Thông qua các chương trình famtrip Thanh Hóa đã thúc đẩy liên kết mạnh mẽ với các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ.
Kể từ năm 2022 đến nay (sau khi du lịch mở cửa hoàn toàn trở lại sau đại dịch COVID-19), một trong những bước đi nổi bật trong hoạt động du lịch của tỉnh là việc tích cực tham gia vào các cụm liên kết. Trong đó phải kể đến cụm liên kết giữa Thanh Hóa với các tỉnh Ninh Bình - Nghệ An; các tỉnh vùng Tây Bắc; Đông Nam bộ mở rộng; Đồng bằng sông Hồng mở rộng... Không chỉ dừng lại ở việc ký kết thỏa thuận hợp tác, các hoạt động kết nối đã dần đi vào chiều sâu thông qua xây dựng các tour, tuyến liên tỉnh, tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch chung. Cùng với đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp du lịch của các địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm quản lý điểm đến, phát triển sản phẩm phù hợp với từng phân khúc khách.
Theo ông Lê Xuân Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, điểm mấu chốt trong cách làm mới các liên kết của Thanh Hóa là tư duy mở và hành động thiết thực. “Thanh Hóa không chỉ quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch của mình, mà đã chủ động quảng bá cho các địa phương khác trong cụm liên kết. Khi du khách đến Thanh Hóa, sẽ có rất nhiều tuyến tham quan kết nối đến Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh hoặc các tỉnh miền Trung có điều kiện thuận lợi về kết nối giao thông để du khách lựa chọn. Qua đó không chỉ tăng thời gian lưu trú, nâng mức chi tiêu của khách, mà còn tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương. Ngoài ra, các địa phương cũng chú trọng xây dựng sản phẩm đặc trưng nhằm tránh trùng lặp và hướng đến mục tiêu liên kết hiệu quả, bền vững”, ông Thảo phân tích. Điều đó cho thấy, liên kết không còn là hình thức mà từng bước trở thành nội dung phát triển thực chất, trong đó vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội, cộng đồng làm du lịch được đặt ngang hàng với sự dẫn dắt của chính quyền địa phương.
Một điểm sáng khác trong cách làm mới của tỉnh là việc nâng cao chất lượng liên kết công - tư trong phát triển du lịch. Không còn là những chương trình xúc tiến dàn trải, tại các hội nghị xúc tiến đầu tư vào du lịch, chính quyền địa phương không chỉ giới thiệu tiềm năng, mà còn đưa ra các cơ chế hỗ trợ cụ thể, chính sách đồng hành minh bạch và cam kết cải cách hành chính mạnh mẽ. Cùng với đó, doanh nghiệp của tỉnh cũng đã chủ động tham gia quảng bá, xúc tiến, thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp du lịch trong nước. Nhờ vậy, nhiều dự án du lịch quy mô lớn đã và đang hình thành, tạo ra cú hích về hạ tầng và dịch vụ, làm thay đổi bộ mặt du lịch địa phương.
Theo ông Bùi Nghiêm, Giám đốc Công ty Go Asia Travel (Hà Nội), Thanh Hóa đang từng bước khẳng định vị thế, thương hiệu trong các hành trình liên kết. “Chúng tôi cảm nhận rõ sự cầu thị và đồng hành của chính quyền. Không chỉ đơn giản là mời gọi hợp tác, địa phương còn chủ động ngồi lại cùng doanh nghiệp để định hướng xây dựng sản phẩm, lên kế hoạch quảng bá, cùng tháo gỡ khó khăn. Chính sự cầu thị và nhất quán trong quan điểm phát triển du lịch đã giúp Thanh Hóa hình thành được mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành lớn ở khu vực phía Bắc, tạo điều kiện để các sản phẩm liên kết vùng có sức sống và khả năng cạnh tranh cao hơn” - ông Nghiêm chia sẻ.
Từ nền tảng vững chắc ấy, du lịch Thanh Hóa đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm kết nối du lịch vùng Bắc Trung bộ và xa hơn là cả hành lang du lịch Đông - Tây. Với hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, Thanh Hóa đang trở thành điểm kết nối quan trọng giữa các tỉnh miền Bắc với miền Trung - Tây Nguyên. Điều này mở ra cơ hội lớn để hình thành các tuyến du lịch dài ngày, xuyên vùng, từ Hà Nội - Thanh Hóa - Nghệ An đến các trọng điểm du lịch miền Trung, hoặc các tuyến du lịch xanh từ vùng núi Pù Luông đến các tỉnh vùng Tây Bắc, qua đó nâng tầm khả năng hội nhập cho du lịch địa phương.
Tuy nhiên, một số khó khăn vẫn còn tồn tại trong liên kết vùng như: sự hợp tác giữa các doanh nghiệp còn yếu, thiếu sản phẩm chung có thương hiệu mạnh, hạ tầng một số điểm đến chưa đồng bộ, nhân lực còn hạn chế. Để cụm liên kết phát triển du lịch thực sự hiệu quả và bền vững, một số chuyên gia du lịch cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh vai trò điều phối chung của cơ quan quản lý Nhà nước, tạo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng và phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng doanh nghiệp địa phương.
Việc định hình lại các cụm liên kết phát triển du lịch, với tư duy mở, hành động thực tiễn và sự tham gia đồng bộ giữa các bên liên quan, đang giúp Thanh Hóa từng bước khẳng định là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Cùng với sự hội nhập ngày càng sâu vào các chuỗi liên kết du lịch nội địa, Thanh Hóa đang chứng minh rằng: để du lịch cất cánh, không chỉ cần tài nguyên, mà cần cách làm mới, bài bản, có tầm nhìn và “muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.
Bài và ảnh: Hoài Anh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/dinh-hinh-cach-lam-moi-trong-cac-cum-lien-ket-phat-trien-du-lich-256233.htm
Bình luận (0)