Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngân hàng hưởng lợi khi được thu giữ tài sản?

Việc khôi phục quyền thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB) được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng đẩy nhanh quá trình thu hồi nợ xấu, cải thiện chất lượng tài sản và nâng cao hiệu...

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng03/07/2025

Việc khôi phục quyền thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB) được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng đẩy nhanh quá trình thu hồi nợ xấu, cải thiện chất lượng tài sản và nâng cao hiệu quả sinh lời. Tuy nhiên, giới ngân hàng cũng thừa nhận đây không phải “cây đũa thần” có thể giải quyết mọi tồn đọng, và việc thực thi cần được tiến hành một cách thận trọng, minh bạch để tránh phát sinh tranh chấp pháp lý.

 Cú hích lớn cho hệ thống ngân hàng

Ngay sau khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2025, cùng với Nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ, nhiều ngân hàng thương mại đã lập tức bắt tay xây dựng lại quy trình nội bộ để tăng tốc xử lý nợ xấu. Đây được xem là một trong những “cú hích thể chế” quan trọng nhất của ngành ngân hàng trong vòng gần một thập kỷ qua.

Điểm đáng chú ý trong Luật sửa đổi là việc luật hóa ba chính sách cốt lõi từng được thí điểm tại Nghị quyết 42/2017/QH14. Cụ thể: Các tổ chức tín dụng (TCTD) được phép thu giữ tài sản bảo đảm (TSĐB) nếu có thỏa thuận rõ ràng bằng văn bản giữa ngân hàng và khách vay. Đồng thời TSĐB là tài sản của người phải thi hành án chỉ bị kê biên nếu liên quan đến các bản án về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc có sự đồng ý của TCTD. Cùng với đó với tài sản đang là vật chứng trong vụ án hình sự, sau khi hoàn tất xác minh và nếu không ảnh hưởng đến việc xét xử, cơ quan tố tụng có trách nhiệm trả lại tài sản cho ngân hàng để xử lý nợ.

Động thái này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ một trong những nút thắt lớn nhất trong xử lý nợ xấu: ngân hàng có TSĐB nhưng không được quyền thu hồi. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng nợ xấu toàn hệ thống đã vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng tương đương 10% GDP. Khoản vốn khổng lồ này bị “chôn” trong tài sản không sinh lời đang là gánh nặng lớn, làm tăng chi phí vốn và bóp nghẹt khả năng hạ lãi suất.

Theo đánh giá của NHNN, việc luật hóa quyền thu giữ TSĐB không chỉ giúp các ngân hàng thu hồi nợ nhanh hơn mà còn góp phần giảm chi phí xử lý, tăng hiệu quả kinh doanh và từ đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn với mức hợp lý hơn.

Một lãnh đạo ngân hàng thương mại chia sẻ, các ngân hàng “trông ngóng từng ngày” chờ khung pháp lý này được ban hành để chủ động thanh lọc bảng cân đối. "Chúng tôi đang lên danh sách các khoản nợ ưu tiên xử lý, đồng thời rà soát lại toàn bộ hợp đồng tín dụng để cập nhật điều khoản thu giữ TSĐB phù hợp với luật mới", vị này cho biết.

Trong khi đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm VISRating nhận định, việc khôi phục quyền thu giữ TSĐB sẽ đặc biệt có lợi cho các ngân hàng bán lẻ là nhóm ít cho vay các dự án bất động sản đầu cơ. Các khoản vay mua nhà, vay tiêu dùng thế chấp có tài sản cụ thể và dễ thanh lý sẽ là mục tiêu xử lý nợ hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Theo VISRating, trong nửa đầu năm 2024, khoảng 50% nợ xấu được xử lý qua hình thức trích lập dự phòng và xóa nợ chiếm tới 30-40% vốn chủ sở hữu của nhiều ngân hàng. Thị trường bất động sản trầm lắng khiến tỷ lệ thu hồi qua tài sản giảm mạnh, từ mức 40% giai đoạn 2021–2022 xuống còn 27% năm 2024. Việc có thể chủ động thu giữ TSĐB sẽ giúp đảo ngược xu hướng này, nhất là khi thủ tục kiện tụng kéo dài từ 5–7 năm và chỉ dưới 30% hồ sơ được tòa án tiếp nhận như trường hợp của VPBank.

Thống kê từ năm 2022–2025 cũng cho thấy, tỷ lệ nợ có vấn đề (NPL) tại các ngân hàng như ACB, HDBank, OCB, VIB, VPBank và MB đã tăng từ mức 1,6% lên hơn 2,2%, chủ yếu do các khoản vay hộ kinh doanh và mua nhà thế chấp. Đáng lưu ý, tài sản liên quan đến các dự án bất động sản nghỉ dưỡng vốn dư cung, thanh khoản yếu, hiện vẫn là "cục máu đông" khó xử lý.

Tuy nhiên, với hành lang pháp lý mới, các ngân hàng kỳ vọng việc xử lý nợ sẽ chuyển sang thế chủ động, giảm phụ thuộc vào tố tụng và tăng tốc thanh lý TSĐB. Điều này không chỉ giúp lành mạnh hóa bảng cân đối mà còn khơi thông nguồn vốn, tạo dư địa giảm lãi suất  là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đầy biến động hiện nay.

Ngân hàng hưởng lợi khi được thu giữ tài sản
Việc khôi phục quyền thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB) được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng đẩy nhanh quá trình thu hồi nợ xấu, cải thiện chất lượng tài sản và nâng cao hiệu quả sinh lời

Ngân hàng thận trọng, doanh nghiệp lo ngại mất thế cân bằng

Dù quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSĐB) đã được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), giới ngân hàng vẫn tỏ ra thận trọng trước khi triển khai, trong khi cộng đồng doanh nghiệp lo ngại cán cân quyền lực trong quan hệ tín dụng đang nghiêng hẳn về phía ngân hàng.

Phát biểu tại một hội thảo chuyên đề về xử lý nợ xấu, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã thẳng thắn chỉ ra bất cập trong mối quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Theo ông Châu, người vay luôn ở thế yếu bởi tài sản mang đi thế chấp thường bị định giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Cụ thể, tài sản thế chấp chỉ được định giá bằng 60–70% giá trị thực, trong khi ngân hàng lại chỉ cho vay khoảng 60–70% của mức định giá đó. “Tính ra, doanh nghiệp chỉ nhận được khoảng 36–42% giá trị thực tế của tài sản một tỷ lệ quá thấp cho một khoản vay mang nhiều ràng buộc pháp lý,” ông Châu nhấn mạnh.

Không dừng lại ở đó, các điều khoản trong hợp đồng vay vốn và hợp đồng thế chấp hầu hết là mẫu có sẵn do ngân hàng soạn sẵn, người vay không có nhiều cơ hội thương lượng. “Trên thực tế, để được giải ngân, doanh nghiệp buộc phải chấp nhận toàn bộ điều khoản, kể cả những điều bất lợi, dẫn đến việc vô hình chung từ bỏ nhiều quyền lợi chính đáng được pháp luật bảo vệ,” ông Châu nói thêm. Việc luật hóa quyền thu giữ TSĐB nếu không có cơ chế giám sát hiệu quả có thể tiếp tục củng cố ưu thế tuyệt đối cho ngân hàng, tạo ra sự mất cân đối trong quan hệ tín dụng.

Trên cơ sở đó, ông Châu kiến nghị nên bổ sung điều kiện thu giữ TSĐB, chẳng hạn như yêu cầu có phán quyết của tòa án hoặc ý kiến của cơ quan có thẩm quyền xử lý tranh chấp. Ngoài ra, việc thỏa thuận về quyền thu giữ nên chỉ được xác lập sau khi phát sinh nợ xấu, thay vì cài sẵn ngay từ thời điểm ký hợp đồng thế chấp.

Về phía các ngân hàng, dù ủng hộ việc luật hóa quyền thu giữ tài sản nhưng cũng cho biết sẽ thực hiện một cách hết sức cẩn trọng. Bà Nguyễn Thu Lan, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank nhấn mạnh, thu giữ TSĐB chỉ là phương án sau cùng, khi mọi biện pháp hỗ trợ khách hàng trả nợ đã không hiệu quả. “Chúng tôi hiểu rằng chỉ một sai sót trong xử lý TSĐB cũng có thể dẫn đến khiếu kiện, thậm chí tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và pháp lý của ngân hàng,” bà Lan chia sẻ.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế BIDV khẳng định quyền thu giữ không phải là “cây gậy thần” mà ngân hàng muốn sử dụng lúc nào cũng được. “Đây là công cụ pháp lý mang tính răn đe và định hướng ý thức trả nợ, chứ không phải công cụ để ngân hàng áp đặt,” bà Phương nhấn mạnh. Theo bà, hệ thống tổ chức tín dụng đều phải xây dựng quy chế nội bộ rõ ràng, minh bạch, với quy trình nhiều bước, đảm bảo không thể có chuyện lạm quyền trong thu giữ tài sản.

Các chuyên gia cũng cho rằng, tác động mạnh nhất của việc luật hóa quyền thu giữ không nằm ở số lượng tài sản bị thu giữ thực tế, mà ở hiệu ứng tâm lý. “Khi người vay hiểu rằng nếu cố tình không bàn giao tài sản, ngân hàng vẫn có thể tiến hành thu giữ hợp pháp, thì ý thức trả nợ sẽ được nâng lên đáng kể,” một chuyên gia kinh tế nhận định.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để quyền lực mới này không trở thành con dao hai lưỡi, gây thêm căng thẳng trong môi trường tín dụng vốn đã đầy rủi ro. Để làm được điều đó, luật cần đi kèm các cơ chế giám sát độc lập, cơ chế kháng nghị cho bên đi vay, và sự minh bạch tuyệt đối trong toàn bộ quy trình thực hiện.

Nguồn: https://baolamdong.vn/ngan-hang-huong-loi-khi-duoc-thu-giu-tai-san-380965.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm