Lớp học hò khoan ngày hè của CLB Nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy luôn sôi nổi, hấp dẫn các bạn nhỏ - Ảnh: M.N
Chiều mùa hè tuy có nóng bức, nhưng không ngăn được bước chân của các cô bé, cậu bé đến với căn nhà nhỏ của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lý (nghệ danh Hải Lý) ở xã Lệ Thủy. Trong khoảng sân đầy bóng mát bên dòng Kiến Giang, tiếng đàn, tiếng hát, tiếng gõ nhịp phách ngân vang, chộn rộn cả không gian.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lý chia sẻ, các lớp học ngày hè là hoạt động không thể thiếu của Câu lạc bộ (CLB) Nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy trong thời gian qua. Trước đó, trong năm học 2024-2025, CLB cũng đã phối hợp chặt chẽ với hai trường học trên địa bàn là Trường THPT Nguyễn Chí Thanh và Trường THPT Lệ Thủy để tổ chức các CLB về hò khoan Lệ Thủy cho các em ngay tại trường học. Các CLB chính là hạt nhân văn nghệ tại học đường, góp phần nuôi dưỡng tình yêu và đưa di sản hò khoan đến gần hơn với các em.
Và ngay sau khi các cháu nghỉ hè, vào tháng 6/2025, CLB Nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy đã tham gia lớp trao truyền kỹ năng trình diễn, thực hành hò khoan Lệ Thủy do Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tổ chức. CLB có 4 nghệ nhân tham gia giảng dạy và 8 học sinh tham gia.
Còn trong suốt quá trình nghỉ hè, CLB cũng thường xuyên tổ chức một số buổi sinh hoạt, lớp truyền dạy để vừa giúp các cháu ôn tập, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đã được học, vừa tạo sân chơi để các thành viên của CLB học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau.
Mùa hè đến, em Ngô Thị Khánh Vân (10 tuổi, học sinh Trường tiểu học Phong Thủy) luôn háo hức để được tham gia học hỏi tại CLB Nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy. Khánh Vân chia sẻ, em rất yêu thích hò khoan và đã 2 năm tham gia sinh hoạt cùng CLB.
Em đã học được 5 điệu hò khoan Lệ Thủy và mong muốn học hỏi nhiều hơn từ các nghệ nhân về cái hay, cái đẹp của hò khoan. Đến trường, em lại kể cho các bạn nghe về hò khoan để nhiều bạn bè của em cũng yêu thích và tìm đến với di sản của cha ông. Các lớp học hò khoan dịp hè chính là cơ hội tốt để Khánh Vân gặp gỡ, giao lưu với các bạn cùng sở thích và học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng từ những nghệ nhân đi trước.
Còn với em Nguyễn Phương Anh (lớp 11, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh), em đã tham gia CLB Nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy từ khi học mầm non nên luôn gắn bó theo sát các hoạt động của CLB. Dịp nghỉ hè, dù bận rộn với lịch học thêm, Phương Anh vẫn không bỏ lỡ các lớp học của CLB. Đến sinh hoạt, em còn tích cực trao đổi, chia sẻ với các nghệ nhân, bạn bè để nâng cao kỹ năng thực hành hò khoan của mình.
Dù công việc đồng áng, mùa màng hay nghề nghiệp mưu sinh còn bộn bề, nhưng các nghệ nhân của CLB Nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy vẫn dành nhiều thời gian cho hoạt động hè của các cháu. Nhờ đó, mạch nguồn hò khoan luôn tiếp tục chảy mãi. Tín hiệu vui chính là sự tham gia tích cực từ phía nhà trường trong việc bồi dưỡng, trao truyền hò khoan Lệ Thủy.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hoài, Chủ nhiệm CLB hò khoan Lệ Thủy của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh chia sẻ, CLB Hò khoan Lệ Thủy của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh có 28 thành viên và hoạt động thường xuyên với sự phối hợp, hỗ trợ của CLB Nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy. Dịp nghỉ hè, mỗi khi CLB Nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy tổ chức sinh hoạt cho các cháu thiếu nhi, CLB của nhà trường đều tích cực tham gia. Thời gian tới, rất mong các lớp bồi dưỡng về hò khoan Lệ Thủy sẽ được tổ chức ngay tại trường để thu hút đông đảo học sinh tham gia, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý và duy trì đều đặn.
Tại xã Sen Ngư, CLB Dân ca Hò khơi Ngư Thủy cũng thường xuyên tổ chức lớp học về dân ca Bình Trị Thiên, trong đó có hò khoan Lệ Thủy cho các cháu vào dịp hè. Ông Nguyễn Thanh Thiếu, Chủ nhiệm CLB Dân ca Hò khơi Ngư Thủy cho biết, từ đầu hè năm 2025 đến nay, CLB đã tham gia tổ chức được 2 đợt học về hò khoan cho các cháu. Trong đó, đợt 1 được tổ chức vào tháng 5 ở nhà văn hóa xã Ngư Thủy (cũ) với hơn 20 cháu tham gia (từ lớp 4 đến lớp 5 trở lên).
CLB cũng tích cực phối hợp với các trường cấp 1, cấp 2 để tổ chức các lớp bồi dưỡng, trau dồi kỹ năng trình diễn, thực hành dân ca Bình Trị Thiên, nhất là hò khoan Lệ Thủy cho các cháu thiếu nhi. Đặc biệt, CLB còn nỗ lực bảo tồn hò khơi và hò nậu xăm (hò kéo lưới), đây là hai thể loại hò đặc trưng của người dân vùng biển.
Hoạt động từ năm 2006, CLB Hò khơi Ngư Thủy là điểm sáng trong phát triển phong trào văn hóa văn nghệ dân gian của địa phương. Với nguồn kinh phí chủ yếu từ xã hội hóa, 26 thành viên của CLB đã bền bỉ gìn giữ, trao truyền di sản văn hóa của cha ông cho thế hệ trẻ suốt một thời gian dài.
“Mong muốn của CLB là nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của ngành văn hóa và cấp ủy, chính quyền địa phương để tiếp tục được tạo điều kiện bồi dưỡng, trao truyền về hò khoan Lệ Thủy cho các cháu thiếu nhi, nhất là sự hỗ trợ về mặt kinh phí”, ông Nguyễn Thanh Thiếu cho biết thêm.
Những ngày hè đang trôi qua thật sự bổ ích với các bạn nhỏ đam mê hò khoan Lệ Thủy. Chính nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của các CLB văn hóa văn nghệ dân gian ở cơ sở mà những làn điệu hò khoan vẫn tiếp tục được trao truyền, giữ vững từ thế hệ này sang thế hệ khác. Kỳ vọng, trong thời gian tới, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia này sẽ tiếp tục duy trì sức sống lâu bền trong cộng đồng, đồng thời được “tiếp thêm sức mạnh” từ cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các sở, ngành liên quan để hoàn thành sứ mệnh của mình.
Mai Nhân
Nguồn: https://baoquangtri.vn/nghi-he-cung-ho-khoan-195970.htm
Bình luận (0)