Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới

TCCS - Xây dựng và thi hành pháp luật là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Giai đoạn vừa qua, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác thi hành pháp luật vẫn còn những hạn chế. Để thúc đẩy việc tuân thủ, thực thi pháp luật trong kỷ nguyên mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30-4-2025, về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”. Văn hóa tuân thủ pháp luật là môi trường pháp lý quan trọng, là cơ sở để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản06/07/2025


Vai trò của văn hóa tuân thủ pháp luật

Trong khoa học pháp lý có 4 hình thức thực hiện pháp luật: tuân thủ pháp luật; thi hành pháp luật; sử dụng pháp luật; và áp dụng pháp luật. Tuân thủ pháp luật là một trong 4 hình thức thực hiện pháp luật, thể hiện việc các chủ thể kiềm chế hành vi, thực hiện pháp luật một cách thụ động, không vi phạm những quy định cấm của pháp luật. Văn hóa tuân thủ pháp luật là một trong những khía cạnh của thực hiện và tuân thủ pháp luật. Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Văn hóa tuân thủ pháp luật không đơn thuần là sự thụ động làm theo những gì pháp luật quy định mà đó là nhận thức toàn diện, là thái độ tích cực và hành vi chủ động, tự giác thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mỗi chủ thể được pháp luật quy định. Mặt khác, văn hóa tuân thủ pháp luật là hành động có chủ đích của mỗi người với niềm tin sâu sắc vào công lý và công bằng xã hội. Văn hóa tuân thủ pháp luật không chỉ là ý thức, thái độ, hành vi của một chủ thể đơn lẻ mà trở thành chuẩn mực, lối sống được thừa nhận và phổ biến rộng rãi trong xã hội. Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển bứt phá, giàu mạnh, hùng cường của đất nước, “pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển”(1). Văn hóa tuân thủ pháp luật còn là những yêu cầu khách quan, đòi hỏi các chủ thể trong xã hội cần chủ động, tích cực phát hiện những “điểm nghẽn” do chính pháp luật tạo ra, cản trở việc thực thi pháp luật, ảnh hưởng đến việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển trong đời sống xã hội. Từ những phát hiện đó, các chủ thể cần đưa ra ý kiến phản ánh, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật cho phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

Nữ chiến sĩ công an nhân dân giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho các em học sinh _Ảnh: TTXVN

Việc hình thành và phát triển văn hóa tuân thủ pháp luật đóng vai trò cốt lõi trong xây dựng và thi hành pháp luật, bởi đây là yếu tố quyết định sự hoàn thiện, cũng như hiệu quả vận hành của hệ thống pháp luật trong thực tiễn, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Văn hóa tuân thủ pháp luật có tác động tích cực, mạnh mẽ đến quá trình xây dựng pháp luật, quyết định mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật. Khi có ý thức pháp luật đầy đủ, người dân sẽ chủ động, tích cực tham gia quá trình xây dựng pháp luật thông qua các hình thức, như bỏ phiếu trưng cầu dân ý, đóng góp ý kiến cho các dự án luật, phản biện chính sách trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp... Điều này tạo nên sự tương tác hai chiều giữa nhà nước và xã hội trong quá trình hình thành các quy phạm pháp luật, giúp các quy định được ban hành không chỉ đúng nguyên tắc pháp lý mà còn bám sát thực tiễn, “đứng trên mảnh đất thực tiễn”, “vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển”(2).

Văn hóa tuân thủ pháp luật thúc đẩy sự minh bạch và dân chủ trong xây dựng pháp luật. Khi người dân có hiểu biết, kiến thức pháp luật và tích cực tham gia giám sát, phản biện đối với các dự thảo luật,… sẽ tạo ra nhu cầu về việc thiết lập một môi trường pháp lý minh bạch. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền phải chủ động nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, công khai hóa thông tin, dân chủ hóa quy trình xây dựng luật pháp để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và yêu cầu, đòi hỏi khách quan của thực tiễn. Việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý những dự thảo dự án luật chịu ảnh hưởng đáng kể của văn hóa tuân thủ pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, chuyên gia pháp lý... Khi văn hóa tuân thủ pháp luật của đội ngũ lãnh đạo, công chức xây dựng pháp luật được bồi dưỡng, chuẩn hóa, nâng cao, chất lượng của các văn bản pháp luật sẽ được nâng lên, đáp ứng được những tiêu chí và yêu cầu về mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật. Những văn bản pháp luật công bằng, dân chủ, tiến bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận,… sẽ dần thay thế những văn bản pháp luật mang nặng tính chủ quan, áp đặt. Quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận, quy định và bảo vệ chặt chẽ sẽ góp phần nâng cao niềm tin của người dân vào pháp luật vào công lý. Hệ thống pháp luật công bằng, dân chủ, văn minh,… là cơ sở, điều kiện thiết yếu để nâng cao ý thức pháp luật và văn hóa tuân thủ pháp luật trong đời sống xã hội.

Văn hóa tuân thủ pháp luật là yếu tố quyết định hiệu quả thi hành pháp luật. Pháp luật được bảo đảm thực hiện bằng tính cưỡng chế. Khi pháp luật được ban hành, nhà nước có thể sử dụng quyền lực của mình để áp dụng các biện pháp cưỡng chế, buộc các chủ thể trong xã hội phải thi hành pháp luật. Tuy nhiên, việc thi hành pháp luật không thể chỉ hoàn toàn dựa vào các biện pháp cưỡng chế của nhà nước, bởi cách làm như vậy có thể tạo ra sự xung đột, tâm lý bất ổn trong xã hội và gây ra những tốn kém về nguồn lực cho nhà nước. Nếu mỗi người dân đều có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về luật pháp, họ sẽ tin tưởng vào pháp luật. Trong xã hội, pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi cá nhân. Với nhận thức đó, tuân thủ pháp luật sẽ là bổn phận, trách nhiệm tự thân của mỗi cá nhân, cũng như của mọi người. Như vậy, pháp luật sẽ dễ dàng đi vào thực tiễn và đời sống xã hội.

Văn hóa tuân thủ pháp luật tạo ra một môi trường xã hội ổn định, ở đó,  hành vi của mỗi người được điều chỉnh bằng ý thức tự thân chứ không phải bằng nỗi sợ hãi vì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế. Khi người dân tuân thủ pháp luật và hành động trong khuôn khổ pháp luật, những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội sẽ được giảm thiểu tối đa. Bộ máy hành chính, tư pháp được giảm bớt áp lực công việc và tiết kiệm được chi phí thực thi pháp luật. Tuân thủ pháp luật còn là yếu tố góp phần thúc đẩy việc thực thi pháp luật công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời...

Đặc biệt, văn hóa tuân thủ pháp luật còn là yếu tố bảo đảm sự gắn kết giữa quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội của các chủ thể. Trong xã hội pháp quyền, mọi quyền lợi đều đi kèm với nghĩa vụ pháp lý, trách nhiệm xã hội. Văn hóa tuân thủ pháp luật giúp các chủ thể nhận thức được giới hạn của hành vi, không chỉ từ góc độ pháp lý mà còn từ góc độ đạo đức, trách nhiệm cộng đồng. Người dân không chỉ biết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, mà còn chủ động thực hiện nghĩa vụ với nhà nước và xã hội. Niềm tin của nhân dân vào nhà nước pháp quyền sẽ được củng cố và nâng cao. Pháp luật sẽ trở thành động lực thúc đẩy, nâng cao năng lực của các chủ thể quản trị quốc gia. Đó là cơ sở để phát huy nội lực, đưa đất nước phát triển một cách bền vững.

Ngược lại, nếu trong một môi trường mà văn hóa tuân thủ pháp luật yếu, người dân thờ ơ hoặc không có năng lực pháp lý cần thiết để tham gia xây dựng pháp luật, hệ thống pháp luật dễ rơi vào tình trạng hình thức, xa rời đời sống, thiếu tính ổn định, khả thi. Khi đó, pháp luật trở thành “điểm nghẽn” đối với sự phát triển. Nếu văn hóa tuân thủ pháp luật thấp, ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng yếu kém..., ngay cả những văn bản pháp luật được xây dựng hoàn thiện nhất cũng khó phát huy được giá trị trong thực tiễn. Trong trường hợp này, pháp luật có thể bị áp dụng một cách tùy tiện, không nhất quán, thiếu công bằng… Các hiện tượng “lách luật”, trục lợi chính sách, tham nhũng, lợi ích nhóm,... có cơ hội hoành hành. Điều đó khiến niềm tin vào pháp luật và công lý của người dân bị dao động, xói mòn.

Thực trạng về văn hóa tuân thủ pháp luật trong giai đoạn hiện nay

Sau nhiều năm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, văn hóa tuân thủ pháp luật ở nước ta có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân quan tâm nhiều hơn đến chính sách, pháp luật và tin tưởng hơn vào sự công bằng, nghiêm minh trong thực thi, áp dụng pháp luật, đồng thời tích cực, chủ động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Những năm gần đây, mức độ quan tâm của người dân đến chính sách, pháp luật là khá cao và có xu hướng tăng dần. Sự cảm nhận của người dân về những vấn đề liên quan đến tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy công quyền được cải thiện đáng kể theo chiều hướng tích cực. Việc lấy ý kiến nhân dân về sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã đã hoàn thành với tỷ lệ đồng thuận đạt mức độ gần như tuyệt đối. Sau một thời gian tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, “hơn 280 triệu lượt ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và tỷ lệ tán thành rất cao đạt 99,75%”(3).

 Tuy nhiên, thực trạng văn hoá tuân thủ pháp luật ở Việt Nam cho thấy, vẫn còn một số vấn đề đáng lo ngại. “Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân chưa nghiêm”(4). Hành vi vi phạm pháp luật còn diễn ra phổ biến và phức tạp trong nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực liên quan, tác động trực tiếp đến đời sống người dân, như đất đai, sản xuất, kinh doanh, thương mại... “Năm 2023, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 52.251 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Năm 2024, phát hiện và xử lý 47.135 vụ. Bốn tháng đầu năm 2025, các địa phương và đơn vị đã bắt giữ và xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.892 tỷ đồng, khởi tố hình sự 1.405 vụ, hơn 2.100 đối tượng”(5), trong đó một số vụ việc có sự tiếp tay của một số cán bộ, công chức. “Cục Cảnh sát giao thông cho biết, năm 2024 toàn quốc xảy ra 21.532 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 9.954 người, bị thương 16.044 người. Trong đó, có 23 vụ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đường bộ, làm chết 76 người, bị thương 17 người”(6). Kết quả tổng kết cho thấy, ý thức pháp luật kém, bất chấp, coi thường pháp luật của người tham gia giao thông là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn giao thông. Đáng chú ý, trên không gian mạng - một môi trường pháp lý đặc thù - các hành vi vi phạm pháp luật, như tung tin giả, lừa đảo trực tuyến, vu khống, bôi nhọ uy tín, danh dự cá nhân, tổ chức, chống phá Đảng, Nhà nước diễn ra khá phức tạp.

Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua đạt được những thành tích nổi bật, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào công lý, công bằng xã hội, song tham nhũng là vấn nạn xã hội nguy hại, cần được đấu tranh quyết liệt, đặc biệt là khi một số đại án tham nhũng bị phát hiện gần đây. Điều này cho thấy, vẫn còn một tỷ lệ người dân nhất định lo ngại về vấn đề nghiêm minh, công bằng trong việc thực thi pháp luật.

Ý thức chủ động, tự giác, tích cực trong tìm hiểu pháp luật và tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật của một bộ phận dân cư chưa cao. Số liệu thống kê trong giai đoạn 2022 - 2024 cho thấy, người dân có xu hướng sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, như radio, ti vi, báo chí, mạng xã hội,... để theo dõi chính sách, pháp luật ngày càng nhiều hơn. Trong số những người dân được khảo sát, số người sẵn sàng tham gia góp ý xây dựng, chính sách, pháp luật chiếm tỷ lệ chưa cao. Hình thức gửi phiếu xin ý kiến đến nhà, cơ quan nhận được người dân ủng hộ cao nhất, nhưng chỉ khoảng 39,14% số người được khảo sát sẵn sàng tham gia hình thức này. Chỉ có 9,53% số người được khảo sát sẵn sàng tham gia góp ý đối với chính sách, pháp luật theo hình thức trực tuyến. Số liệu này cho thấy mức độ chủ động tìm hiểu chính sách, pháp luật của người dân còn chưa cao(7).

Bên cạnh tình trạng một số cá nhân thiếu ý thức pháp luật, không tuân thủ, thực hiện những quy định của pháp luật..., tình trạng hệ thống pháp luật chưa được hoàn thiện, đầy đủ, thiếu tính ổn định, minh bạch, khả thi,... cũng là trở ngại đáng kể đối với việc xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật. “Hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, nhiều nội dung chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền”(8), tính công khai, minh bạch, khả thi, ổn định còn có những hạn chế nhất định. “Tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật còn tồn tại, ảnh hưởng đến việc thực hiện, áp dụng pháp luật, khiến việc giải quyết các thủ tục hành chính, pháp lý mất nhiều thời gian. Những vấn đề tồn tại trong hệ thống pháp luật trên đây khiến hiệu lực, hiệu quả của pháp luật bị suy giảm, ảnh hưởng đến niềm tin, tâm lý của người dân đối với pháp luật”(9).

Chiến lược cải cách tư pháp do Đảng lãnh đạo giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng và những thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, hoạt động tư pháp nói chung vẫn còn những điểm hạn chế nhất định. “Mặc dù chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án dân sự, hình sự, kinh tế,… của tòa án nhân dân các cấp đều có tiến bộ, song tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan chưa giảm mạnh so với yêu cầu cải cách tư pháp”(10). “Tỷ lệ xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ cao”(11). “Vẫn còn những bị cáo trong các vụ án phạm tội về kinh tế, tham nhũng được hưởng án treo không đúng quy định”(12). Một số hạn chế, bất cập trong hoạt động tư pháp thời gian vừa qua đã gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với niềm tin, tâm lý xã hội. Vì vậy, sự tin tưởng của nhân dân vào pháp luật và công lý cũng bị ảnh hưởng nhất định.

Một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản

Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, để xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, củng cố tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, cần triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật có ảnh hưởng lớn đến văn hóa tuân thủ pháp luật. Hệ thống pháp luật tác động đến tâm lý, tình cảm, niềm tin của các chủ thể đối với pháp luật, hình thành thái độ tích cực hoặc tiêu cực trong tuân thủ pháp luật. Hệ thống pháp luật hoàn thiện là hệ thống pháp luật ghi nhận và thể hiện ý chí của nhân dân, phù hợp với sự phát triển của xã hội, hướng tới bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của các chủ thể, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, hạnh phúc của người dân. Pháp luật càng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, càng dễ thực hiện, đi vào cuộc sống, đồng thời sẽ được nhân dân tôn trọng, đón nhận và tích cực, chủ động, tự giác thực hiện. Nếu hệ thống pháp luật đáp ứng được những tiêu chí, yêu cầu trên đây, thì thượng tôn Hiến pháp và pháp luật dần trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Văn hóa tuân thủ pháp luật được tiếp nhận, thẩm thấu, lan tỏa, định hình và phát triển.  

Cần “đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển”(13); khẩn trương rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường đối thoại, tiếp nhận, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn”; tiếp tục hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp, gắn với phân cấp, phân quyền tối đa theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, đáp ứng yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, đưa môi trường đầu tư của Việt Nam vươn lên trong nhóm 3 nước dẫn đầu khối ASEAN vào năm 2028.

Pháp luật cần thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh; tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Cần từ bỏ tư duy không quản được thì cấm trong xây dựng, ban hành pháp luật. Phấn đấu, đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi; năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật hiện đại, tiệm cận chuẩn mực quốc tế, phù hợp với thực tiễn trình độ phát triển của đất nước và tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho ngư dân_Ảnh: TTXVN

Thứ hai, nâng cao nhận thức pháp luật và trách nhiệm xã hội của mọi chủ thể.

Văn hóa tuân thủ pháp luật được hình thành dựa trên nền tảng của sự hiểu biết về pháp luật và trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân. Khi hiểu biết pháp luật, nhận thức rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội của mình, mỗi thành viên trong xã hội sẽ chủ động tuân thủ pháp luật, coi sự tuân thủ luật pháp là bổn phận, là cách thức để bảo vệ chính mình và cộng đồng. Ý thức pháp luật và trách nhiệm xã hội còn thúc đẩy con người thực hiện hành vi phòng ngừa và đấu tranh chống các biểu hiện vi phạm pháp luật, giúp họ có khả năng phân tích, chất vấn, phản biện, đưa ra kiến nghị đúng đắn và hợp pháp. Ý thức pháp luật và trách nhiệm xã hội là điều kiện để mỗi cá nhân có thể hướng dẫn, giúp đỡ các chủ thể khác thực thi pháp luật, truyền cảm hứng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, góp phần hình thành và phát triển văn hóa tuân thủ pháp luật. 

Do đó, cần đẩy mạnh và đa dạng hóa phương thức truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội, người dân, doanh nghiệp... Cần chú trọng công tác giải thích pháp luật và hướng dẫn thực thi pháp luật, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sinh động hơn, tăng cường ứng dụng công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật; ưu tiên thông tin, tuyên truyền những nội dung pháp lý trên các phương tiện phát thanh, truyền hình quốc gia; xây dựng, sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật gần gũi với đời sống, truyền cảm hứng bằng tấm gương đời thực; nêu bật những giá trị, ý nghĩa của việc tuân thủ pháp luật và những rủi ro, hậu quả pháp lý nếu cá nhân, tổ chức cố tình không thực thi những quy định của pháp luật.

Cần mở rộng mạng lưới trợ giúp pháp lý để người dân nhận được sự hỗ trợ kịp thời khi gặp khó khăn, nhất là đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, người nghèo, thu nhập thấp gặp nhiều trở ngại, rào cản phi chính thức trong việc tiếp cận tư pháp, công lý...; thực hiện giáo dục pháp luật từ nhà trường đến cộng đồng, nâng cao chất lượng đào tạo luật, phát triển các cơ sở đào tạo luật trọng điểm có uy tín.

Thứ ba, thực thi pháp luật công bằng, nghiêm minh, nhất quán, tôn vinh và nhân rộng những tấm gương điển hình về văn hóa tuân thủ pháp luật.

Đây là giải pháp củng cố và gia tăng niềm tin vào công lý, pháp luật, tạo động lực thúc đẩy việc tuân thủ pháp luật. Khi pháp luật không được áp dụng một cách nghiêm minh, công bằng, nhất quán…, trong xã hội có thể xuất hiện tâm lý không tin tưởng vào pháp luật, tìm cách “lách luật” hoặc có tâm lý thờ ơ, bàng quan với tệ nạn tham nhũng, tiêu cực…  

Thời gian tới, cần quán triệt, thực hiện đúng chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời... Cần chuẩn hóa và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường pháp chế, kỷ luật, kỷ cương gắn với nền công vụ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm soát quyền lực hiệu quả; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh đối với hành vi vi phạm pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Cần tôn vinh, khen thưởng, khơi dậy niềm tự hào đối với những cá nhân, tổ chức gương mẫu tuân thủ pháp luật, hình thành giá trị chuẩn mực về tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, coi trọng việc tuân thủ pháp luật và xem đây là biểu hiện của văn minh pháp lý, gắn với danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức, cộng đồng...

Trong bối cảnh phát triển đất nước hiện nay, xây dựng và phát triển văn hóa tuân thủ pháp luật là một yêu cầu cấp thiết, bảo đảm cho quá trình xây dựng và thi hành pháp luật đạt được hiệu quả, thực chất và mang lại giá trị, ý nghĩa lâu dài đối với xã hội. Văn hóa tuân thủ pháp luật là thành tố quan trọng, góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, bình đẳng, an toàn, minh bạch, ở đó nhân dân thực sự là những người làm chủ, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Các chủ thể trong xã hội như: Nhà nước, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp,... đều cần có sự phối hợp, tương tác bằng những hành động thiết thực, cụ thể, xây dựng nền văn hóa tuân thủ pháp luật toàn diện, đồng bộ. Khi được các chủ thể tôn trọng như một giá trị sống, pháp luật sẽ trở thành động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới./.

-----------------------------

(1) Xem: Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30-4-2025, của Bộ Chính trị, về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”
(2) Xem: Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30-4-2025, của Bộ Chính trị, về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”
(3) Diệu Anh: “Trên 280 triệu lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 6-6-2025
(4) Xem: Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, ngày 9-11-2022, về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”
(5) Phương Thủy:  “Quốc hội "nóng" về hàng giả, hàng nhái, đại biểu đề xuất nhiều giải pháp kịp thời”, Báo Công an nhân dân điện tử, ngày 17-6-2025, https://vtv.vn/xa-hoi/nguyen-nhan-chinh-dan-den-tai-nan-la-do-khong-chap-hanh-quy-tac-giao-thong-20250101065741841.htm
(6) VTVONLINE: “Nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn là do không chấp hành quy tắc giao thông”, ngày 01-1-2025
(7) Xem: Bộ Nội vụ - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Hội Cựu chiến binh Việt Nam: “Báo cáo chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024”
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 79, 173
(9) Xem: Nguyễn Văn Thôi: “Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 02-2-2020
(10) Xem: Nguyễn Văn Thôi: “Cải cách tư pháp trong gần 40 năm đổi mới và giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp, bảo đảm công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 30-11-2024
(11) Nguyễn Hòa Bình: “Xây dựng Tòa án nhân dân xứng đáng là biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr. 19
(12) Nguyễn Hòa Bình: “Xây dựng Tòa án nhân dân xứng đáng là biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin”, Sđd, tr. 19
(13) Xem: Nghị quyết số 66 -NQ/TW, ngày 30 - 4 - 2025, của Bộ Chính trị, về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/1102402/xay-dung-van-hoa-tuan-thu-phap-luat-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-dat-nuoc-trong-ky-nguyen-moi.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm