.jpg)
Vẻ đẹp của biển Đà Nẵng
Theo nhiều doanh nghiệp hoạt động lâu năm tại thành phố, vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà và núi Hải Vân là những “kho tàng” quý báu.
Vùng vịnh Đà Nẵng, có bán kính trung bình 13km, nước sâu 15-30m. Hai bên có núi Hải Vân và Sơn Trà che chắn tạo thành vùng kín gió rất lý tưởng (nhất là từ tháng 3 đến tháng 9).
Bán đảo Sơn Trà là vị trí đắc địa của Đà Nẵng về nhiều phương diện: an ninh quốc phòng, văn hóa lịch sử, địa lý thiên nhiên, sinh thái môi trường.
Những năm gần đây, bán đảo Sơn Trà trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, chung quanh bán đảo có nhiều bãi biển lớn nhỏ: bãi Tiên Sa, bãi Đá Đen, bãi Cát Vàng, bãi Miếu, bãi Bắc, bãi Nồm (mẹ), bãi Nồm (con), bãi Rạng, bãi Xếp, bãi Bụt... Tại đây nhiều bãi biển còn rất hoang sơ, rất phù hợp để phát triển du lịch sinh thái.
Các bãi biển dọc theo triền núi Hải Vân (một bên là núi rừng đèo Hải Vân, một bên là vịnh Đà Nẵng) như bãi Sủng Cỏ, bãi Xoan, bãi Dừa và bãi Chính (làng Vân)… cũng đầy sức quyến rũ.
Đáng chú ý, năm 2025, hòn Sơn Chà (nằm dưới chân núi Hải Vân) được thành phố Đà Nẵng tiếp nhận từ thành phố Huế, góp thêm vào sự đa dạng, độc đáo cho hệ sinh thái biển đảo Đà Nẵng.
Hòn Sơn Chà còn được gọi là Hòn Chảo hoặc Đảo Ngọc, nằm dưới chân đèo Hải Vân; nhìn từ xa, đảo giống như một chiếc chảo úp ngược.
Nơi đây sở hữu hệ sinh thái biển phong phú: san hô, rong biển, cá đầy màu sắc, tạo nên thế giới biển kỳ ảo và lung linh. Hòn đảo có bờ cát trắng mịn, nước biển trong vắt, điều kiện lý tưởng để du khách thư giãn và khám phá vẻ đẹp tự nhiên của đảo.
Cần phát triển tương xứng tiềm năng
Theo ghi nhận, một số đơn vị du lịch mở tour tham quan, trải nghiệm lặn biển ở các tuyến biển đảo nhưng chưa nhiều.

“Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, tôi cho rằng du lịch đường thủy thành phố Đà Nẵng phát triển hay không là do tuyến biển đảo này. Nó quyết định đến 70% thị phần cho sự phát triển của du lịch đường thủy. Thành phố cần có chính sách, quy hoạch phù hợp với đề án Phát triển du lịch đường thủy nội địa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hình thành hệ thống cảng, bến đạt chuẩn, bổ sung tàu cao tốc, du thuyền, tàu lưu trú và phát triển dịch vụ gắn với sông nước, biển đảo”, ông Đặng Hòa, chủ tàu du lịch Hàn Giang cho biết.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Việt An Group cho biết, hiện nay tuyến du lịch thủy nội địa CT15 - Hòn Sụp - Bãi Nam - Bãi Đa chỉ có 3 doanh nghiệp đang khai thác gồm du thuyền Aphodite của Việt An Group và 2 công ty tàu cao tốc khác gồm Lê Hưng và Sao Biển Xanh.
Ông Tâm cho rằng, thành phố cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ và kêu gọi đầu tư vào các sản phẩm du lịch đường thủy.
Cụ thể là mở rộng tuyến bến CT15 đi Hòn Sụp - Bãi Nam - Bãi Đa và có cơ chế kêu gọi đầu tư điểm đến trên tuyến để gia tăng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng; sớm đề xuất với Bộ Quốc phòng để mở lại tuyến ra Vịnh (sông Hàn đi Hòn Chảo)…
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, sau hợp nhất, du lịch biển đảo của Đà Nẵng mới sẽ có nguồn lực lớn hơn. Trước hết, thuận lợi đối với phát triển các tour từ bờ ra đảo như Đà Nẵng - Cù Lao Chàm, các tour - tuyến sông Cổ Cò - vốn vướng mắc về thủ tục hành chính khi còn thuộc hai địa phương.
“Đối với việc phát triển hòn Sơn Chà (Đảo Ngọc), cần có đánh giá tổng thể về dự án, tính khả thi khi kêu gọi nhà đầu tư, triển khai sản phẩm du lịch phù hợp, bảo đảm an toàn của điểm đến… Trước mắt, có thể khai thác tour trong ngày khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên của nơi này”, ông Dũng gợi ý.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin, để phát triển du lịch đường thủy nội địa, loại hình du lịch thành công ở nhiều quốc gia và thành phố lớn trên thế giới, thành phố ban hành đề án Phát triển du lịch đường thủy nội địa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định sẽ xây dựng hệ thống cảng, bến đạt chuẩn, bổ sung tàu cao tốc, du thuyền, tàu lưu trú, và phát triển dịch vụ gắn với sông nước.
Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành phương án tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước tại khu vực biển ven bờ và khu vực sông Hàn, triển khai từ năm 2025 đến năm 2030.
Phương án nhằm phát huy các lợi thế về tài nguyên biển và sông Hàn để phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch.
Thông qua đó, thành phố kỳ vọng thu hút du khách trong và ngoài nước, phục vụ nhu cầu giải trí của người dân địa phương, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Nguồn: https://baodanang.vn/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-cac-tuyen-bien-dao-3297219.html
Bình luận (0)