Những hội viên nông dân được biểu dương là những tấm gương sáng về tinh thần dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu chính đáng - Ảnh: Đ.V
Từ gian khó đến thành công
Không cam chịu đói nghèo, chị Hồ Thị Đoan, người Bru - Vân Kiều ở bản Còi Đá, xã Kim Ngân đã mạnh dạn khởi nghiệp bằng mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với phát triển du lịch cộng đồng, một hướng đi mới, sáng tạo, vừa phát triển kinh tế, vừa gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống.
Cơ sở kinh doanh “Suối Bản” do chị sáng lập đã trở thành điểm nhấn độc đáo, kết nối thiên nhiên Trường Sơn với văn hóa bản địa Bru - Vân Kiều. Du khách đến đây được trải nghiệm các hoạt động: Tắm suối, bắt cá, đan lát, thưởng thức ẩm thực dân tộc, lưu trú tại nhà sàn... Nhờ đó, mô hình đã tạo việc làm mùa vụ cho hơn 10 lao động địa phương, mang về doanh thu gần 300 triệu đồng trong năm 2024.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị còn tích cực vận động bà con cùng tham gia làm du lịch xanh - sạch - đẹp, giữ gìn cảnh quan và nét đẹp văn hóa bản làng; tuyên truyền hội viên ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế; chủ động chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng, góp phần lan tỏa tinh thần tự lực, tự cường trong hội viên nông dân (HVND). Với những nỗ lực không ngừng ấy, chị Đoan được vinh danh tại hội nghị biểu dương điển hình nông dân tiên tiến giai đoạn 2020 - 2025.
Cũng là minh chứng sống động cho tinh thần đổi mới tư duy làm nông, anh Trương Quốc Việt (thôn Kim Lũ 2, xã Đồng Lê) đã phát triển thành công 1ha bưởi Phúc Trạch được trồng vào năm 2018 lên vườn cây ăn quả rộng 17ha. Mô hình này đang cung ứng trái cây cho thị trường trong và ngoài tỉnh với doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm.
Không giữ riêng cho mình, anh Việt nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các hộ khó khăn về giống, kỹ thuật, cùng xây dựng vùng trồng bưởi đạt chuẩn VietGAP, hướng tới xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng cho quê hương.
Từ bản Còi Đá giữa đại ngàn Trường Sơn đến vùng đồi Đồng Lê xa xôi, những HVND như chị Đoan, anh Việt đang từng ngày viết nên hành trình đổi thay bằng ý chí, khát vọng và tinh thần sáng tạo.
“Những HVND được biểu dương là những tấm gương sáng về tinh thần dám nghĩ, dám làm, không ngừng học hỏi để vươn lên làm giàu chính đáng. Họ đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, xây dựng chuỗi giá trị, liên kết cộng đồng - điều mà trước đây ít ai nghĩ người nông dân có thể làm được. Đây không chỉ là thành quả của từng cá nhân, mà còn là minh chứng cho sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp hội nông dân trong việc thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi tin rằng, những điển hình tiên tiến hôm nay sẽ là hạt nhân quan trọng, góp phần lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo trong HVND toàn tỉnh thời gian tới”, ông Trần Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chia sẻ. |
Từ “nông dân truyền thống” đến người làm nông hiện đại
Không dừng lại ở tư duy làm ăn nhỏ lẻ, nhiều HVND đã bước ra khỏi lũy tre làng, chủ động liên kết, xây dựng mô hình sản xuất tập thể để nâng cao giá trị kinh tế và phát triển bền vững. Đằng sau những mô hình kinh tế hiệu quả là tinh thần tự lực, sự học hỏi không ngừng và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của người nông dân thời hội nhập.
Nhiều nông dân đã chủ động liên kết, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả - Ảnh: Đ.V
Không chọn con đường quen thuộc của cây lúa hay hoa màu ngắn ngày, chị Nguyễn Thị Giang, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp Cự Nẫm (HTX Cự Nẫm), xã Bố Trạch đã đi theo một hướng khác biệt: Phát triển cây dược liệu bản địa trên chính những vùng đất khô cằn, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng cực đoan kéo dài vào mùa hè, mưa lũ bất thường vào mùa mưa, nhiều mô hình nông nghiệp truyền thống ở Quảng Trị rơi vào cảnh bấp bênh. Thế nhưng, tại HTX Cự Nẫm, cây dược liệu, như: Cà gai leo, nghệ, gừng, xạ đen... không những phát triển tốt mà còn cho ra những sản phẩm tinh chất có dược tính cao nhờ thích ứng tự nhiên với môi trường khắc nghiệt. Mô hình là hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp trong điều kiện bất lợi, tạo bản sắc riêng cho sản phẩm nông sản địa phương.
Không dừng lại ở khâu trồng trọt, HTX Cự Nẫm còn đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại, như hệ thống chiết - cô dược liệu tuần hoàn khép kín, nhà màng sấy năng lượng mặt trời, xưởng đạt chuẩn ISO và hệ thống quản lý sản xuất, kinh doanh số hóa. Các sản phẩm của HTX đều được truy xuất nguồn gốc qua mã QR, bảo đảm tính minh bạch và an toàn cho người tiêu dùng, nhờ đó, không chỉ hiện diện trong các siêu thị, chuỗi thực phẩm sạch, quầy thuốc mà còn vươn rộng trên các sàn thương mại điện tử, như: Postmart, Voso, Shopee...
Nhiều nông dân đã chủ động liên kết, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả - Ảnh: Đ.V
Ngoài ra, HTX còn ký hợp đồng liên kết với nông dân, hỗ trợ cây giống, đào tạo kỹ thuật, thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường, qua đó, góp phần tạo việc làm và sinh kế bền vững cho hàng chục hộ dân. Tính đến nay, HTX đã liên kết trồng trên 12ha với 33 hộ dân địa phương và 8 hộ thu hái bền vững tại vùng đệm Phong Nha- Kẻ Bàng, đạt sản lượng hơn 200 tấn tươi/năm.
Những nông dân hôm nay đã biết “làm chủ ruộng đồng” bằng tri thức, sáng tạo và tinh thần hợp tác. Những điển hình tiên tiến trong HVND đã truyền cảm hứng, khơi dậy niềm tin và khát vọng làm giàu chính đáng trong cộng đồng. Đó cũng là minh chứng sống động cho sự đổi thay từng ngày của một nền nông nghiệp đang chuyển mình theo hướng hiện đại, xanh, bền vững, nơi người nông dân giữ vai trò trung tâm trong hành trình phát triển, đổi thay.
Tâm An
Nguồn: https://baoquangtri.vn/khi-nong-dan-nghi-lon-195968.htm
Bình luận (0)