏa, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước”.

Đau đáu với tâm tư, nguyện vọng cử tri

Bên cạnh tích cực, chủ động, trách nhiệm trong hoạt động lập pháp, các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa luôn đau đáu với tâm tư, nguyện vọng cử tri gửi gắm. Tại các phiên thảo luận hội trường, thảo luận tổ, các ĐBQH tỉnh đã thẳng thắn đề cập tới các vấn đề “nóng” được đông đảo cử tri quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của cử tri và Nhân dân.

Điển hình, các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng hóa, tăng cường công tác hậu kiểm; tăng mức phạt để đủ sức răn đe; quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là những mặt hàng liên quan đến thuốc chữa bệnh, thực phẩm, những mặt hàng liên quan đến sức khỏe con người. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng nhà tái định cư bỏ hoang; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nhân dân; xử lý tình trạng lừa đảo trên không gian mạng; có phương án sắp xếp tài sản công dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính…

Đặc biệt, qua theo dõi hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp này, nhiều cử tri tỉnh Thanh Hóa bày tỏ ấn tượng và đồng tình với phát biểu của ĐBQH tỉnh tại phiên thảo luận của Quốc hội về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Theo cử tri Nguyễn Thị Minh (xã Định Hòa): các ĐBQH tỉnh đã rất thấu hiểu nỗi lòng của cử tri khi phát biểu trước Quốc hội rằng đa số kiến nghị cử tri được các bộ, ngành giải trình, cung cấp thông tin là chủ yếu, một số câu trả lời còn chung chung, chưa rõ phương án xử lý. Bản thân tôi cũng như nhiều cử tri và Nhân dân trong cả nước rất mong các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm, sát sao hơn nữa để giải quyết thấu đáo, triệt để các kiến nghị chính đáng của cử tri.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên, cử tri theo dõi thường xuyên hoạt động của Quốc hội có thể thấy, Quốc hội luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách. Nhiều chính sách là sáng kiến của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, được đề xuất trên cơ sở tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Do đó, với vị trí là "cầu nối" giữa Quốc hội với cử tri, các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa luôn nỗ lực ghi nhận đầy đủ, toàn diện những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân để chuyển tải đến các bộ, ngành Trung ương với mong muốn đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn và mong đợi của cử tri.


Nguồn:https://daibieunhandan.vn/dau-an-cua-tri-tue-trach-nhiem-10378906.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm