Là “con nhà nòi”, song Việt Văn không lựa chọn con đường làm báo “salon”, mà thực sự dấn thân để trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm những khoảnh khắc thú vị; chia sẻ những hình ảnh mang hơi thở cuộc sống, mang thân phận con người đến với công chúng. Điều đáng nói, nếu một nghệ sĩ ôm đồm quá nhiều chức phận thì đôi khi sẽ có lĩnh vực bị đuối. Trong trường hợp của Việt Văn thì ngược lại, lĩnh vực nào anh cũng cho thấy một Việt Văn am tường, lão luyện.
|
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Văn tại Triển lãm "Mẹ tôi" ở Hy Lạp. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Điều này đã được nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Quang Phùng lý giải: “Việt Văn đọc nhiều, suy tư nhiều, thể nghiệm nhiều, nghiên cứu nhiều và còn là một nhà báo. Chính sự trau dồi không ngừng khiến những bức ảnh của Văn mang cá tính riêng. Phong cách nhiếp ảnh của Văn cũng khác với những người khác. Cái nhìn của một nhà báo và nhà nhiếp ảnh trong Văn đã hỗ trợ cho nhau”.
Điều tôi thích nhất khi đứng trước các tác phẩm của Việt Văn là bản thân như được chìm vào một chiều kích không gian mà anh thiết kế, sắp đặt vừa hoàn toàn tự nhiên nhưng lại thấy rõ bố cục mảng miếng của ánh sáng, đồ vật, con người, khung cảnh...; mang ý tình của chủ thể sáng tạo và nhân vật trung tâm tác phẩm. Từ đó, tác phẩm cất lên tiếng nói, có đời sống riêng và thầm lặng kể câu chuyện riêng, gợi sự suy ngẫm của các đối tượng thưởng lãm ảnh khác nhau. Điều này trở thành phong cách nhiếp ảnh nhất quán của anh kể từ khi Triển lãm bộ ảnh “Đạo và Đời” (năm 2006) và bộ ảnh “Tướng trận thời bình” phản ánh đời thường của 12 vị tướng (năm 2009) cho đến mãi sau này.
Phong cách thú vị đó không chỉ ở nhiếp ảnh mà mỗi bài báo của anh, dù ở dạng phản ánh đơn thuần hay bài đặc tả chân dung, cống hiến của nhân vật, hay những bài tiểu luận dung chứa hàm lượng khoa học cao... Những người tinh ý sẽ nhận thấy sau mỗi lớp chữ hay bố cục của bài báo đều được kết cấu chặt chẽ, có nội dung, chiều sâu và cả những mảng phân cực của ánh sáng. Anh cố gắng dùng ống kính phân cực của máy ảnh, bộ lọc của trí tuệ, sự tinh tế, kỳ diệu của ngôn ngữ và sự đồng cảm của trái tim để thu vào các tác phẩm của mình những rung động nhân sinh.
Việt Văn chia sẻ: “Cầm máy giúp tôi cảm nhận cuộc sống quanh mình nhiều chiều hơn và nói lên tiếng nói cá nhân. Nhiếp ảnh là ngôn ngữ không biên giới”. Hơn 30 năm làm nghề, Việt Văn đã có 11 triển lãm cá nhân, trong đó có Triển lãm “Mẹ tôi” tổ chức tại Photometria (Hy Lạp); tham gia hơn 50 triển lãm nhóm ở châu Á, châu Âu và Mỹ, trong đó có Triển lãm “Fifth Exposure Annual Awards” tổ chức tại Bảo tàng Louvre (Paris, Pháp); xuất bản 7 cuốn sách đa dạng về đề tài. Anh cũng giành được hàng chục giải thưởng ảnh quốc tế uy tín và tác phẩm của anh được đăng tải trên nhiều ấn phẩm nổi tiếng về nhiếp ảnh của các châu lục.
Theo Quân đội nhân dân
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/nhung-goc-may-cham-vao-tam-cam-a424252.html
Bình luận (0)