Để làm rõ hơn điều này phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tạ Quang Đông.
Cảnh trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của 5 nhà hát thuộc Bộ VHTTDL trong diện sáp nhập lần này.
Hợp nhất để lan tỏa tinh hoa-tái tạo sức sống mới cho nghệ thuật
Phóng viên: Được biết Chính phủ đã ban hành quyết định sáp nhập một số đơn vị Nhà hát thuộc Bộ, xin Thứ trưởng cho biết tiến độ và mục tiêu của việc sáp nhập này?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Ngày 24/6/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1270/QĐ-TTg về danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL).
Theo đó, 3 Nhà hát Cải lương Việt Nam, Chèo Việt Nam, Tuồng Việt Nam sáp nhập thành Nhà hát Sân khấu truyền thống Quốc gia Việt Nam. Ngoài chức năng dàn dựng tiết mục và biểu diễn nghệ thuật truyền thống (chèo, tuồng, cải lương), Nhà hát còn có nhiệm vụ bảo tồn và phát triển các bộ môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.
Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc và Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam sáp nhập thành Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Quốc gia Việt Nam; có chức năng biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc; sưu tầm, bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca múa nhạc dân gian truyền thống các dân tộc Việt Nam.
Nhà hát Tuồng Việt Nam một trong những "viên ngọc quý" của nghệ thuật dân tộc thuộc diện sáp nhập lần này sẽ có cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn.
Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang triển khai từng bước thận trọng, khoa học, có lộ trình cụ thể. Bộ đã rà soát, đánh giá hiện trạng về tổ chức bộ máy, chất lượng, quy mô, cơ cấu nguồn nhân lực, năng lực sáng tạo, tổ chức biểu diễn… của từng nhà hát. Mục tiêu là không làm mai một bản sắc nghệ thuật, mà tạo điều kiện cho các loại hình nghệ thuật hỗ trợ và bổ sung cho nhau.
Việc sáp nhập, hợp nhất các Nhà hát nằm trong chủ trương tổng thể cải cách tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật với mục tiêu “không phải là sáp nhập để xóa bỏ bản sắc, mà là hợp nhất để lan tỏa tinh hoa - tái tạo sức sống mới cho nghệ thuật truyền thống Việt Nam”.
Việc sáp nhập cũng nhằm bảo đảm tinh gọn bộ máy tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý theo Nghị quyết 19/NQ-TW và các nghị định về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Đó là loại bỏ tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các nhà hát; rút gọn đầu mối quản lý, giảm biên chế gián tiếp, tăng tính chuyên nghiệp trong điều hành; tăng cường phân bổ nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực) một cách hợp lý, tránh lãng phí; hướng tới mô hình quản lý hiện đại, linh hoạt, phù hợp trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Tiết mục đặc sắc "Thị Màu lên chùa" của Nhà hát Chèo Việt Nam.
Phát huy tối đa nguồn lực, nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật của từng nhà hát: dân gian, ca múa nhạc, truyền thống, hiện đại... nhằm tạo nên một đơn vị có năng lực sản xuất chương trình biểu diễn quy mô lớn, vươn tầm khu vực và quốc tế; nâng cao chất lượng nghệ thuật thông qua sự phối hợp giữa các nghệ sĩ, đạo diễn, biên đạo có chuyên môn sâu từ nhiều nhà hát.
Một mục tiêu nữa là bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ mai một; duy trì bản sắc từng loại hình nghệ thuật thông qua các đoàn biểu diễn chuyên biệt trực thuộc; hướng tới mô hình “bảo tồn gắn với phát triển”, bảo tồn tinh hoa nhưng đổi mới cách thể hiện, mở rộng đối tượng khán giả. Gắn hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống với phát triển du lịch, giáo dục văn hóa và thương hiệu quốc gia.
Cảnh trong một chương trình biểu diễn của Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Ngoài ra còn thúc đẩy cơ chế tự chủ, tạo ra một đơn vị nghệ thuật có quy mô đủ lớn để xã hội hóa hoạt động biểu diễn, thu hút tài trợ, bán vé, truyền thông chuyên nghiệp. Hạn chế tình trạng các nhà hát nhỏ lẻ, phụ thuộc ngân sách Nhà nước, hoạt động kém hiệu quả.
Việc sáp nhập cũng nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh và thích ứng, tạo lập mô hình nhà hát hiện đại, có khả năng sản xuất-biểu diễn-kinh doanh nghệ thuật chuyên nghiệp; thích ứng linh hoạt với xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập văn hóa và thay đổi thị hiếu công chúng; hướng đến mô hình “đa năng-tự chủ-sáng tạo-hội nhập” thay vì hoạt động kiểu bao cấp, trì trệ.
Phóng viên: Trong quá trình sáp nhập có những thuận lợi và khó khăn như thế nào thưa thứ trưởng?
Thuận lợi đầu tiên trong quá trình sáp nhập các Nhà hát là việc Nhà nước đang đẩy mạnh việc sắp xếp lại tổ chức sự nghiệp công lập theo Nghị quyết Trung ương và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các quy hoạch quốc gia về văn hóa và thể thao (2021-2030, tầm nhìn 2045) đã tạo cơ sở pháp lý và định hướng rõ ràng cho việc sáp nhập, giúp các đơn vị dễ dàng triển khai theo kế hoạch thống nhất, mở ra cơ hội phát triển dài hạn, nâng tầm các Nhà hát trở thành thiết chế văn hóa có ảnh hưởng lớn.
Việc sáp nhập các nhà hát đem lại một số thuận lợi, như tăng hiệu quả tổ chức, tiết kiệm nguồn lực: tinh giản biên chế, bộ máy quản lý, giảm trùng lặp về chức năng; tối ưu hóa tài chính, cơ sở vật chất, nhân lực giữa các đơn vị; dễ huy động nguồn lực xã hội hóa hơn cho một đơn vị hợp nhất có quy mô lớn hơn.
Sáp nhập các nhà hát cũng đem lại cơ hội phát triển nghệ thuật đa dạng, phong phú như kết hợp được thế mạnh nghệ thuật của từng nhà hát; chia sẻ nguồn lực, cơ sở vật chất, nhân sự và kinh nghiệm, tạo nên một đơn vị có năng lực sản xuất chương trình lớn, vươn tầm quốc gia và quốc tế.
Ngoài ra, các nhà hát cũng có động lực để đổi mới tư duy quản lý và sáng tạo, như thúc đẩy lãnh đạo và nghệ sĩ chuyển từ tư duy hành chính sang tư duy sáng tạo, thị trường; tăng cơ hội giao lưu, hợp tác giữa các nhóm nghệ sĩ với phong cách khác nhau.
Một trong những tiết mục biểu diễn đặc sắc của Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam biểu diễn trong Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật là một chủ trương lớn, đúng đắn và phù hợp với yêu cầu cải cách nền hành chính và nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, đây không phải là quá trình dễ dàng. Để thành công, cần thực hiện từng bước chắc chắn, có giải pháp đồng bộ về chính sách, nhân sự, cơ chế tài chính và định hướng phát triển nghệ thuật.
Bộ VHTTDL xác định đây là một nhiệm vụ lớn, quan trọng nên cần hết sức thận trọng, lấy nghệ sĩ và hiệu quả nghệ thuật làm trung tâm; sáp nhập không chỉ để giảm đầu mối, mà là cơ hội để tái cấu trúc, nâng tầm, chuyên nghiệp hóa các nhà hát công lập, đưa nghệ thuật biểu diễn Việt Nam tiếp cận gần hơn với mô hình tổ chức hiện đại của khu vực và thế giới.
Việc thay đổi cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, vị trí việc làm dễ tạo tâm lý xáo trộn trong đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ. Nhiều nghệ sĩ sẽ có tâm lý lo ngại trùng lặp vị trí, bị tinh giản hoặc điều chuyển công việc do không sẵn sàng thay đổi môi trường công tác; có sự cạnh tranh trong bổ nhiệm lãnh đạo, trưởng đoàn, đạo diễn…
Tiết mục biểu diễn của Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc.
Về điều kiện hoạt động cũng có sự chênh lệch nhất định do có Nhà hát đóng ở Hà Nội, có nhà hát lại ở vùng núi (gặp hạn chế về cơ sở vật chất, tiếp cận công chúng); nguy cơ lãng quên bản sắc vùng miền nếu thiếu chiến lược bảo tồn các giá trị nghệ thuật truyền thống (Tuồng, Chèo, Cải lương), giá trị nghệ thuật địa phương (dân gian Việt Bắc sẽ bị mờ nhạt trong dòng chảy chung)...
Trước mắt, Bộ VHTTDL có những giải pháp khắc phục như:
Giữ đoàn nghệ thuật chuyên biệt, không “trộn lẫn” nghệ sĩ để bảo tồn bản sắc từng loại hình (Đoàn nghệ thuật Chèo, Đoàn nghệ thuật Tuồng, Đoàn nghệ thuật Cải lương trực thuộc Nhà hát Sân khấu truyền thống Quốc gia Việt Nam; Đoàn nghệ thuật truyền thống Sắc Việt trực thuộc Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Quốc gia Việt Nam).
Khẩn trương xây dựng, phê duyệt vị trí việc làm; kiện toàn lãnh đạo quản lý; tập trung thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, hiệu quả các chính sách, chế độ cho viên chức, người lao động nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy, nhằm tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức của Nhà hát sau sắp xếp, tổ chức lại.
Tổ chức tái đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho nghệ sĩ và nhân viên theo mô hình mới; lưu giữ nguyên vẹn các tiết mục đặc trưng của mỗi Nhà hát dưới dạng tư liệu số hóa; xây dựng kênh truyền thông riêng cho nghệ thuật truyền thống: YouTube, Facebook, Website; lồng ghép chất liệu nghệ thuật dân gian vào chương trình hiện đại để thu hút khán giả trẻ.
Khơi thông những dòng chảy sáng tạo đang bị kìm hãm
Phóng viên: Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường giải trí hiện nay, việc sáp nhập để hình thành hệ thống những đơn vị nghệ thuật quốc gia có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật nước nhà?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Căn cứ Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và các chỉ đạo của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư; các quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để nhấn mạnh phải “đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của các đơn vị nghệ thuật công lập”.
Tôi thấy, trong thực tế, showbiz, gameshow, nền tảng số, mạng xã hội… đã và đang tạo ra vô vàn hình thức “giải trí nhanh” cạnh tranh khốc liệt với nghệ thuật truyền thống, nếu các nhà hát không chuyển mình, chuyên nghiệp hóa, tăng sức hấp dẫn, thay đổi phương thức quản trị thì sẽ bị gạt ra khỏi dòng chảy nghệ thuật đương đại.
Hợp nhất các Nhà hát đồng nghĩa với chia sẻ nguồn lực sáng tạo (biên đạo, đạo diễn, âm nhạc, phục trang…); cho phép dàn dựng những vở lớn, liên loại hình, có quy mô tương đương musical, khán giả được thưởng thức các chương trình nghệ thuật đa dạng hơn, sống động hơn.
Hợp lực - hội tụ - nâng tầm - tái cơ cấu là bước đi tất yếu để tập trung nguồn lực, nâng chất lượng. Bộ VHTTDL xác định việc sáp nhập không phải là gộp cơ học, “gộp cho gọn”, mà là “tập hợp để bật lên”, là quá trình tái cơ cấu toàn diện, trong đó con người là yếu tố trung tâm. Chúng tôi đặt trọng tâm vào việc bảo đảm quyền lợi chính đáng của đội ngũ nghệ sĩ, xây dựng mô hình tổ chức hợp lý, có tính liên thông, linh hoạt, đồng thời khuyến khích sáng tạo, phát triển tài năng trẻ, giữ gìn bản sắc nghệ thuật truyền thống trong một cấu trúc mới hiện đại và hiệu quả hơn.
Quá trình này cũng đặt ra không ít thách thức, từ việc dung hòa phong cách nghệ thuật, tinh thần đoàn kết nội bộ, đến sắp xếp lại vị trí công tác cho đội ngũ. Nhưng với sự đồng thuận và nỗ lực từ các cấp quản lý, nghệ sĩ, chúng tôi tin rằng đây sẽ là một bước đi đúng đắn, góp phần nâng tầm nghệ thuật biểu diễn nước nhà trong thời kỳ hội nhập sâu rộng và cạnh tranh văn hóa toàn cầu như hiện nay.
Khó khăn là có, đặc biệt là việc dung hòa giữa các đơn vị có lịch sử, văn hóa và phong cách làm việc khác nhau. Nhưng chính trong thách thức đó lại đặt ra yêu cầu đổi mới tư duy lãnh đạo, mô hình tổ chức, phương thức vận hành.
Quan điểm xuyên suốt của chúng tôi là: nghệ thuật không chỉ cần bảo tồn, mà phải được “sống” trong điều kiện phát triển. Sáp nhập không phải để làm mất đi bản sắc, mà để khơi thông những dòng chảy sáng tạo đang bị kìm hãm bởi cơ chế cũ, để từng nghệ sĩ có không gian sáng tạo nghệ thuật tương xứng và để nền nghệ thuật nước nhà có những điểm tựa mạnh mẽ, đột phá hơn trong giai đoạn mới.
Chúng tôi tin rằng, với cách làm bài bản, lấy nghệ sĩ làm trung tâm, lấy chất lượng nghệ thuật làm mục tiêu và lấy hiệu quả xã hội làm thước đo, việc sáp nhập này sẽ không chỉ giúp nâng tầm các đơn vị nghệ thuật hiện nay, mà còn là động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng của nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trong tương lai.
Phóng viên: Với vai trò “bà đỡ”trong thời gian tới, Bộ sẽ hỗ trợ các nhà hát, nhất là Nhà hát Sân khấu truyền thống Quốc gia như thế nào để không còn cảnh “èo uột” như trước đây?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Việc sáp nhập các Nhà hát truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương thành một Nhà hát Sân khấu truyền thống Quốc gia Việt Nam không chỉ là một giải pháp về mặt tổ chức bộ máy, mà còn là một bước đi chiến lược nhằm tạo nên một “thiết chế nghệ thuật quốc gia” đủ mạnh về nhân lực, tài lực và cả tầm nhìn phát triển nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị của nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển chưa từng có của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và truyền thông số.
Với vai trò là cơ quan chủ quản, là “bà đỡ” của các loại hình nghệ thuật truyền thống, Bộ VHTTDL sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tạo điều kiện cho các loại hình nghệ thuật truyền thống tiếp tục phát triển và đặc biệt là tiếp cận và phù hợp với thị hiếu của giới trẻ hiện nay.
Bộ tập trung theo hướng, tái cấu trúc và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Việc sáp nhập giúp giảm đầu mối quản lý, tránh phân tán nguồn lực và cho phép Bộ tập trung đầu tư chiều sâu vào các chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, mang tính định hướng thẩm mỹ.
Bộ sẽ xây dựng những “dự án lớn” về phục dựng các vở diễn kinh điển, nâng cấp trang thiết bị biểu diễn, sân khấu, phục trang, đồng thời có chính sách đầu tư đặc biệt cho các tác phẩm mới trên nền chất liệu truyền thống.
Sáp nhập Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc vào Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam thành Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Quốc gia Việt Nam.
Tập trung ưu tiên phát hiện, ươm mầm, đào tạo nguồn nhân lực trẻ, giàu khát vọng cống hiến và được đào tạo, truyền nghề bài bản, kỹ lưỡng. Đây là nhiệm vụ có tính sống còn của sân khấu nghệ thuật truyền thống. Bởi trên thực tế ở cả 3 nhà hát sân khấu truyền thống Trung ương (Chèo, Tuồng và Cải Lương), qua rà soát số nghệ sĩ, diễn viên trẻ (dưới 30 tuổi) đang chiếm tỷ lệ quá thấp trong 3 nhà hát truyền thống hiện nay (dưới 10-15%), nhất là nghệ sĩ, diễn viên Tuồng đã 4-5 năm trở lại đây không tuyển mới được diễn viên. Phấn đấu tỷ lệ nguồn nhân lực trẻ sẽ tăng lên ít nhất 35- 40% vào năm 2030.
Theo đó, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo qua các trường nghệ thuật chuyên nghiệp, khuyến khích mô hình nghệ sĩ-nghệ nhân “truyền nghề” và đào tạo thế hệ diễn viên kế cận bằng các hình thức học bổng, đặt hàng đào tạo; thực hiện cơ chế tìm kiếm tài năng thông qua các cuộc thi như: “Ngôi sao sân khấu truyền thống”… Triển khai mô hình liên kết giữa “Nhà hát với cơ sở đào tạo và doanh nghiệp”, trong đó Nhà hát và cơ sở đào tạo đóng vai trò tìm kiếm, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và truyền nghề; doanh nghiệp đóng vai trò “bà đỡ” về tài chính, nguồn lực.
Ứng dụng công nghệ và truyền thông mới, triển khai các chương trình số hoá, đưa nghệ thuật truyền thống lên nền tảng số (YouTube, TikTok, các app văn hoá số), đồng thời xây dựng những sản phẩm truyền thông sáng tạo, hấp dẫn hơn để đưa nghệ thuật truyền thống tiếp cận công chúng trẻ. Hợp tác với các công ty công nghệ, các start-up sáng tạo để tạo ra những sản phẩm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữ được tinh thần gốc nhưng có cách thể hiện mới. Tổ chức sự kiện văn hóa lớn như festival, liên hoan nghệ thuật truyền thống cấp quốc gia và quốc tế để nâng cao vị thế của các loại hình này; đưa các vở diễn truyền thống ra nước ngoài để quảng bá văn hóa Việt Nam, đồng thời học hỏi kinh nghiệm bảo tồn từ các quốc gia khác.
Tổ chức sân khấu biểu diễn linh hoạt, mở rộng khán giả như biểu diễn lưu động đến các trường học, khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa, tham gia các chương trình giao lưu văn hoá quốc tế. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Nhà hát và các đơn vị du lịch, trường học, các trung tâm văn hóa cộng đồng để tạo dựng khán giả lâu dài.
Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tham mưu để hoàn thiện chính sách đặt hàng sản phẩm nghệ thuật truyền thống theo hướng ổn định, dài hạn, có cơ chế đánh giá chất lượng và hiệu quả tác động xã hội. Quan tâm đặc biệt đến đời sống nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ lớn tuổi và nghệ sĩ ở địa phương, qua các chính sách phụ cấp, khen thưởng, tôn vinh xứng đáng. Bộ đóng vai trò vừa là nhà quản lý, vừa là người dẫn dắt, tạo điều kiện để nghệ thuật truyền thống không chỉ được bảo tồn mà còn phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh hiện đại hóa. Việc kết hợp giữa bảo vệ bản sắc văn hóa và đổi mới sáng tạo sẽ giúp Tuồng, Chèo, Cải lương tìm được chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, đồng thời chống lại sự lấn át của các loại hình nghệ thuật hiện đại.
Mục tiêu xuyên suốt, cốt lõi của việc sáp nhập không phải để “gom về cho gọn”, mà để hướng đến hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy bên trong của Nhà hát với các thành tố, cấu trúc hợp lý, tinh, gọn nhưng phải hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả; nâng cao chất lượng quản lý, quản trị nghệ thuật truyền thống theo hướng ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn; nâng cao chất lượng biểu diễn, phát triển đội ngũ nghệ sĩ và định hình rõ hơn, sâu hơn vị thế của sân khấu truyền thống trong dòng chảy văn hóa đương đại.
Nhà nước sẽ là chỗ dựa vững chắc để những tinh hoa nghệ thuật dân tộc không bị phai nhạt mà tiếp tục lan tỏa, thấm sâu vào đời sống xã hội. Qua đó, tạo lập một thiết chế nghệ thuật truyền thống quốc gia, phức hợp đa loại hình, giàu bản sắc, là điểm tựa vững chắc cho sự phát triển bền vững của nghệ thuật Tuồng, Chèo và Cải lương Việt Nam-Ba dòng chảy lớn của sân khấu dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình phát triển thịnh vượng, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc.
Đột phá trong tư duy phát triển, Bộ VHTTDL tiếp tục giữ vai trò “kiến trúc sư trưởng”
Phóng viên: Trong kỷ nguyên mới để các Nhà hát thuộc Bộ thực sự tồn tại và phát triển được đúng như kỳ vọng, theo đồng chí, các đơn vị chức năng cũng như bản thân các Nhà hát phải có những giải pháp ngắn hạn và dài hơi như thế nào?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Đây là câu hỏi lớn, đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức, quan điểm toàn diện, biện chứng cả về lý luận và thực tiễn để triển khai các giải pháp đồng bộ, khoa học và thực thi. Trước mắt chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo một số nội dung.
Đầu tiên, phải đột phá trong tu duy phát triển. Các nhà hát cần một tư duy mới, một cách tiếp cận mới và một lộ trình phát triển bài bản, kết hợp giữa giải pháp trước mắt và chiến lược lâu dài. Các Nhà hát không chỉ là nơi dàn dựng và trình diễn các vở diễn, mà cần vươn lên trở thành trung tâm sáng tạo văn hóa, nơi bảo tồn giá trị nghệ thuật truyền thống, phản ánh tinh thần thời đại và góp phần định hình thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Điều này đòi hỏi phải tái thiết mô hình hoạt động theo hướng đa chức năng, linh hoạt và thích nghi với yêu cầu mới.
Hợp nhất Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam thành Nhà hát Sân khấu truyền thống Quốc gia Việt Nam.
Thứ hai, sau sáp nhập, phải nhanh chóng ổn định tổ chức, xác định rõ chức năng từng bộ phận, tránh chồng chéo, đồng thời xây dựng mô hình quản trị linh hoạt, năng động. Lựa chọn kỹ lưỡng các vở diễn vừa mang bản sắc dân tộc, vừa có tính thời đại, đủ sức lan tỏa trong xã hội và vươn ra quốc tế.
Bên cạnh đó, từ sản xuất đến phân phối sản phẩm nghệ thuật, cần ứng dụng công nghệ để tiếp cận khán giả mới, đặc biệt là thế hệ trẻ-đối tượng đang dịch chuyển mạnh sang không gian số.
Ngoài ra, mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có cùng tầm nhìn để đa dạng hóa nguồn vốn, tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động sản xuất nghệ thuật.
Một điều quan trọng nữa cần làm là mở rộng giáo dục thẩm mỹ, đưa nghệ thuật vào trường học, tổ chức biểu diễn cộng đồng, truyền thông sâu rộng… để hình thành lớp khán giả hiểu và yêu nghệ thuật đích thực.
Các nhà hát cũng cần vượt qua tư duy “cơ quan công lập biểu diễn” để tham gia toàn diện vào chuỗi sáng tạo - sản xuất - truyền thông - phân phối - thương mại hóa sản phẩm nghệ thuật, góp phần phát triển kinh tế văn hóa quốc gia và trở thành một mắt xích quan trọng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL tiếp tục giữ vai trò “kiến trúc sư trưởng” trong việc định hướng chính sách, phân bổ nguồn lực, tháo gỡ cơ chế, tạo điều kiện để các Nhà hát phát huy thế mạnh. Các Cục, Vụ chuyên môn cần chuyển từ tư duy quản lý hành chính sang đồng hành, tư vấn và hỗ trợ sáng tạo.
Tám là, sự phát triển của các Nhà hát không chỉ phụ thuộc vào tài năng nghệ sĩ hay nguồn lực đầu tư, mà quan trọng hơn là thu hút tài năng nghệ thuật, tư duy đổi mới, mô hình vận hành hiện đại và chiến lược phát triển bài bản. Các nhà hát phải trở thành chủ thể năng động trong hệ sinh thái văn hóa - sáng tạo, họ không chỉ bảo tồn được di sản, mà còn góp phần dẫn dắt văn hóa dân tộc.
Phía trước là một hành trình không dễ dàng. Nhưng với việc nhận thức sâu sắc về sứ mệnh lịch sử của mình và thấm nhuần quan điểm: “Văn hóa là nền tảng - Thể thao là sức mạnh - Du lịch là nhịp cầu kết nối - Báo chí, xuất bản là mạch dẫn tri thức, kết nối niềm tin”; trên cơ sở đó mỗi nhà hát, mỗi lĩnh vực nghệ thuật trước hết là người đứng đầu sẽ phải làm việc, lao động với tâm thế quyết liệt hơn nữa, khát vọng cống hiến phải lớn lao hơn nữa, sáng tạo hơn nữa để nâng tầm vị thế và uy tín của mình. Hơn lúc nào hết, nghệ thuật biểu diễn và nhất là sân khấu truyền thống cần được sự quan tâm, đầu tư mang tầm chiến lược, một sự đồng hành có tâm-có tầm-có bản lĩnh.
Đã đến lúc chúng ta không chỉ giữ gìn ký ức văn hóa, mà còn thổi vào đó một sức sống mới, một tầm vóc mới, để nghệ thuật biểu diễn không chỉ là “quá khứ rực rỡ” mà còn là “tương lai tỏa sáng” của văn hóa Việt Nam. “Nghệ thuật biểu diễn là kết tinh của tinh hoa văn hóa hàng ngàn năm, là trí tuệ của tổ tiên, là tiếng nói của dân tộc, là ánh sáng của hồn Việt”- sứ mệnh của thế hệ hôm nay là kế thừa, làm mới và lan tỏa giá trị ấy bằng tư duy mới, hành động mới, thiết chế mới, mô hình tổ chức mới, con người mới, hướng tới sản phẩm mới - Phù hợp với kỷ nguyên mới - bản sắc, hiện đại và hội nhập.
Tổ chức sản xuất: Hồng Minh
Nội dung: Kim Thoa
Trình bày: Kim Thoa
Ảnh: Bộ VHTTDL cung cấp
Xuất bản ngày: 17/7/2025
Nhandan.vn
Nguồn:https://nhandan.vn/special/sapnhapcacnhahatthuocbovhttdltaotamvocvatuonglaimoichonghethuat/index.html
Bình luận (0)