Quản trang Lê Thọ Hùng chăm sóc phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Triệu Sơn.
30 năm chăm sóc phần mộ liệt sĩ
Dù nắng hay mưa, bất cứ khi nào đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm (xã Thiết Ống), chúng tôi đều bắt gặp hình ảnh quản trang Phạm Văn Nguyễn cần mẫn quét dọn và chăm lo từng phần mộ liệt sĩ. 30 năm gắn bó với công việc lặng thầm này, ông Nguyễn nhớ từng tên, quê quán liệt sĩ cũng như ở vị trí, số hiệu của từng phần mộ.
Dẫn chúng tôi đến viếng phần mộ các liệt sĩ trên con đường lát bê tông sạch đẹp, ông Nguyễn cho biết, hiện tại nghĩa trang là nơi yên nghỉ của hơn 2.000 liệt sĩ của 32 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có 16 phần mộ liệt sĩ của nước bạn Lào. Công việc hàng ngày của ông là chăm lo, bảo vệ từng phần mộ liệt sĩ và đón tiếp các đoàn, thân nhân gia đình liệt sĩ đến thăm viếng nghĩa trang.
Ông Nguyễn chia sẻ: “Năm 1995, tôi quyết định đến với công việc này không chỉ để mưu sinh mà còn để bày tỏ sự tri ân với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Hàng ngày, tự tay lau chùi, dọn cỏ ở các phần mộ, quét lá, tỉa cây..., với tôi là niềm tự hào vô cùng khi được chọn làm công việc quản trang”.
Trong suốt 30 năm chăm lo “giấc ngủ” cho các anh hùng liệt sĩ, ông Nguyễn đã chứng kiến nhiều “cuộc gặp gỡ” giữa thân nhân liệt sĩ và liệt sĩ đầy xúc động. Cuộc gặp gỡ năm 2022 là một trong những kỷ niệm ông nhớ mãi. Hôm ấy, vào buổi trưa, khi nghe tiếng xe ô tô vào nghĩa trang, ông đoán chắc là thân nhân đến tìm mộ liệt sĩ, ông liền mời mọi người vào nhà khách uống nước. Qua giới thiệu, được biết đoàn khách đến từ Thái Bình, sau khi gia đình hỏi về thông tin, quê quán liệt sĩ, ông Nguyễn trả lời ngay là có phần mộ liệt sĩ và chỉ rõ vị trí, địa điểm phần mộ.
Trong khoảnh khắc vỡ òa hạnh phúc sau nhiều năm tìm kiếm, thân nhân liệt sĩ đã ôm chầm lấy ông bày tỏ sự biết ơn khi biết phần mộ của người thân luôn được ông Nguyễn cũng như cô Hà Thị Thúy, chú Lê Văn Xế cần mẫn, chăm sóc chu đáo. Mỗi lần chứng kiến cuộc gặp gỡ như vậy, ông Nguyễn không khỏi bồi hồi, xúc động và cho rằng, đó là niềm vui lớn nhất mà nghề quản trang đã đem lại.
“Nối nghiệp” cha làm quản trang
Tháng 7 về Nghĩa trang liệt sĩ Triệu Sơn, trong mùi hương trầm phảng phất, nhìn các phần mộ được lau chùi sạch sẽ, những hàng cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, mọi người đều cảm nhận được sự tâm huyết, tấm lòng của quản trang Lê Thọ Hùng. Nói về cơ duyên đến với công việc này, anh Hùng cho biết mình nối nghiệp công việc của cha là cựu chiến binh Lê Thọ Thuận. Cha anh đã gắn bó với công việc quản trang trong suốt 35 năm. Cũng vì nhà gần nghĩa trang nên ngay từ nhỏ cậu bé Hùng thường theo cha đến đây để quét dọn và lau chùi, hương khói các phần mộ liệt sĩ.
“Năm 2005 khi cha tôi mất, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Triệu Sơn (cũ) đã mời tôi tiếp tục công việc quản trang. Khi đó tôi 30 tuổi đang là trụ cột chính kinh tế trong gia đình, nhưng như thấu hiểu tâm trạng của tôi, vợ luôn là người đồng hành, động viên tôi làm thay công việc bao nhiêu năm bố tôi tâm huyết. Và đó cũng là ý nguyện của tôi”, anh Hùng chia sẻ.
Anh Hùng cũng cho biết thêm, Nghĩa trang liệt sĩ Triệu Sơn là nơi an nghỉ của 484 liệt sĩ, trong đó có 93 liệt sĩ chưa xác định được tên. Công việc quản trang không nặng nhọc nhưng đòi hỏi người gắn bó với nghề phải có chữ tâm và cần cù, chịu thương, chịu khó. Dù trời nắng chói chang hay những hôm mưa dầm lạnh lẽo không được quên việc, vẫn thầm lặng với công việc của mình. Chính sự tận tâm, trách nhiệm với công việc của anh Hùng trong việc gìn giữ khuôn viên, phần mộ liệt sĩ luôn sạch đẹp, được các đoàn, thân nhân liệt sĩ ghi nhận, đánh giá cao.
Kể về công việc của chồng, chị Lê Thị Liên nói, mẹ con chị luôn tự hào về công việc quản trang của chồng. Mỗi khi có thời gian chị thường xuyên sang đây phụ giúp anh Hùng chăm sóc các phần mộ liệt sĩ, cắt tỉa cây xanh trong khuôn viên nghĩa trang cho gọn gàng, sạch sẽ. “Từ đời bố chồng, đến chồng tôi làm quản trang thì tôi thấy gia đình lúc nào cũng mạnh khỏe, hạnh phúc, con cái học tập tốt, có việc làm ổn định. Có lẽ cái tâm của mình đã được các liệt sĩ phù hộ cho gia đình tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay”, chị Liên cho biết.
Không chỉ chăm lo các phần mộ liệt sĩ, mà đối với những thân nhân liệt sĩ ở nơi xa đến, từ tấm lòng chân thành của mình, gia đình anh Hùng cũng mời họ về sinh hoạt, ăn uống tại nhà và hỗ trợ gia đình liệt sĩ làm thủ tục bằng sự tri ân sâu sắc.
Được gặp gỡ, trò chuyện cùng với những người làm công việc quản trang tại các nghĩa trang liệt sĩ, chúng tôi càng hiểu thêm về những đóng góp thầm lặng của những con người chân thành, mộc mạc ấy. Câu chuyện của ông Phạm Văn Nguyễn, anh Lê Thọ Hùng và rất nhiều người làm công việc quản trang khác trong tỉnh đã vượt lên những khó khăn của bản thân để luôn giữ nhiệt huyết, trách nhiệm với nghề trong suốt nhiều năm qua. Với họ, việc tri ân không chỉ diễn ra trong tháng 7 hàng năm mà mỗi ngày, mỗi việc làm của họ đều thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ. Họ xem việc chăm sóc, bảo vệ các phần mộ liệt sĩ không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự, tự hào của bản thân, góp phần gìn giữ những giá trị thiêng liêng của dân tộc.
Bài và ảnh: Trung Hiếu
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/lang-tham-nghe-quan-trang-256165.htm
Bình luận (0)