
Dòng nước từ công trình thủy lợi Đắk Diêr, ở xã Cư Jút đã giúp cho nhiều mảnh đất khô cằn trở nên màu mỡ, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân, nhất là các hộ dân tộc thiểu số các xã Cư Jút và Nam Dong. Những năm 2010 về trước, nhiều thôn thuộc 2 xã trên là vùng thường xảy ra khô hạn, thiếu nước. Nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp không đem lại hiệu quả vì nguồn nước không ổn định. Điều này đã làm cho cuộc sống của nhiều nông hộ thêm phần khó khăn. Khi công trình thủy lợi Đắk Diêr được xây dựng với số vốn trên 241 tỷ đồng, dung tích toàn phần là 5,5 triệu m3 nước đã làm cho đời sống của người dân nơi đây dần ổn định, ấm no hơn.
Là người đã sinh sống tại xã Cư Jút gần 30 năm nay, anh Sầm Văn Khoan, thôn 2 có 5 sào đất trồng lúa. Anh vẫn còn nhớ rõ, khi chưa có công trình thủy lợi, việc sản xuất lúa khó khăn, nhất là thời điểm mùa khô. Để có được nguồn nước, nhiều lúc anh phải thức trắng hằng đêm canh con nước từ suối ra đồng. Nước thiếu thì lúa kém phát triển, năng suất cũng không cao nên có năm chịu cảnh thiếu ăn. Thế nhưng khoảng 10 năm nay, chuyện sản xuất lúa của gia đình anh đã “dễ thở” hơn vì nguồn nước luôn bảo đảm. Năng suất, chất lượng lúa của gia đình cũng không ngừng tăng lên, hiện đạt mức 7-8 tấn/ha, lương thực cho gia đình anh luôn đầy đủ. Không những ăn no, anh còn sản xuất ổn định các loại cây trồng dài ngày như cà phê, hồ tiêu nâng cao mức sống gia đình.
Theo ông Ngô Quốc Phong, Chủ tịch UBND xã Cư Jút, hiệu quả đa mục tiêu từ công trình thủy lợi Đắk Diêr là rất lớn, nhất là đối với “vựa lúa” của xã với diện tích lớn trên 300 ha. Nguồn nước ổn định từ công trình còn góp phần bảo đảm dòng chảy các suối nhỏ, ổn định mực nước ngầm cho giếng nước tưới, sinh hoạt bà con trong xã và một phần xã Nam Dong.

Tương tự, những năm qua, các công trình thủy lợi ở các xã Liên Hương, Tuy Phong, Vĩnh Hảo cũng được khai thác theo hướng đa mục tiêu. Điển hình như 3 công trình hồ chứa gồm Phan Dũng, Lòng Sông và Đá Bạc với tổng dung tích hơn 55 triệu m³ đã quyết định việc hình thành, duy trì ổn định các vùng sản xuất lúa. Cùng với đó, từ các vùng khô cằn, các công trình hồ chứa đã góp phần phát triển ổn định các cây trồng lợi thế như táo, nho, rau màu, thanh long, chăn nuôi dê, bò, cừu.
Có thể nói đây là những điển hình cho hiệu quả công trình đối với sản xuất nông nghiệp, điều hòa không khí, tạo sinh thái ổn định, bảo đảm nước sinh hoạt tại địa phương. Nhất là trong điều kiện nắng nóng, khô hạn ngày càng khốc liệt như hiện nay thì công trình càng phát huy vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn: https://baolamdong.vn/phat-huy-cac-cong-trinh-thuy-loi-theo-huong-da-muc-tieu-382710.html
Bình luận (0)